Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chăn nuôi trong nước "lép vế"
22 | 09 | 2008
Hai năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), người chăn nuôi trong nước đã cảm nhận rõ hơn tác động của nó, khi mà sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập đua nhau tràn vào, còn chăn nuôi trong nước thì bị “lép vế” thấy rõ.
Tại hội nghị về giải pháp cấp bách đẩy mạnh phát triển chăn nuôi 2008-2009 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng ngày 19-9 tại TPHCM, những con số thống kê thịt, trứng ngoại nhập khiến không ít người tham dự hội nghị phải giật mình.

Nhập cả “lục phủ ngũ tạng”

Về tình hình xuất nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, đưa ra những con số thống kê như một minh chứng cho việc thịt trứng ngoại nhập đang chèn ép ngành chăn nuôi vốn manh mún và phân tán của Việt Nam. Nếu như thịt, tim gan, thận của trâu bò ngoại nhập vào Việt Nam cả năm 2007 chỉ có hơn 2.800 tấn, thì chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, con số đó đã gần gấp 3 lần!

Tương tự, thịt heo và kể cả “lục phủ ngũ tạng” nhập năm ngoái chưa đầy 500 tấn, nhưng 8 tháng đầu năm nay đã vọt lên 8.600 tấn, tăng hơn 18 lần. Đó là mức tăng mà các nhà kinh doanh nhập khẩu nếu có nằm mơ cũng không thấy, như đại diện một công ty chăn nuôi heo phát biểu sau đó.

Tuy nhiên, "khủng khiếp" nhất vẫn là các sản phẩm gà nhập khẩu, từ 40.868 tấn cả năm 2007, vậy mà chỉ 8 tháng đầu năm nay đã lên tới 103.401 tấn.

Một công ty chăn nuôi, giết mổ gà vịt ở TPHCM cho rằng, với khối lượng thịt gà nhập khẩu nói trên, có thể quy ra gần 100 triệu con gà, trong khi đàn gà cả nước hiện nay chỉ hơn 241 triệu con, có nghĩa thịt gà nhập khẩu đang chiếm khoảng 40% thị phần cả nước.

Cánh gà, đùi gà là loại có giá rẻ hơn ức gà ở thị trường nước ngoài nhưng lại được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, nên đùi hay cánh gà nhập khẩu mấy năm qua có lúc chèn ép dữ dội thịt gà nội địa. Không chỉ có thế, những bộ đồ lòng của gà nhập ngoại cũng đã tràn vào Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, chỉ trong 8 tháng đầu năm qua, đã có 150 tấn “lục phủ ngũ tạng” của gà ngoại được nhập vào Việt Nam. Còn bộ đồ lòng của heo thì nhập tới 426 tấn (chủ yếu là gan, tim, thận). Chỉ tính sơ bộ kim ngạch nhập khẩu một số sản phẩm chăn nuôi trong 7 tháng đầu năm nay đã lên tới hơn 323 triệu đô la Mỹ; gồm: sữa và kem 188 triệu đô la Mỹ; bột Whey 22 triệu đô la Mỹ; thịt gia cầm 83 triệu đô la Mỹ; thịt heo 12,5 triệu đô la Mỹ; thịt trâu bò 17 triệu đô la Mỹ và thịt cừu gần 1 triệu đô la Mỹ.

Ngược lại, xuất khẩu thì gần như chẳng thấm vào đâu so với nhập khẩu với kim ngạch chỉ gần 81 triệu đô la Mỹ; trong đó, mật ong 26,67 triệu đô, heo sữa và heo choai 35 triệu đô la Mỹ và sữa 19 triệu đô la Mỹ.

Nông dân điêu đứng

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng trong rổ hàng hóa để tính chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng (CPI) thì trong thời gian qua, thực phẩm có tốc độ tăng khá mạnh so với mức tăng chung của CPI. Tuy vậy, dù giá tăng nhưng ngườichăn nuôi vẫn điêu đứng trước thịt, trứng ngoại nhập.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì giá thành sản xuất gà công nghiệp hiện nay ở mức 23.500 - 24.000 đồng/kg (tính bình quân cho quy mô trang trại nuôi hơn 1.000 con), còn thịt heo thì 33.000 - 34.500 đồng/kg heo hơi. Với giá bán hiện nay trên thị trường thì người chăn nuôi gà hay nuôi heo gần như không có lãi.

