Nguồn: danviet.vn
Người chăn nuôi gà đang lỗ "banh xác"
Khi chúng tôi gọi điện hỏi han về tình hình chăn nuôi gà thời gian qua, ông Lê Văn Quyết – Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai), đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ kêu lên: "Chết hết rồi nhà báo ơi! Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, kiểu truyền thống tận dụng thức ăn thừa, nhân công nhà rỗi là tiêu tan hết rồi. Dạng thứ 2, là những hộ chăn nuôi quy mô vừa nhưng chưa đủ tầm áp dụng công nghệ cao, thiết bị tiên tiến, thì cũng đang lỗ “banh xác”.
"Bây giờ chỉ còn các trang trại lớn chăn nuôi công nghệ cao còn trụ được, nhưng cũng đang ngắc ngoải" - ông Quyết nói.
Theo ông Quyết, thời gian qua nghề nuôi gà trải qua 2 trận “càn quét” lớn. Đợt 1, dịch Covid-19 đã tàn phá hết sức khủng khiếp, “giết chết” hàng loạt hộ chăn nuôi. Nhiều hộ hoặc treo chuồng hoặc phải cho thuê chuồng. Nhưng ngay cả những hộ cho thuê chuồng thì đến giờ cũng không lấy được tiền vì dính bão giá thức ăn chăn nuôi.
Với cơn bão giá thức ăn chăn nuôi, thì ngay cả những người chăn nuôi rất giỏi, năng suất cao cũng gặp khó khăn do giá bán chỉ bằng 70 – 80% giá thành. "Lỗ hoài thì công nghệ cao cỡ nào cũng thua, bởi vì trận bão giá này kéo dài suốt từ giữa năm 2022 đến nay và dự báo sẽ còn kéo dài tới hết quý 3" - ông Quyết nói.
Là người có 20 năm chăn nuôi gà, ông Quyết cho rằng nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu giá tuân theo quy luật cung cầu. Hiện nay không những nguồn cung trong nước đang dồi dào mà lượng thịt nhập khẩu về cũng ồ ạt. Thị trường có những sản phẩm gia cầm nhập khẩu rẻ tới mức không tưởng tượng được, chỉ bằng 50-70% giá thịt hơi trong nước.
"Giá gà sau giết mổ nhập về rẻ như vậy thì người chăn nuôi chúng tôi sao có thể cạnh tranh được? Vấn đề là người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm có giá rẻ hơn, cho dù đó là cách tiêu dùng "không thông minh". Đơn cử như gà thải loại, ăn vẫn ngon, thịt dai, giòn nhưng vì sao người nước ngoài họ không ăn?" - ông Quyết đặt câu hỏi.
Cũng theo tiết lộ của ông Quyết: Hiện HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát có 17 thành viên, trong đó có 8 thành viên liên kết với tổng đàn gà thịt 2 triệu con. Về đầu ra, HTX đang liên kết với một đối tác lớn nhưng tôi được biết, mỗi ngày đối tác này bị lỗ 5 tỷ đồng. Trong khoản lỗ “khủng” này, phía HTX chịu lỗ từ 200 – 300 triệu/ngày.
Mặc dù chúng tôi được doanh nghiệp hợp đồng thu mua với giá 31.000 đồng/kg, nhưng sắp tới giá sẽ xuống mức 30.000 đồng/kg. Chúng tôi cũng phải chia sẻ khó khăn, chịu một phần lỗ với doanh nghiệp, bởi nếu họ “gục” thì mình cũng sẽ chết theo" - ông Quyết tâm sự.
Đối với các mô hình chăn nuôi lớn, ông Quyết cho rằng việc thua lỗ vài tỷ đồng là chuyện bình thường, nhưng cái đáng lo nhất là HTX sẽ phải giảm đàn. Ví dụ mỗi năm HTX nuôi 5 lứa gà, giảm đi 1 lứa là tương đương 20% doanh thu, vậy thì còn đâu là công cán, lợi nhuận? Nếu không cải thiện được tình hình thì cũng sẽ có ngày phải phá sản.
Do đó, để "cứu" người chăn nuôi gà nói riêng, ngành gia cầm nói chung, ông Quyết cho rằng, Nhà nước cần thiết lập các hàng rào kỹ thuật chặt chẽ hơn nhằm siết chặt việc nhập khẩu các sản phẩm thịt gà, nhất là hàng kém chất lượng. Điều này vừa bảo vệ người chăn nuôi trong nước, vừa bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Với 20 năm theo nghề chăn nuôi gà, ông Lê Văn Quyết thuộc lớp nông dân tiên phong của Đồng Nai mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà công nghiệp, áp dụng công nghệ chuồng lạnh hiện đại. Không chỉ là một trong những chủ trang trại đầu tiên của Việt Nam đủ điều kiện chăn nuôi gà công nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, ông Quyết còn xây dựng thành công Hợp tác tác xã nuôi gà xuất khẩu duy nhất trên cả nước, có liên kết chuỗi với doanh nghiệp.