Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quản lý cung cầu đường từ các nước – Bài học nào cho Việt Nam?
18 | 07 | 2023
Chi phí phát sinh từ nguyên liệu đến sản xuất tạo thêm áp lực cho giá đường tăng cao, gây khó khăn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh đường.

Nguồn: vtv.vn

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đường toàn thế giới, Chính phủ Việt Nam đang khẩn trương đưa ra các biện pháp quyết liệt để quản lý cung cầu đường và đảm bảo ổn định giá cả; mặt khác học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trên thế giới để tìm ra các giải pháp và chính sách hiệu quả.

 
 
Quản lý cung cầu đường từ các nước – Bài học nào cho Việt Nam? - Ảnh 1.

Nguồn cung đường trong nước bấp bênh trước những lo ngại về cuộc lạm phát mạnh nhất trong hàng thập kỷ của nền kinh tế toàn cầu.

Bất ổn bài toán cung cầu đường nội địa trong bối cảnh lạm phát gia tăng

Trong nửa đầu tháng 6/2023, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam chứng kiến mức giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 23 ngàn tấn, giảm khoảng 44,8% so với tháng trước. Cùng lúc các nhà máy kết thúc vụ sản xuất 2022-2023, nguồn đường tiểu ngạch về đứt quãng. Theo số liệu từ Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường trong nước niên vụ 2022-2023 ước tính chỉ đạt 871 nghìn tấn. Ngược chiều với nhu cầu tiêu thụ đường tại Việt Nam đang tăng lên ở mức từ 2,3 - 2,4 triệu tấn/năm theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đánh giá. Có thể thấy rõ, sản lượng đường trong nước chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu tiêu thụ trong năm 2023 và sẽ còn có khoảng trống lớn khi bước vào mùa lễ hội trong nửa cuối năm.

Tình trạng khan hiếm đường trên thị trường kéo theo giá đường liên tục tăng tại các khu vực ở mức 19,900 đồng~21,800 đồng/kg tùy loại. Đây là minh chứng cho báo cáo của SSI dự báo giá đường trong nước có khả năng tăng 12% so với cùng kỳ năm trước từ quý II/2023. Thực tế, giá đường nội địa ghi nhận tăng 10% kể từ đầu năm và sẽ duy trì mức cao trong thời gian tới trước ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Việt Nam cũng cùng lúc đối mặt với tác động của lạm phát lên các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là trong ngành công nghiệp đường. Chi phí phát sinh từ nguyên liệu đến sản xuất tạo thêm áp lực cho giá đường tăng cao, gây khó khăn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh đường.

 
 
Quản lý cung cầu đường từ các nước – Bài học nào cho Việt Nam? - Ảnh 2.

Nhu cầu đường nguyên liệu dự báo tăng mạnh vào giai đoạn cao điểm sản xuất thực phẩm dịp lễ hội cuối năm.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung mía đường sẽ còn gây tác động đáng kể đến giá cả, sản xuất, việc làm và các ngành công nghiệp liên quan. Các cơ quan bảo trợ, cộng đồng doanh nghiệp Việt cần khẩn trương nâng cao chuỗi liên kết và thực thi các biện pháp quản lý hiệu quả để đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bài học cho Việt Nam từ các nước trên thế giới quản lý cung cầu đường

Tiến đến mục tiêu trở thành quốc gia có ngành công nghiệp đường phát triển và bền vững, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực đưa ra các động thái hỗ trợ kinh doanh như tăng hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu, khuyến khích sản xuất đường trong nước, ban hành chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp đường… Việt Nam có nhiều lợi thế học hỏi từ các đối tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm quản lý cung cầu đường.

Điển hình, mới đây Chính phủ Thái Lan đã tăng cường quản lý chuỗi cung ứng đường thông qua việc dự báo về biến đổi khí hậu, đặc biệt ứng phó với ảnh hưởng của El Nino kèm theo các biện pháp điều chỉnh kế hoạch sản xuất để đảm bảo ổn định cung cầu đường trong tương lai. Cường quốc mía đường như Brazil cũng thúc đẩy năng lực sản xuất từ cơ sở hạ tầng, công nghệ đến ban hành các chính sách khuyến khích tài chính, thuế ưu đãi, quản lý đất đai và đối ngoại để đáp ứng nguồn cung trong nước. Trong khi đó, Ấn Độ lại tăng cường chính sách khuyến khích xuất khẩu để tăng doanh thu, đồng thời giảm các rào cản thương mại để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất đường nội địa xuất khẩu,

Điều đáng nói, cả 3 quốc gia này và thậm chí cả Trung Quốc đều từng áp dụng các biện pháp tăng cường hạn ngạch nhập khẩu đường để đáp ứng nguồn cung đường trong nước bằng nhiều cách. Ví dụ như mở rộng thị trường nhập khẩu đường từ các quốc gia khác, đưa ra các chính sách khuyến khích nhập khẩu, đồng thời kêu gọi đầu tư trong ngành công nghiệp đường… Điều này giúp ổn định giá và đảm bảo nguồn cung cho ngành công nghiệp đường trong nước.

Từ những kinh nghiệm trên, Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng những giải pháp phù hợp để quản lý cung cầu đường, tăng cường năng lực sản xuất, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia hiệp định thương mại với các quốc gia hoặc khu vực khác để mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường cũng sẽ giúp Việt Nam nắm bắt xu hướng phát triển mới cũng như bảo toàn cán cân thương mại.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng kỳ vọng, Bộ Công thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, tạo điều kiện cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô.

 
 
Quản lý cung cầu đường từ các nước – Bài học nào cho Việt Nam? - Ảnh 3.

Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc áp dụng kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới để giải quyết nhanh, mạnh tình trạng thiếu hụt đường

Đối mặt với mối lo ngại cấp bách về lạm phát và thiếu hụt nguồn cung, năng lực sản xuất đường để tự cung tự cấp lâu dài của các nhà máy đường nội địa vẫn sẽ cần rất nhiều thời gian để cải thiện. Dù Chính phủ đã đưa ra những biện pháp kiểm soát và giám sát nghiêm ngặt việc sản xuất, kinh doanh, vẫn cần thêm những hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để triệt tiêu tình trạng mất cân bằng cung cầu và biến động giá cả không kiểm soát được trong ngành công nghiệp đường.



Báo cáo phân tích thị trường