Mặc dù từ đầu năm tới nay dịch bệnh không tác động nhiều lên đàn heo, vốn là “chủ lực” của ngành chăn nuôi Việt Nam, nhưng ông Phát cho biết có thời điểm đàn heo giảm so với năm ngoái, dù chỉ có 3% nhưng vẫn đáng lo ngại, bởi lâu nay đàn heo vốn luôn “năm sau cao hơn năm trước”.

Tác động của dịch cúm gia cầm, rồi dịch bệnh lở mồm long móng hay heo tai xanh trên đàn heo đã làm nguồn cung thịt heo, gà trong năm ngoái báo hiệu tình hình thiếu hụt, tạo ra áp lực tăng giá đè nặng lên các nhà hoạch định chính sách là làm sao kìm hãm tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng, trong đó có thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, nhằm tránh sự thiếu hụt nên Việt Nam đã cắt giảm nhanh thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt heo, gà nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước từ năm ngoái. Thịt trâu bò có thuế suất nhập khẩu khi Việt Nam gia nhập WTO là 20% và theo cam kết thì đến năm 2012 mới cắt giảm xuống còn 14%; nhưng hiện nay đã giảm xuống còn 12%.

Thuế suất nhập khẩu thịt heo khi gia nhập WTO là 30% và cam kết giảm xuống còn 15 - 25% tùy loại; thực tế thì nay chỉ còn 20%. Thịt gà có thuế suất khi gia nhập là 40% (riêng đùi cánh 20%) và hiện đã giảm xuống còn 12% dù cam kết của Việt Nam với WTO là không cắt giảm nhóm hàng này để bảo vệ chăn nuôi gia cầm trong nước.

Gần như toàn bộ nhóm các sản phẩm của ngành chăn nuôi hiện tại có thuế suất nhập khẩu đã cắt giảm xuống dưới mức mà Việt Nam cam kết với WTO thực hiện vào năm 2012. Ngay như trứng gia cầm có thuế suất khi gia nhập WTO là 80% nhưng hiện chỉ còn có 20% dù không hề có cam kết cắt giảm mặt hàng này.

“Chính phủ cắt giảm nhanh thuế nhập khẩu xuống dưới mức cam kết với WTO là để bổ sung nguồn thực phẩm thiếu hụt trong nước, bình ổn giá cả thị trường trong gần 2 năm qua; nhưng nay thì gây hiệu ứng ngược khi chăn nuôi trong nước đã hồi phục”, ông Dương nói. Tình hình này đã buộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Chính phủ duy trì mức thuế suất đã cam kết với WTO, tức không nên giảm quá nhiều như hiện nay.

Theo ông Phát, dù đất nước đang gặp khó khăn nhưng GDP và thu nhập của người dân vẫn tăng, chứng tỏ nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, nhất là dịp Tết nhưng nếu “không giải quyết các vướng mắc của người chăn nuôi thì có khả năng thời gian tới, sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập càng có điều kiện chèn ép hơn nữa”.

Giám đốc một công ty chăn nuôi cho rằng, việc thịt gà ngoại tràn vào Việt Nam thì không có gì là lạ do mấy năm trước chăn nuôi gà trong nước bị dịch cúm "tàn phá" nặng nề; nhưng năm nay, thịt heo ngoại nhập vào Việt Nam dữ dội chứng tỏ ngành chăn nuôi heo trong nước bắt đầu gặp "rủi ro lớn". Ông lấy ví dụ ở miền Trung hiện nay, gần như phần đông hộ nông dân ở nông thôn đã bỏ chuồng trống, không nuôi heo vì không có hiệu quả, chỉ còn ở các trang trại. Trong khi dù hiệu quả thấp nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ hiện vẫn là nguồn cung thịt heo lớn cho cả nước




Nguồn: thesaigontimes.vn
Báo cáo phân tích thị trường