Nguồn: nongnghiep.vn
Năm 2022, nghệ thuật chè truyền thống và các phong tục liên quan đến chè của Trung Quốc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ 15 tỉnh, khu tự trị hoặc thành phố trực thuộc Trung ương lên 44. Trong số đó, tỉnh Phúc Kiến đóng góp 6 di sản, bao gồm chè đá núi Wuyi. Theo ông Ye Yuangao, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Chè Wuyishan, loại chè này là một trong những loại đầu tiên được giới thiệu đến thị trường châu Âu và châu Mỹ trong thế kỷ 17.
Có nguồn gốc từ Trung Quốc, chè đã trở thành thức uống toàn cầu, đến nỗi nhiều người coi nó là thức uống của thế giới. Để tôn vinh di sản văn hóa, lợi ích sức khỏe và tầm quan trọng kinh tế của thức uống này, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 21/5 là Ngày Trà Quốc tế.
Chè đóng một vai trò có ý nghĩa trong nhiều nền văn hóa, mang đến nhiều lựa chọn hương thơm phong phú và được đánh giá cao về chất lượng chống viêm cũng như chống oxy hóa.
Được coi là cái nôi của chè, tỉnh Vân Nam thu về 100 tỷ nhân dân tệ (14,19 tỷ USD) mỗi năm từ ngành này. Quận Mãnh Hải, thuộc khu tự trị Xishuangbanna Dai của Vân Nam, được quốc tế công nhận là một trong những nơi sản sinh ra trà Phổ Nhĩ. Nằm ở độ cao hơn 1.600 mét so với mực nước biển, ngôi làng Laoman'e trên núi Blang ở Mãnh Hải là một ngôi làng cổ của dân tộc Blang, với lịch sử kéo dài hơn 1.400 năm.
1kg trà Phổ Nhĩ thu hoạch từ những cây cổ thụ, thường có tuổi đời hơn 100 năm, có giá từ 1.000 đến 2 triệu nhân dân tệ (157 USD đến 313.000 USD).
Thu hoạch, chế biến và thưởng trà đã là một phần trong cuộc sống và văn hóa của người Blang qua nhiều thế hệ. Ở đây vào những ngày giữa tháng 5 hằng năm, người ta có thể dễ dàng bắt gặp nông dân vừa hái lá chè vừa ngân nga những điệu hát dân tộc.
Những cây chè cổ thụ mọc trong các khu rừng nguyên sinh ở Vân Nam, thường cao khoảng 2 - 3 mét, có cây vượt 10 mét. Nông dân trồng chè trèo cây để hái lá, tạo nên một khung cảnh độc đáo.
Làng Laoman'e là một trung tâm sản xuất chè nổi tiếng. Mọi người còn nói rằng họ thường nghe thấy âm thanh của những người hái lượm mà không thực sự nhìn thấy hình ảnh của người hái.
Bên cạnh nghệ thuật pha trà, các tập tục văn hóa phong phú cũng theo đó phát triển, ví dụ như các nghi lễ được thực hiện trên núi vào mùa xuân để cầu mong cho một vụ mùa bội thu, hay kỹ thuật chabaixi (còn gọi là tranh chè), một phương pháp pha chè truyền thống bắt nguồn từ thời nhà Tống (960-1279). Với nghi lễ này, chè được đánh bột và vẽ trên lớp bọt nổi. "Chúng ta nên tiếp tục tăng cường bảo vệ, kế thừa và phát triển di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến chè, thiết lập một hệ thống bảo vệ toàn diện và xây dựng các phòng triển lãm văn hóa chè, các di sản và trung tâm đào tạo", ông Ye nói.
Ông cũng gợi ý rằng điều quan trọng là tổ chức các buổi biểu diễn tập trung vào văn hóa chè, tổ chức các lễ hội và triển lãm du lịch văn hóa, đồng thời tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch trải nghiệm kỹ thuật sản xuất chè và trao đổi với những người làm chè và người nấu chè. Xuất khẩu chè và ngành chè nói chung đóng một vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển.