Hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào ASEAN những năm tới vẫn tập trung vào dầu thô, gạo, rau quả, thuỷ sản, dệt may, giày dép, hàng điện tử và linh kiện, thịt lợn.
- Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam tương đồng với cơ cấu hàng xuất khẩu của các nước ASEAN khác như Thái lan, Philíppin,v.v... với thế mạnh là hàng nông sản do vậy việc gia nhập WTO sẽ ít ảnh hưởng đến gia tăng xuất khẩu nhóm mặt hàng này.
Do thuế suất cam kết trong AFTA còn thấp hơn nhiều so với thuế suất cam kết trong WTO, hơn nữa việc giảm thuế trong khuôn khổ WTO cũng cần được xem xét trong tổng thể với việc giảm thuế trong khuôn khổ AFTA, nên có thể nói rằng thuế suất trong AFTA còn ưu đãi hơn so với cam kết trong WTO. Thỏa thuận về khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) với thuế suất 0-5% về khách quan tạo thuận lợi cho hàng hóa của ta thâm nhập mạnh hơn vào khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế mức tăng trưởng xuất khẩu sang ASEAN trong 5 năm qua chỉ bằng mức tăng trưởng xuất khẩu nói chung (khoảng 2,1 lần).
- Việc gia nhập WTO giúp Việt Nam có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao và giá rẻ (do cắt giảm thuế quan nhập khẩu chẳng hạn như sợi 5%, vải 12%, mức cắt giảm chung từ mức bình quân 17,4% xuống 13,4%) để sản xuất hàng xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam với hàng hóa của các nước ASEAN khác. Nhóm mặt hàng tận dụng công nghệ, đầu tư của các nước phát triển và có thể cạnh tranh và xuất khẩu sang các nước ASEAN như điện tử và linh kiện điện tử, máy vi tính và linh kiện, điện và dây cáp điện, dệt may, hải sản chế biến...
-Cùng với việc cắt giảm thuế quan theo cam kết trong WTO, các ngành chịu ảnh hưởng nhiều từ cạnh tranh của hàng nhập khẩu gồm các sản phẩm gỗ, ô tô, sản phẩm chế tạo khác, đồ nhựa, hàng dệt may, máy móc thiết bị các loại. Việc mở cửa thị trường tuy tạo thêm sức ép, song điều đó cũng thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước vươn lên, người tiêu dùng, thực chất là toàn xã hội, có điều kiện tiếp cận hàng hóa, dịch vụ rẻ hơn, tốt hơn, tiện ích hơn. Trong những năm qua, không ít hàng hóa của Việt Nam đã thắng không chỉ trên sân nhà mà cả trên sân người (trong đó có cả khu vực ASEAN), thậm chí một số nước vốn mạnh hơn Việt Nam về mặt hàng này hay mặt hàng khác đã tỏ ra lo ngại về sức cạnh tranh của Việt Nam. Do vậy các ngành này nếu vươn lên cạnh tranh được với hàng ngoại nhập thì cũng có nghĩa là xuất khẩu sang ASEAN ngày càng có triển vọng.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN kể từ khi ta tham gia thực hiện AFTA (năm 1996) có xu hướng tăng liên tục (riêng năm 2001 và 2002 giảm nhẹ). Từ năm 2002 - 2006, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước ASEAN đã tăng 2,6 lần, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 21,1%/năm.
Tuy nhiên, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lại ít có dấu hiệu tăng trưởng, giai đoạn từ 2000 - 2004 có phần giảm và mới tăng nhẹ trở lại trong năm 2005 và 2006. Điều này cho thấy: Một mặt AFTA có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN; mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tích cực nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, đa dạng hoá thị trường, tăng xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Nhật, EU khiến tỷ trọng xuất khẩu sang các nước ASEAN giảm. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường khác tăng nhanh hơn kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN cho thấy lợi ích tăng xuất khẩu của ta do AFTA chỉ ở mức vừa phải.
Tình hình xuất khẩu sang từng quốc gia thành viên ASEAN
5 năm trở lại đây (2002 - 2006), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đều cao. Cụ thể: Campuchia: 39,8%/năm; Inđônêxia: 36,1%/năm; Lào: 9,5%/năm; Malaixia: 30,8%/năm; Mianmar: 28,8%/năm; Phiippin: 20,7%/năm; Xingapo: 9,6%/năm; Thái lan: 28,9%/năm. Trong số này, mặc dù Xingapo là nước Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nhất nhưng tốc độ tăng trưởng kim ngạch lại chỉ đứng trên Lào. Nguyên nhân chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu sang nước này mới tăng khá từ năm 2004 và phụ thuộc chủ yếu vào dầu thô. Do đó, năm 2006, dầu thô xuất khẩu sang Xingapo giảm cả về khối lượng và kim ngạch, nên tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm nhiều nhất so với các nước ASEAN khác (-16,5%).
Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN năm 2006, có thể thấy hai mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch và tỷ trọng lớn nhất là dầu thô (thường chiếm tỷ trọng xung quanh mức 40% - năm 2005 lên tới trên 46,6%), sau đó là gạo (chiếm tỷ trọng trên 10%). Các nước nhập khẩu gạo lớn trong ASEAN như Inđônêxia, Philipin, Malaixia đều coi gạo là mặt hàng đặc biệt quan trọng và thực hiện nhiều biện pháp phi quan thuế để quản lý mặt hàng này. Các nước này đều để mặt hàng gạo trong danh mục hàng nhạy cảm (SL), và việc nhập khẩu thường do cơ quan nhà nước quyết định dựa trên sản lượng sản xuất trong nước. Do vậy xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này, lúc tăng lúc giảm và không chịu tác động từ việc giảm thuế theo chương trình CEPT/AFTA.
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu khá lớn khác sang ASEAN là linh kiện điện tử, vi tính, hải sản, hàng dệt may… hầu hết đều được Việt Nam và các nước ASEAN đưa vào trong danh mục IL để thực hiện CEPT/AFTA từ khá sớm nhưng kim ngạch xuất khẩu sang các nước ASEAN không ổn định, năm tăng năm giảm, không có mặt hàng nào có kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục.
Như vậy có thể thấy rằng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN chủ yếu là nông sản, hải sản và khoáng sản thô, sơ chế có giá trị thấp, hàm lượng giá trị gia tăng không cao. Những mặt hàng này tuy hầu hết đều được hưởng thuế NK ưu đãi CEPT tại các nước nhập khẩu nhưng do có giá trị thấp, giá cả phụ thuộc vào biến động trên thế giới, nên kim ngạch xuất khẩu không ổn định. Trừ linh kiện điện tử và vi tính, hàng công nghiệp tiêu dùng có hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng như may mặc, giày dép… chỉ chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN. Gần đây Việt Nam bắt đầu xuất khẩu được một số mặt hàng chế tạo mới sang ASEAN như dây điện và dây cáp điện, đồ chơi trẻ em, xe đạp và phụ tùng xe đạp….những mặt hàng này tuy có nhiều triển vọng nhưng kim ngạch vẫn còn khá khiêm tốn.
Khi Việt Nam mới gia nhập WTO, thì xuất khẩu sang ASEAN nhìn chung không tăng đột biến mà tăng trưởng ổn định và về dài hạn thì tỉ trọng hàng công nghiệp, hàng có hàm lượng công nghệ cao sẽ tăng mạnh khi Việt Nam tận dụng được hết những cơ hội do việc gia nhập WTO mang lại.