Giá lợn hơi giảm và duy trì ở mức thấp chủ yếu do ảnh hưởng của lạm phát dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thấp.
Giá thịt lợn "neo" ở mức lỗ
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay đồng loạt đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 48.000 - 49.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá thấp nhất khu vực là 48.000 đồng/kg, tiếp tục được ghi nhận tại các tỉnh Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang. Lợn hơi tại các tỉnh, thành còn lại vẫn được giao dịch với giá 49.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi thấp nhất khu vực 47.000 đồng/kg được ghi nhận tại Nghệ An. Ở chiều ngược lại, mức giá cao nhất khu vực 52.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bình Thuận. Các tỉnh còn lại không ghi nhận biến động mới về giá so với một tuần trước đây và dao động quanh mức 48.000 - 51.000 đồng/kg.
Với mức giá "đi ngang" ở mức thấp này, liên tục giảm từ sau Tết Nguyên đán, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại. Trong khi đó, nguồn cung thực phẩm nội địa và nhập khẩu đều tăng, sức mua thấp do ảnh hưởng bởi lạm phát, cộng với xu hướng giảm ăn thịt khiến giá thịt lợn giảm mạnh. Dự báo, xu hướng giá thấp vẫn kéo dài ít nhất hết quý I/2023.
Với mức giá trên, không chỉ nông dân mà các doanh nghiệp chăn nuôi cũng đua nhau báo lỗ nặng khi giá thức ăn neo ở mức đỉnh, giá lợn hơi xuất chuồng lại rơi xuống đáy mới. Chủ một trang trại đang nuôi 500 con lợn thịt tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết, mới cách đây vài ngày, lứa lợn gần 80 con xuất chuồng của ông chỉ bán được giá 47.000 đồng/kg lợn hơi. Những con lợn xấu (nhiều mỡ, quá cỡ) bị thương lái loại ra, ông phải bán giá rẻ 43.000-45.000 đồng/kg. Không những giảm giá mạnh, việc tiêu thụ ngày lợn cũng ngày càng khó.
"Trước kia, lợn nuôi trọng lượng 130-140kg/con lái buôn vẫn bắt hết, không mua chọn. Nay họ chỉ bắt loại lợn trọng lượng 100-110kg/con, những con lợn trọng lượng lớn bị loại ra. Trong trại của ông giờ còn hơn chục con lợn ngoại cỡ vẫn chưa bán được. Mỗi con lợn bán được cũng lỗ khoảng 1 triệu đồng", chủ trang trại lợn cho biết.
Với mức giá ở khắp các tỉnh thành đều rơi về dưới mốc 50.000 đồng/kg, không chỉ người chăn nuôi mà các doanh nghiệp trong ngành cũng lỗ nặng. Theo ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Lộc Phát BLLT, doanh nghiệp của ông mỗi tháng xuất bán ra thị trường 2.000-2.500 con lợn thương phẩm. Với mức giá hiện nay, doanh nghiệp lỗ khoảng 1,2-1,5 tỷ đồng/tháng.
Chủ doanh nghiệp này chia sẻ, chăn nuôi lợn đã hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ rơi vào thế khó như thời điểm hiện tại. Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ cuối năm 2020, đến tháng 8/2022 đà tăng mới chấm dứt; song, từ đó đến nay, giá vẫn neo ở mức đỉnh lịch sử, chưa một lần điều chỉnh giảm. Trong khi, giá lợn hơi giảm dần đều, nay rơi xuống đáy mới. Trong quý IV/2022, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lợn cũng báo lỗ hoặc lợi nhuận thụt lùi so với cùng kỳ. "Ông lớn" Dabaco ghi nhận khoản lỗ hơn 79 tỷ đồng vào quý IV/2022, trong khi cùng kỳ lãi gần 112 tỷ đồng.
Dịch bệnh, giá lợn hơi giảm mạnh trong thời gian dài và nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi. Doanh nghiệp sản xuất thịt mát Meatdeli (Masan MeatLife) cũng báo lỗ hơn 170 tỷ đồng trong quý IV/2022, nâng khoản lỗ năm qua lên trên 230 tỷ đồng. Đó là bởi công ty không còn kinh doanh mảng thức ăn chăn nuôi từ cuối năm 2021 mà tập trung vào mảng thịt thương hiệu.
Khuyến cáo cần giảm đàn
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN-PTNT, bày tỏ sự chia sẻ với khó khăn của người chăn nuôi. Theo ông, không riêng ở Việt Nam mà giá lợn hơi các nước cũng giảm, thậm chí mức giảm mạnh hơn Việt Nam. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, giá lợn hơi hồi tháng 10-2022 là 87.000 đồng/kg, nay còn 55.000-58.000 đồng/kg, dù nước này đã mở cửa trở lại.
