Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu năm 2007: Biến thách thức thành cơ hội
19 | 09 | 2007
* Dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 46,8 tỷ USD, tăng 17% * Rào cản thương mại sẽ tăng áp lực

Gạo, cà phê, cao su… sẽ tiếp tục là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (VN), góp mặt trong câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm 2007. Các sản phẩm công nghiệp sẽ có nhiều khả năng tăng tốc xuất khẩu do kết quả của quá trình thu hút đa dạng nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... ^

Đó là những dự báo về triển vọng xuất khẩu 2007, với tổng kim ngạch 46,8 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2006.

Nông sản sẽ tiếp tục trúng giá

Cuối tháng 12-2006, lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt qua kỷ lục 1 tỷ USD, đạt trên 1,1 tỷ USD với lượng xuất khẩu đạt 897.000 tấn.

Đây là một tin tốt lành bởi theo dự báo của Bộ Thương mại (TM), trong năm 2007, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản của nước ta sẽ tiếp tục thuận lợi về giá.

Đặc biệt, giá xuất khẩu cà phê, hạt tiêu, gạo sẽ vẫn duy trì ở mức cao; giá xuất khẩu cao su và điều nhân có thể tăng nhẹ trở lại.

Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Nguyễn Đăng Chi đưa ra nhận định: Nguồn cung gạo trên thị trường thế giới hiện khá hạn hẹp; đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên diện rộng tại các tỉnh ĐBSCL của VN, nên dự báo giá gạo sẽ tiếp tục đứng vững hoặc tăng nhẹ trong năm 2007.

Đối với xuất khẩu gạo của VN, do diện tích và sản lượng trong năm 2007 dự báo sẽ giảm (chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh), lượng gạo xuất khẩu trong năm 2007 có thể giảm - ước đạt 4-4,2 triệu tấn, giảm khoảng 14% so với năm 2006.

Tuy nhiên, vẫn theo ông Chi, nhờ xuất khẩu tiếp tục được giá nên kim ngạch xuất khẩu gạo trong năm này chỉ giảm khoảng 5%-6%, vẫn đạt khoảng 1,345 tỷ USD.

Một trong những mặt hàng có nhiều biến động giá là cao su. Hiện giá xuất khẩu cao su SVR 3L đã giảm trên 30% so với mức giá đỉnh đạt được vào cuối tháng 6-2006 và giảm khoảng 4% so với cùng kỳ 2005.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu cao su vẫn đạt được con số ngoạn mục: 1,3 tỷ USD, tăng 62% so với năm 2005. Dự báo, xuất khẩu cao su trong năm 2007 sẽ đạt khoảng 830.000 tấn, với kim ngạch gần 1,4 tỷ USD, tăng 15% về lượng và tăng khoảng 7% – 8% về trị giá so với năm 2006.

Trong khi đó, Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN cũng cho biết: so với cùng kỳ, giá xuất khẩu cà phê Robusta của nước ta đã tăng khoảng 40%, vượt hơn 1.400 USD/tấn và dự báo giá sẽ còn tăng nhẹ.

Với yếu tố thuận lợi này, trong năm 2007, dự báo xuất khẩu cà phê của VN ước đạt 910.000 tấn, với kim ngạch xấp xỉ 1,3 tỷ USD, tăng trên 7% về lượng và tăng 24% so với năm 2006.

Thêm nhiều rào cản từ tiến trình hội nhập

Theo dự báo của Bộ Thương mại, các sản phẩm công nghiệp sẽ có nhiều khả năng tăng tốc phát triển nhanh trong giai đoạn tới do kết quả của quá trình thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI đang tăng nhanh; triển vọng về mở rộng thị trường, phát triển những mặt hàng mới mà thế giới có nhu cầu cao.

Theo dự kiến, nhóm hàng công nghiệp năm 2007 sẽ đạt xấp xỉ 22 tỷ USD, tăng trên 22% so với năm trước và chiếm tỷ trọng gần 50% trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của VN.

Tuy nhiên, 2007 sẽ là năm đầu tiên VN bước vào sân chơi WTO một cách đầy đủ. Nhiều thành viên WTO đòi hỏi VN phải tuân thủ ngay lập tức các hiệp định WTO như Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS).

Điều đó sẽ đặt những gánh nặng về tài chính và kỹ thuật không nhỏ cho VN trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các rào cản thương mại cũng sẽ được dựng lên với hàng hóa của VN – như một tất yếu trong nền kinh tế toàn cầu.

Bài học sau 5 năm gia nhập WTO, kim ngạch thương mại của Trung Quốc tăng trưởng nhanh cũng đã làm tăng số lượng các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.

Kim ngạch XNK sang Nhật đạt khoảng 10 tỷ USD

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản vừa cho biết, ước tính cả năm 2006, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản có thể đạt khoảng 10 tỷ USD (tăng 21,8% so năm 2005). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 5,6 tỷ USD (tăng 24,1%) và kim ngạch nhập khẩu đạt 4,3 tỷ USD (tăng 18,9%).

Bản báo cáo mới nhất của WTO cho biết, hiện nay, quốc gia này đang phải đối mặt với 1/3 trong tổng số các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, so với 15% của tổng số vụ việc trong năm 2001 khi mới gia nhập WTO.

Ở VN, hàng dệt may xuất khẩu là một ví dụ. Năm 2007, dự kiến kim ngạch mặt hàng này sẽ đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước do hàng rào "hạn ngạch" đã được dỡ bỏ hoàn toàn.

Chưa kịp vui với thời kỳ "hậu hạn ngạch", các doanh nghiệp dệt may VN đang phải đối mặt với khó khăn mới, đó là nguy cơ bị khởi kiện chống bán phá giá từ phía Mỹ.

Tuy nhiên, như theo cách nói của Thứ trưởng Bộ TM Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của VN: Những thách thức này, nếu biết vượt qua, chúng ta sẽ phát triển.

Nokia trở thành công ty điện thoại di động số 1 thế giới chính là nhờ biến tất cả những thách thức thành cơ hội mới của thị trường cạnh tranh. Cuộc sống không có thử thách thì không có cuộc sống. Thách thức là một cơ hội. 

 



(Nguồn tin: SGGP)
Báo cáo phân tích thị trường