Nguồn: vtv.vn
Với mục tiêu cán đích 55 tỷ USD trong xuất khẩu, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa thị trường, tạo sức bật đối với những mặt hàng thế mạnh để bứt phá ở những tháng cuối năm.
Ngay nửa đầu tháng 10, với sản phẩm lâm sản và thủy sản, trong cơ cấu thị trường đã có sự thay đổi lớn, như thị trường Mỹ năm 2022 chiếm 26,4% giá trị xuất khẩu, nhưng hiện chỉ còn trên 20%; Trung Quốc thời điểm COVID-19 chiếm có 17% nay đã tăng 21%... Tốc độ tăng trưởng của tháng 8, tháng 9 đã tạo đà cho ngành gỗ phục hồi trong những tháng cuối năm.
"Tháng 8, những sản phẩm tăng mạnh là nguyên liệu giấy tăng 23%, viên nén tăng 11%, ván ép tăng 17%, ghế gỗ và đồ gỗ tăng 11 - 13%. Với tín hiệu tích cực từ thị trường, dự báo những tháng cuối năm tăng trưởng của ngành gỗ sẽ đạt từ 12 - 16%", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết.
"Chúng ta tập trung vào lợi thế của thị trường và các ngành hàng, hai cái này phải đi song hành với nhau, trên cơ sở tổ chức sản xuất và nguồn nguyên liệu sẵn có. Các thị trường đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn, chúng ta sẽ từng bước xâm nhập. Chúng tôi tin tưởng rằng mục tiêu 54 - 55 tỷ USD năm 2023 mà Chính phủ giao, ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành và về đích", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Công nhân chế biến hạt điều tại một công ty. (Ảnh: TTXVN)
3 tháng cuối năm đòi hỏi cả nông dân và doanh nghiệp giữ vững chất lượng, đảm bảo nguồn cung. Trên cơ sở này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung xúc tiến thương mại vào các thị trường truyền thống như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU... với các sản phẩm lợi thế, đồng thời đẩy mạnh đàm phán để đa dạng hóa hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường.
Xu hướng tiêu dùng châu Âu thuận lợi cho nông sản Việt Nam
Việc tham gia các hội chợ quốc tế cũng là cách giới thiệu nông sản Việt Nam và cơ hội cho xuất khẩu. Thời điểm này, hội chợ thường niên quốc tế về Thực phẩm và Đồ uống lớn nhất thế giới đang diễn ra tại Đức, với sự tham gia của 7.800 doanh nghiệp từ 118 quốc gia, trong đó có 80 doanh nghiệp nông sản thực phẩm Việt Nam.
Trong khu vực dành cho doanh nghiệp Việt Nam, rau quả đông lạnh hay đóng hộp nổi bật hơn hẳn, bên cạnh các sản phẩm truyền thống lâu nay.
Hội chợ quốc tế về Thực phẩm và Đồ uống Anuga năm nay có chủ đề chuyển đổi xanh. Đó cũng là xu hướng tiêu dùng lúc này của người châu Âu: chế độ ăn uống lành mạnh, giảm thịt cá, ưa chuộng thực phẩm tự nhiên hoặc chế biến theo cách truyền thống, thân thiện môi trường. Những xu hướng thuận cho nông sản thô, rau củ và hoa quả.
"Thị trường rau quả nói chung và đặc biệt là thị trường xuất khẩu rau quả đi châu Âu nói riêng vẫn ổn định và với công ty chúng tôi vẫn tăng 30 - 40%. Chúng tôi xuất khẩu rất nhiều loại rau quả của Việt Nam như chanh leo, dứa, các loại rau quả khác, ngô ngọt, đậu tương, rau chân vịt, xoài...", ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch, Tổng Giám đốc công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết.
Thị trường thực phẩm châu Âu vừa trải qua một năm bất thường, lạm phát kéo giá thực phẩm lên cao, một số dòng sản phẩm bán kém đi. Tuy nhiên, những biến động đó đã không tác động nhiều tới nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.
"Về cơ bản, hạt tiêu của chúng ta đi vào thị trường châu Âu nói chung là ổn định. Đây vẫn là một thị trường trọng điểm có tiềm năng về lợi nhuận và giá trị, nên là một thị trường bắt buộc doanh nghiệp trong chiến lược kinh doanh vẫn phải đề cao thị trường khu vực châu Âu. Trong châu Âu nói chung, hiện nay với khả năng nhập khẩu hàng năm của châu Âu từ 125.000 - 130.000 tấn, Việt Nam chiếm khoảng 45% tổng thị phần nhập khẩu của EU", bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam, cho hay.
Thách thức lúc này và trong những năm sắp tới, là những tiêu chuẩn, không chỉ liên quan đến chất lượng thực phẩm. Ngon và sạch là chuyện tất nhiên, nhưng còn phải giảm phát thải, giảm rác thải.
"Nếu không đáp ứng được những tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh của các thị trường lớn như EU, thì khoảng 3 - 5 năm tới, chúng ta mặc dù có sản phẩm tốt, có mẫu mã tốt nhưng cũng rất khó hoặc là không thể xuất khẩu vào EU, hay Nhật Bản, Mỹ. Chính vì vậy, Cục Xúc tiến thương mại chủ động liên hệ với các tổ chức quốc tế, với các hệ thống có chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi xanh nhằm tư vấn, giúp cho doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh một cách hiệu quả", ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, nhận định.
Hội chợ Anuga năm nay xác định 7 xu hướng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống: tăng đạm thực vật, giảm đạm động vật, giảm phụ gia nhân tạo kể cả đường và muối, đồ ăn nhẹ, ăn vặt lấn lướt, thậm chí thay thế bữa ăn, quay về với ngũ cốc truyền thống và đóng gói bằng các chất liệu thân thiện môi trường.
Không chỉ có lợi thế tại các hội chợ, mà ghi nhận tại các hệ thống phân phối của Singapore, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ cho thấy, như nhiều mặt hàng đóng gói mang thương hiệu Việt Nam được đón nhận và mang về giá trị xuất khẩu cao như gạo, sâm Ngọc Linh, quế, hồi, tam thất hoa….