Theo nongnghiep.vn
Mới đây, trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), Công ty TNHH Nestlé Việt Nam và Bộ NN-PTNT đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác công tư, cam kết phát triển nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã gặp gỡ và làm việc với ông Mark Schneider, Tổng giám đốc điều hành Nestlé Toàn cầu.
Bản ghi nhớ nhận định Nestlé Việt Nam là thành viên tích cực của PSAV với nhiều hoạt động hợp tác công tư, là cầu nối giữa các Viện nghiên cứu và các cơ quan chức năng tại các địa phương thực hiện các dự án nhằm gia tăng giá trị trong toàn chuỗi cung ứng, gia tăng giá trị cho nông sản, thúc đẩy nông nghiệp tái sinh góp phần đạt cam kết phát thải ròng bằng không (net zero), và cải thiện cuộc sống của người nông dân.
Đồng thời, trong khuôn khổ chương trình làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị và Giám đốc Mark Schneider chính thức khởi động dự án “Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp” tại Việt Nam, đặt mục tiêu trồng ít nhất 2,3 triệu cây xanh (cây gỗ, cây ăn trái,…) tại 4 tỉnh Tây Nguyên, giúp hấp thu và lưu trữ khoảng 480.000 tấn CO2 trong giai đoạn 5 năm (2023 - 2027). Mô hình này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho các hộ sản xuất và ngành cà phê Việt Nam, mà còn giúp bảo vệ hệ sinh thái, phục hồi đất, giảm biến đổi khí hậu, tiến tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Đặc biệt, trong bối cảnh Quy định của Liên minh châu Âu về chống phá rừng (EUDR) sẽ có hiệu lực kể từ tháng 12/2024, hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Nestlé Việt Nam là dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu cà phê Việt Nam, củng cố hình ảnh mặt hàng nông sản bền vững, thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT để làm rõ những cơ hội trong tương lai mà Bản ghi nhớ với Nestlé Việt Nam là tiền đề quan trọng.
Xin ông cho biết ý nghĩa của việc Nestlé - một doanh nghiệp chế biến và phân phối cà phê hàng đầu tại Việt Nam - tham gia ký Bản ghi nhớ về phát triển nông nghiệp bền vững và hỗ trợ triển khai dự án nông lâm kết hợp, trồng 2,5 triệu cây xanh tại khu vực Tây Nguyên?
Việc ký Bản Ghi nhớ giữa Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam về Hợp tác Công tư thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp sẽ thúc đẩy hợp tác theo hình thức Đối tác công tư (PPP) để hỗ trợ thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về đạt phát thải ròng bằng không (net zero) vào năm 2050. Đồng thời, Bản Ghi nhớ tăng cường hợp tác, chia sẻ các thực hành nông nghiệp tái sinh hướng đến nền nông nghiệp phát thải thấp, ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, phát triển và chuyển đổi số; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hợp tác đa bên.
Dự án Sáng kiến Nông Lâm kết hợp tại Việt Nam của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Đại học Tây nguyên sẽ trồng khoảng 2,5 triệu cây xanh tại 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Nông) sẽ góp phần thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Việt Nam. Dự án triển khai trồng thí điểm các loại cây rừng và cây ăn quả ngay trên các nương rẫy cà phê theo mô hình nông lâm kết hợp/trồng xen canh, hướng đến mục tiêu trồng khoảng 2,5 triệu cây trong giai đoạn năm 2023 - 2027. Dự án nhằm vừa góp phần đem lại giá trị kinh tế, cải thiện thu nhập cho người nông dân, vừa hỗ trợ cải thiện các điều kiện canh tác cây cà phê, đặc biệt tăng khả năng chống lại côn trùng và thích nghi với biến đổi khí hậu, thiên tai (hạn hán, mưa bão,..), cải thiện chất lượng đất trồng. Dự án cũng cho thấy sự hợp tác hiệu quả của đầu tư theo hình thức công tư trong phát triển nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp và bền vững, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bên cạnh các hoạt động sản xuất và đầu tư.
Ở Việt Nam đã có doanh nghiệp trong nước nào quan tâm đến vấn đề tái tạo rừng như Nestlé?
Sáng kiến của Nestlé đã tạo cảm hứng và thúc đẩy nhiều doanh nghiệp khác, gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài trước hết trong ngành cà phê áp dụng phương pháp quản trị hướng tới bao trùm và bền vững. Một số doanh nghiệp Việt Nam như Vĩnh Hiệp hiện còn đang hướng tới các sản phẩm cà phê hữu cơ để tiếp cận các thị trường khó tính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ở các ngành hàng khác cũng đang hướng tới cách làm ăn bài bản, đáp ứng các chuẩn quốc tế không chỉ về chất lượng mà còn có trách nhiệm với người sản xuất và môi trường.
Trước bối cảnh EU chuẩn bị áp dụng EUDR, việc Nestlé tham gia vào phát triển nông nghiệp bền vững sẽ tạo ra hiệu ứng gì trong khối doanh nghiệp tư nhân với vấn đề này trong thời gian tới?
Trong bối cảnh EU chuẩn bị áp dụng EUDR, Nestlé tham gia vào phát triển nông nghiệp bền vững thông qua hình thức đối tác công tư và dự án nông lâm kết hợp sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao sinh kế cho bà con nông dân để ứng phó với những quy định mới của EU. Đây không chỉ là để bảo vệ diện tích rừng hiện có, mà còn có thể gọi là mở rộng và tái tạo rừng, hay nói theo thuật ngữ chuyên môn là không chỉ áp dụng cách tiếp cận thuận thiên (nature-based) mà còn là tái tạo tự nhiên (nature-positive). Từ sự thành công của Nestlé sẽ có hiệu ứng mạnh thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia góp phần giảm hoặc ngăn chặn nạn phá rừng và chống suy thoái rừng thông qua tăng cường bảo tồn, phục hồi và quản lý rừng bền vững, thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững với môi trường.
Nestlé đã cho thấy trách nhiệm xã hội của mình với sinh kế của người nông dân cũng như môi trường của Việt Nam, vậy ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ NN-PTNT có phương án gì để kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia vào vấn đề này thông qua hình thức hợp tác công tư?
Hợp tác theo hình thức đối tác công tư giữa Nestlé và PSAV cho thấy sự hợp tác hiệu quả của đầu tư theo hình thức công tư trong phát triển nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp và bền vững, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bên cạnh các hoạt động sản xuất và đầu tư. Bộ NN-PTNT (thông qua PSAV) sẽ tạo cơ chế đối thoại thường xuyên để tháo gỡ rào cản, tạo môi trường chính sách thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư để kết nối chặt chẽ với nông dân, phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp và bền vững. Qua đó sẽ nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!