Nguồn: congthuong.vn
Mở rộng giống chè shan tuyết
Từ lâu, Bắc Hà đã nổi tiếng là thủ phủ cây chè shan tuyết của Lào Cai; trong đó chè Bản Liền là niềm tự hào của Bắc Hà và là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh tìm được chỗ đứng ở Mỹ và châu Âu.
|
Chè Bản Liền có vị ngọt thơm, để lại vị ngọt lâu trong miệng sau khi uống |
Nằm cách trung tâm huyện Bắc Hà hơn 30km, xã vùng cao Bản Liền từ lâu nổi tiếng là vùng chuyên canh chè hàng đầu của tỉnh Lào Cai với nhiều cây chè shan cổ thụ. Những sản vật này được người dân quan tâm đầu tư, sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, vừa đảm bảo an toàn, vừa lưu giữ được hương vị đặc trưng, mang tính khác biệt và tạo được thương hiệu, có mặt tại nhiều thị trường.
Chè Bản Liền nổi tiếng có màu nước đẹp, khi pha nước trà có màu xanh nhạt quyện lẫn màu vàng nhạt như mật ong rừng, hương thơm quyến rũ. Nước chè có vị ngọt thơm để lại vị ngọt lâu trong miệng sau khi uống…
Thời gian qua, cây chè shan tuyết đã đem lại lợi ích kép gắn với phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, giúp bà con nông dân vùng cao Bắc Hà có nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu trên mảnh đất vùng cao.
Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; phát huy lợi thế vùng, huyện Bắc Hà đã và đang chú trọng thực hiện mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè shan tuyết.
Dự kiến, đến năm 2025 vùng chè shan tuyết của Bắc Hà sẽ được mở rộng đạt 1.500ha, tăng 803ha so với năm 2022; đồng thời thực hiện cải tạo, thay thế diện tích chè già cỗi, trồng bổ sung đảm bảo mật độ, tập trung thâm canh tăng năng suất chè kinh doanh, đặc biệt mở rộng vùng canh tác chè shan tuyết hữu cơ lên đạt 1.500ha tại 2 xã Bản Liền và Tả Củ Tỷ. Chú trọng bảo tồn diện tích chè shan tuyết cổ thụ gắn với phát triển du lịch tại xã Hoàng Thu Phố.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đưa cây chè thành cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở địa phương.
Tiếp tục nâng cao chất lượng
Là cây trồng xóa đói giảm nghèo, giờ đây chè đã trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của Lào Cai. Theo tính toán, năm 2020, giá trị bình quân thu nhập từ sản lượng chè búp tươi đạt trên 236 tỷ đồng. Năm 2022, giá trị thu nhập của sản lượng chè tươi toàn tỉnh tăng trên 274 tỷ đồng, gấp 1,16 lần so với năm 2020.
Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như: Lùng Vai, Cao Sơn (Mường Khương), Phong Hải, Phú Nhuận (Bảo Thắng), Bản Liền (Bắc Hà)…
Để nâng cao chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã công nhận 6 vườn chè đầu dòng đủ tiêu chuẩn sản xuất giống với số lượng 22,5 triệu hom giống/năm, đảm bảo chất lượng, số lượng cung ứng cho các cơ sở sản xuất giống phục vụ trồng mới trong tỉnh.
Cụ thể, với giống chè chất lượng cao Kim Tuyên, công nhận 1 vườn chè đầu dòng chè Kim Tuyên tại xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên) với số lượng khai thác 2,5 triệu hom/năm. Đồng thời công nhận 5 vườn chè đầu dòng khác tại các xã Lùng Vai và Bản Sen (huyện Mường Khương) với số lượng khai thác 20 triệu hom/năm.
Với mục tiêu duy trì vai trò cây trồng chủ lực của cây chè, ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã đề ra kế hoạch năm 2023 trồng mới 1.055ha chè, mục tiêu đến năm 2025, diện tích chè tập trung toàn tỉnh đạt 8.420ha, tập trung đầu tư thâm canh trên 5.000ha chè kinh doanh theo hướng sản xuất an toàn; nâng cao năng suất, chất lượng chè ổn định trên 10 tấn/ha/năm.
Cùng với mở rộng diện tích, xây dựng các vùng chuyên canh chè sạch, chè an toàn, Lào Cai cũng quan tâm hỗ trợ phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm chè. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai: Để đạt được các mục tiêu đề ra, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó có cây chè được chọn là một trong những cây trồng chủ lực, cần phải tích cực tuyên truyền đến người dân các địa phương trong tỉnh tích cực tham gia sản xuất trồng chè có chất lượng, theo hướng canh tác hữu cơ, bền vững…
Theo kế hoạch năm 2023, toàn huyện Bắc Hà trồng mới 215ha chè shan tuyết và trồng dặm các diện tích trồng chè bị mất khoảng đảm bảo đúng mật độ. Đến nay, đã trồng mới được 51ha; trong đó, huyện đoàn Bắc Hà phối hợp với xã Bản Liền phát động và kêu gọi đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện giúp đỡ bà con nhân dân thôn Đội 2, Đội 3, Pắc Kẹ - Bản liền trồng dặm 6,5 ha chè shan tuyết. |