Nguồn: vietnambiz.vn
Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong khi các thị trường chính khác lại suy giảm.
Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam (VPSA) cho thấy, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay với khối lượng đạt 35.914 tấn, tăng hơn 15 lần (1.430%) so với cùng kỳ và vượt xa con số 20.498 tấn mà Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm ngoái.
Xét về tỷ trọng Trung Quốc chiếm đến 35% tổng khối lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam so với con số khiêm tốn là 3% trong 4 tháng năm 2022.
Tính riêng trong tháng 4, lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 9.995 tấn, giảm 36,4% so với kỷ lục 15.710 tấn của tháng 3 nhưng tăng 48 lần (4.682%) so với tháng 4/2022.
Sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch COVID-19, Trung Quốc đã tăng tốc nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam kể từ đầu năm nay sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và mở cửa trở lại nền kinh tế. Ngoài ra, giá tiêu giảm trong suốt quý IV năm ngoái, kéo dài đến đầu năm nay cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy thị trường Trung Quốc đẩy mạnh mua vào.
Trong khi đó, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang một số thị trường tiêu thụ lớn khác lại suy giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm nay.
Việc xuất khẩu sang tiêu sang Trung Quốc phục hồi được xem là cứu thua, bù đắp cho sự sụp giảm của các thị trường khác. Do đó, tính chung 4 tháng đầu năm, lượng tiêu xuất khẩu vẫn tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 24.929 tấn.
Trung Quốc liên tục mua vào khối lượng lớn đã thúc đẩy giá tiêu tăng lên cho dù nhu cầu tại các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu vẫn yếu. Ngoài ra, người trồng tiêu sau khi bán một phần để trang trải chi phí đã giữ lại hàng chờ giá cao hơn.
Theo đó, giá tiêu đen nội địa tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Đặc biệt thời điểm cuối tháng 4, giá tiêu có sự “bứt tốc” sau khi đi ngang trong tháng 3.
Tính đến ngày 22/5, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khoảng 74.000 – 75.000 đồng/kg, tăng 13 – 14% (8.500 – 9.500 đồng/kg) so với cuối quý I và tăng 25% (15.000 đồng/kg) so với đầu năm nay.
Giá tiêu xuất khẩu trung bình sang thị trường cũng tăng 50% trong 4 tháng đầu năm, đạt khoảng 2.414 USD/tấn.
98% tiêu xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch
Nhiều năm qua, Việt Nam xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch do đó gặp nhiều rủi ro.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong quý I, lượng tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này chỉ ở mức 472 tấn, chênh lệch rất nhiều so với số liệu của VPSA là khoảng 26.000 tấn.
Trao đổi với người viết ông Lê Việt Anh, Chánh văn phòng VPSA cho biết số liệu của Hải quan Trung Quốc là tiêu nhập khẩu theo đường chính ngạch, còn số liệu của VPSA là bao gồm cả chính ngạch và tiểu ngạch. Như vậy tới 98% tiêu xuất khẩu qua Trung Quốc là đường tiểu ngạch.
Mới đây, trong dự thảo Nghị định 14/2018 về thương mại biên giới, Bộ Công Thương đề xuất từ ngày 1/1/2025 sẽ giảm số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân để hài hòa, đồng bộ với việc thay đổi chính sách đối với xuất khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân.
Đến 1/1/2028, tất cả cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Ông Việt Anh cho rằng nếu đi vào thực thi, Nghị định này sẽ có lợi đối với hoạt động xuất khẩu tiêu của Việt Nam. Hiện nay việc xuất khẩu sang Trung Quốc hầu hết là những cá nhân, ngoài hiệp hội thực hiện.
Theo thoả thuận hiện tại, những lô hàng dưới 8.000 Nhân Dân Tệ khi nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ không bị tính thuế. Do đó, các thương nhân Trung Quốc lợi dụng chính sách này để chia nhỏ lô hàng để không phải đóng thuế. Nếu để lô hàng lớn, sau khi đóng thuế thì giá sẽ cao hơn nhiều so với việc nhập khẩu chính ngạch.
“Nếu Nghị định này được thực thi sớm thì sẽ tốt cho ngành hồ tiêu, gia vị nói riêng. Thương lái Trung Quốc sẽ không chia nhỏ lô hàng nữa mà phải mua chính ngạch, cạnh tranh với các doanh nghiệp chính thống Việt Nam. Lúc đó, các doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu chính ngạch sẽ được hưởng lợi. Việc mua bán cũng trở nên minh bạch hơn, không còn tình trạng tắc nghẽn cửa khẩu do bạn hàng đột ngột dừng mua, huỷ kèo”, ông Việt Anh nói.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu chính ngạch đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng yêu cầu khắt khe từ phía Trung Quốc bởi đây không còn là thị trường dễ tính như trước đây.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết các doanh nghiệp hiện cũng đang chuyển dần sang hình thức xuất khẩu chính ngạch. Để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cần phải có mã số vùng trồng được đăng ký với sở nông nghiệp các địa phương cấp. Đồng thời vùng trồng đạt được chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP, ASEANGAP) hoặc chứng nhận tương đương được Việt Nam và quốc tế công nhận.