Người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán thấp hơn giá thành kéo dài, chi phí thức ăn chăn nuôi cao
Tuy nhiên, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới cũng giảm về mức thấp nhất trong vòng 19 tháng qua. Do đó, hy vọng đến quý II/2023, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ giảm, phần nào gỡ khó cho hộ nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã được đưa về 0%; chỉ còn riêng mặt hàng khô dầu đậu tương còn chịu mức thuế 2% và đang được kiến nghị đưa về 0%.
Cũng theo ông Dương Tất Thắng, Việt Nam đã có nhiều mô hình chăn nuôi tốt, giúp giảm giá thành, có thể vận dụng. Ví dụ, mô hình chăn nuôi sử dụng ruồi lính đen để xử lý phân và cung cấp nguồn đạm động vật giá rẻ. Hay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tận dụng chuối loại sau xuất khẩu để làm thức ăn cho heo.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến giải thích tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong thời gian qua đã khiến sức mua giảm sút. Nhiều dự báo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại từ quý II/2023 và đây là động lực giúp phục hồi sức mua. "Trong khó khăn, người chăn nuôi cần giảm đàn, tránh tâm lý giữ đàn đợi giá lên vì rất rủi ro" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyến cáo.
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo quyết liệt trong việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gồm bắp và khoai mì tại Tây Nguyên để giảm phụ thuộc nhập khẩu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục xuất khẩu. Mới đây, Công ty CP Ba Huân đã xuất khẩu thành công trứng gà tươi sang Hồng Kông - Trung Quốc với khối lượng 1 container/tuần.
Sớm thương thảo xuất khẩu chính ngạch thịt lợn
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thừa nhận, ngành chăn nuôi chưa bao giờ gặp khó khăn như năm 2022 khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, giá thịt lợn, thịt gia cầm lại giảm mạnh. Sang năm 2023, chưa thấy tín hiệu tích cực nào để ngành chăn nuôi có thể hồi phục. Theo thống kê, năm 2022 sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7,05 triệu tấn. Trong đó, sản lượng thịt bò hơi là 474,3 nghìn tấn, tăng 3,5%; sản lượng thịt lợn hơi 4.425 nghìn tấn, tăng 5,9%; sản lượng thịt gia cầm hơi 2.028 nghìn tấn, tăng 4,5%; sản lượng trứng trên 18,3 tỷ quả, tăng 4,4%. Ngoài ra, Việt Nam chi khoảng 1,5 tỷ USD nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật trong năm 2022, tăng 9,1% so với năm 2021.
"Nguồn cung thực phẩm nội địa và nhập khẩu đều tăng, trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng bởi lạm phát, cộng với xu hướng giảm ăn thịt lợn, tăng ăn thịt gà, thuỷ sản, bò,... khiến giá lợn hơi giảm mạnh. Nhìn từ sức tiêu thụ thực tế, giá thịt lợn có thể giảm tiếp và neo ở mức thấp trong 2-3 tháng tới, sau đó sẽ tăng dần với điều kiện sức mua cải thiện khi kinh tế phục hồi", ông Dương phân tích. Để ngành chăn nuôi lợn phục hồi được, ông Dương kiến nghị cơ quan chức năng quản lý chặt hoạt động nhập khẩu thịt và phụ phẩm; có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm; tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu thực ăn chăn nuôi nội địa.
Để ổn định giá lợn hơi trong nước, Việt Nam cần sớm thương thảo với các nước để xuất khẩu thịt lợn chính ngạch.
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, nguyên nhân đẩy giá lợn hơi giảm và duy trì ở mức thấp chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng thấp, chứ không phải xuất phát từ việc tăng nguồn cung. Tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng và cắt giảm lao động, trong đó nhiều nơi chỉ duy trì lao động khoảng 50%. Điều này khiến thu nhập của người dân giảm, dẫn đến sức tiêu thụ của các quán ăn, nhà hàng, bếp ăn khu công nghiệp… cũng xuống mức thấp.
"Tín hiệu này bắt đầu từ cuối quý 3/2022 sau khi giá lợn hơi có thời điểm tăng đến 75.000 đồng/kg rồi từ đó tụt dốc cho đến nay. Chưa kể, số lượng lợn đến tuổi xuất chuồng của cả các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và các nông hộ dồn toa đến thời điểm này vẫn chưa tiêu thụ hết khiến nguồn cung ở mức cao. Nếu tình trạng tiếp tục diễn ra, khả năng giá lợn hơi vẫn sẽ giữ ở mức như hiện nay đến quý 2", ông Trọng phân tích. Hiện nay, tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 26,2 triệu con (chưa bao gồm lợn con theo mẹ), tăng 11,4% so với năm 2021. Do đó, để ổn định giá lợn hơi trong nước, Việt Nam cần sớm thương thảo với các nước để xuất khẩu thịt lợn chính ngạch./.