Nguồn: thuonggiaonline.vn
Đồng thời, bà Kim Anh cũng nhận định không đơn giản để tính giá thành chăn nuôi lợn. Điều này xuất phát từ thực trạng chăn nuôi ở nước ta chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ với hàng triệu hộ chăn nuôi, năng suất chăn nuôi còn thấp.
Cũng do đó, việc tính toán giá thành, hỗ trợ nguồn vốn dự phòng hay can thiệp vào giá là điều rất khó khăn khi khoảng 80% thịt lợn được tiêu thụ tại các chợ truyền thống.
"Không chỉ vậy, để thực hiện chính sách bình ổn giá đối với hàng hóa như thịt lợn thì cần nguồn kinh phí khá lớn, trong khi ngân sách đang rất khó khăn. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá", bà Nguyễn Thị Kim Anh cho biết.
Sau khi nhiều lần được đề xuất và tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, ý kiến dư luận nhân dân, Chính phủ đã thống nhất không đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Giá sửa đổi. Đối với mặt hàng thịt lợn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, thịt lợn là mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cơ bản lớn trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiện nay, tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình có xu hướng giảm trong thời gian gần đầy, chỉ ở mức 40-45% so với mức 65-70% như trước đây.
Việc áp dụng bình ổn giá đồng nghĩa với việc phải kê khai giá và khó khả thi khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, giá biến động từng ngày đối với mặt hàng này nên các cá nhân kinh doanh cơ bản sẽ khó thực hiện quy định kê khai giá như Dự thảo Luật quy định.
Theo quy định hiện hành, mặt hàng thịt lợn không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thực tế diễn biến thị trường trong thời gian qua cũng không đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa vào thực hiện bình ổn giá.
Do vậy, tại thời điểm hiện nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không quy định các mặt hàng này tại danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.