Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ASEAN mở rộng xuất khẩu nông sản
06 | 10 | 2023
Xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng là hoạt động kinh tế đối ngoại diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Nguồn: kinhtenongthon.vn

Xuất khẩu nông sản có ý nghĩa thiết thực vì vừa khai thác tốt lợi thế tự nhiên, khí hậu, vừa tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu ngoại tệ, tạo vốn để thực hiện công nghiệp hóa.

Khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, được xác định là khu vực xuất khẩu nông sản lớn của thế giới.

Những năm gần đây, dù chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy do đại dịch Covid-19, chiến sự Nga - Ukraine,... nhưng các nước ASEAN vẫn đạt sự tăng trưởng tốt nhờ xuất khẩu nông sản.

Vựa nông sản lớn của châu Á và thế giới

Nông nghiệp luôn là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất đối với các nước Đông Nam Á khi chiếm hơn 25% GDP ở một số quốc gia. Đối với Myanmar, lĩnh vực này cung cấp hơn 40% tổng số việc làm.

ASEAN đang là nguồn cung cấp nông sản chính cho nhiều thị trường lớn trên thế giới. Điển hình, Indonesia, Thái Lan và Malaysia trồng khoảng 3,3 triệu tấn cao su mỗi năm, chiếm khoảng 70% sản lượng thế giới.

Indonesia và Malaysia là hai nhà sản xuất dầu cọ chính của khu vực Đông Nam Á và cung cấp gần 90% sản lượng toàn cầu.

Bên cạnh đó, Indonesia còn là nước sản xuất ca cao lớn thứ ba thế giới, khi cung cấp khoảng 450.000 tấn mỗi năm, và là quốc gia sản xuất chè lớn thứ tám thế giới theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO).

Philippines là một trong những nước sản xuất, xuất khẩu dừa và dứa lớn nhất thế giới, đồng thời là nước sản xuất đường lớn.

Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo. Việt Nam, Indonesia là những cường quốc xuất khẩu hạt tiêu. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia là 3 nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất...

Trong khu vực, Thái Lan luôn là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn như: châu Âu, Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Trong đó, một số hàng nông sản của “đất nước chùa vàng” như: thủy sản, cây trồng, vật nuôi đã vượt qua hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt nhất để đến với những thị trường lớn như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Lý do đằng sau những thành quả này một phần do khí hậu thuận lợi của khu vực, kết hợp kinh nghiệm canh tác, chi phí sản xuất thấp dẫn đến sự phong phú, giá thành cạnh tranh của các loại nông sản. Lựa chọn đa dạng giúp Đông Nam Á trở thành nơi “chọn mặt gửi vàng” của các nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, khu vực này được kết nối tốt thông qua các tuyến đường vận chuyển và mạng lưới giao thông chính, tạo điều kiện cung cấp sản phẩm nhanh chóng và đáng tin cậy một cách kịp thời, giảm nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu lương thực.

Các ngành nông nghiệp định hướng xuất khẩu của Đông Nam Á cũng ưu tiên tuân thủ các quy định toàn cầu, bảo đảm rằng các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn.

Cách người Thái nâng tầm xuất khẩu

Các nước Đông Nam Á cũng có những chính sách riêng để ngày càng đáp ứng thị hiếu của các khách hàng khó tính tại thị trường lớn, đồng thời áp dụng công nghệ cao vào nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trái cây Thái Lan tại Hội chợ Asia Fruit Logistica. Ảnh: The Nation

Một ví dụ là Chính phủ Thái Lan luôn xem trọng việc bảo đảm chất lượng, nguồn gốc của giống cây nông nghiệp, xử phạt nghiêm khắc những người cung cấp giống vi phạm quy định hoặc thiếu chất lượng, đồng thời dồn trọng tâm vào đa dạng hóa chủng loại nông sản nhằm thỏa mãn nhu cầu người dân trong nước và quốc tế.

Thái Lan là quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào phát triển nông nghiệp nhằm tăng chất lượng hàng nông sản, điển hình là áp dụng công nghệ sinh học nông nghiệp như: thiết bị bay không người lái (drone), robot do các công ty hàng đầu giới thiệu.

Năm 2019, Chính phủ Thái Lan thực hiện giải ngân 330 triệu USD từ Quỹ Năng lực cạnh tranh để giúp thành lập Học viện công nghệ cao nhằm thu hút nhiều hơn nguồn đầu tư nước ngoài.

Để khuyến khích nông dân sử dụng công nghệ số trong hoạt động, từ năm 2020, Cơ quan Xúc tiến kinh tế số của Thái Lan đã trao cho nông dân và các doanh nghiệp cộng đồng các khoản tài trợ từ 10.000 THB (300 USD) tới 300.000 THB (9.000 USD). Đến nay, một số hộ nông dân ở Thái Lan đã bắt đầu sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) trong các hoạt động nông nghiệp như gieo hạt và phun thuốc trừ sâu.

