Nguồn: thanhnien.vn
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt gần 741 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 302,3 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tính trung bình mỗi ngày người Việt chi hơn 3,3 triệu USD, tương đương khoảng 75 tỉ đồng để nhập khẩu thịt và các sản phẩm dạng thịt từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh Niên, ngoài một số lượng rất nhỏ sản phẩm thịt cao cấp, có thương hiệu từ Nhật Bản, Mỹ, Úc hay Canada thì phần lớn là thịt đông lạnh, xương, nội tạng, phụ phẩm của heo, trâu, bò, gà… với giá nhập trung bình chỉ khoảng 1 USD/ký. Đó chính là lý do vì sao trong thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thịt heo gà chỉ có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg còn thịt trâu, bò có giá 100.000 - 120.000 đồng/kg…
Điều đáng nói, trong khi thị trường trong nước nguồn cung vượt cầu nhưng nhập khẩu vẫn tăng là bằng chứng cho thấy tác động của thịt nhập khẩu đến ngành chăn nuôi trong nước. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho rằng nhập khẩu thịt là điều bình thường, đặc biệt theo nguyên tắc có đi có lại khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do. Điều này có phần tích cực vì góp phần thúc đẩy chăn nuôi trong nước phát triển khi có sự cạnh tranh quyết liệt từ các nền sản xuất lớn.
"Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta không kiểm soát thịt nhập khẩu. Rất nhiều sản phẩm kém chất lượng, cận hạn sử dụng, phế phụ phẩm dạng thịt được nhập khẩu về Việt Nam bán với giá rẻ bèo 30.000 - 40.000 đồng/kg. Như vậy làm sao người chăn nuôi trong nước có thể cạnh tranh. Các phụ phế phẩm đó, ở nước ngoài người ta còn phải tốn chi phí xử lý. Tôi vẫn tha thiết kiến nghị, cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét lại việc cấp phép nhập khẩu các phụ phẩm dạng thịt và nội tạng. Đâu có ở nước nào mà ra thị trường mua hàng tấn "ngọc kê" (tinh hoàn) gà cũng dễ dàng có được như ở Việt Nam", ông Ngọc bức xúc.
Ngoài vấn đề thịt nhập khẩu, việc thị trường thịt sụt giảm mạnh thời gian qua còn do ngành nông nghiệp không kiểm soát được đàn vật nuôi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK), so với cùng kỳ năm trước, trong quý 1/2023 sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng quý đạt 130.500 tấn, tăng 2,8%. Tổng số heo của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 3 là 24,66 triệu con, tăng 6,2%; sản lượng heo hơi xuất chuồng gần 1,2 triệu tấn, tăng 7,5%. Tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 3 là 532 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 563.200 tấn, tăng 4,2%...