Drone cũng đã được sử dụng trong nông nghiệp ở các quốc gia khác ở Đông Nam Á cho các mục đích như dự báo thời tiết, quản lý thiên tai, đánh giá thiệt hại cây trồng, giám sát và lập bản đồ mùa màng.

Mặt khác, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data) cũng đang tạo ra sự khác biệt đáng kể trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp tự động hóa các quy trình chẳng hạn như điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng trong các trang trại. AI có thể giám sát các chi tiết nhỏ để giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh hơn, như việc xác định số lượng và chất lượng thức ăn thực vật trong đất.

Về cơ bản, AI sẽ ghi lại các mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất và phân tích dữ liệu có thể bảo đảm rằng nông dân có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn về năng suất và hiệu quả. Các quốc gia Đông Nam Á đang dần áp dụng các công nghệ mới để tối ưu hóa năng suất và chất lượng nông sản.

Thái Lan xác định nông nghiệp, nông thôn là xương sống của đất nước, là lĩnh vực giúp thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Từ những năm 1970, Thái Lan đã thực hiện chính sách “hướng vào xuất khẩu”, với các thị trường chính là ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EC. Trong kế hoạch 5 năm 1977-1981, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế hướng vào xuất khẩu, duy trì đóng góp của khu vực nông nghiệp trong nền kinh tế.

Để mở rộng hoạt động xuất khẩu nông sản, Thái Lan đã có sự chuẩn bị kỹ càng để vượt qua các rào cản phi thuế quan như rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật (TBT), chống bán phá giá (ADP), trợ cấp xuất khẩu (XS), tự vệ đặc biệt (SSG) và hạn ngạch thuế quan (TRQ). Cụ thể là:

Thứ nhất, coi giống là một trong những khâu tạo ra lợi thế so sánh bền vững khi đưa sản phẩm nông sản thâm nhập thị trường thế giới. Nguyên tắc của giống là  nguồn gốc rõ ràng, có địa chỉ, có hướng dẫn quy trình thâm canh, có minh chứng giống đã được trồng thực nghiệm và có kết quả tốt. Chính phủ thực hiện các biện pháp trừng phạt nặng nếu người cung cấp giống cố tình vi phạm quy định hoặc cung cấp giống không bảo đảm chất lượng. Chính phủ dành ngân sách đáng kể để nhập khẩu giống; hỗ trợ cơ quan nghiên cứu lựa chọn, lai tạo các loại giống tốt; trợ giá cho việc phổ biến các loại giống tốt.

Thứ hai, chú trọng đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nông sản một cách khoa học, vừa giúp thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, vừa giảm cạnh tranh lẫn nhau trong tiêu thụ do thâm canh trùng lặp cùng một loại nông sản ở các vùng khác nhau.

Thứ ba, chú trọng đầu tư các dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, bảo đảm điều kiện vận tải, kỹ thuật đóng gói tiên tiến, thỏa mãn được các yêu cầu chất lượng của EU, Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc...

Thứ tư, Thái Lan là nước có lượng khách du lịch lớn, các nhà kinh doanh nông sản đã tận dụng lợi thế này để xuất khẩu tại chỗ với kim ngạch đáng kể. Hằng năm, Thái Lan đón khoảng 15-20 triệu khách du lịch, mỗi khách bình quân mua 5USD sản phẩm nông sản, chủ yếu là trái cây thì doanh số cũng đạt khoảng 75-100 triệu USD. Đây là hình thức tiếp thị hiệu quả.

Thứ năm, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng có liên quan đến hoạt động xuất khẩu nông sản: thành lập các cơ quan, chi nhánh trực thuộc ngành nông nghiệp để làm các dịch vụ phục vụ xuất khẩu nông sản (cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cây trồng, thực phẩm tại các vùng sản xuất nông sản trọng điểm); giúp các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu; thành lập trung tâm đóng gói Thái Lan trực thuộc Bộ Khoa học và Năng lượng để hướng dẫn cách đóng gói thích hợp với các loại nông sản.bảo đảm giữ được chất lượng.

Thứ sáu, hỗ trợ nông dân sản xuất và xuất khẩu các loại nông sản có giá trị cao. Bộ Nông nghiệp hỗ trợ nông dân trong việc nghiên cứu, chọn giống cây tốt, cải tạo đất trồng và hệ thống tưới tiêu để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản; Bộ Thương mại hỗ trợ các nhà xuất khẩu qua các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.



Báo cáo phân tích thị trường