Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ấn Độ có thể nhập khẩu đường vì nguồn cung trong nước thiếu hụt
18 | 01 | 2024
Sản lượng đường của Ấn Độ sụt giảm trong năm nay do thời tiết thiếu mưa và diện tích trồng mía thấp hơn có thể khiến nước tiêu thụ đường lớn thứ hai thế giới chuyển sang nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2024.

Nguồn: thesaigontimes.vn

Nông dân thu hoạch mía trên cánh đồng ở huyện Kolhapur thuộc bang Maharashtra, phía tây Ấn Độ hồi tháng 11. Ảnh: Reuters

Với sản lượng mía đường sụt giảm ở các vùng trồng chính, triển vọng ảm đạm của vụ mía mới của Ấn Độ, bắt đầu từ tháng 10, đang củng cố các dự báo nước này sẽ bắt đầu nhập khẩu đường trong năm 2024. Sản lượng đường của Ấn Độ thậm chí có thể giảm hơn nữa trong niên vụ tiếp theo, kéo dài đến tháng 9-2025.

Mực nước thấp ở các hồ chứa của bang Maharashtra và bang Karnataka, nơi sản xuất gần 50% sản lượng đường của đất nước, đang thúc đẩy nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác, cần ít nước hơn và đến ngắn ngày hơn so với mía, chẳng hạn như cao lương (lúa miến) và đậu xanh, theo cuộc khảo của Reuters với hơn 200 nông dân.

Tính toán của Reuters dựa trên cuộc khảo sát này cho thấy sản lượng đường của Ấn Độ có thể giảm trong niên vụ này và năm tới, phù hợp với dự báo nội bộ của các thương nhân. Tuy nhiên, tiêu thụ đường của Ấn Độ dự kiến tăng trong cùng kỳ.

Khảo sát của Reuters chỉ bao gồm một nhóm nhỏ nông dân ở các khu vực trồng mía trọng điểm. Tuy nhiên, theo những người trong ngành, kết quả khảo sát báo hiệu áp lực ngày càng tăng, có thể buộc Ấn Độ, nơi cung cấp 12% lượng đường giao dịch toàn cầu, trở thành nhà nhập khẩu ròng mặt hàng này ngay từ nửa đầu năm 2025, đánh dấu một sự đảo ngược lớn.

Viễn cảnh vụ mía không đạt dự báo trong năm nay và khả năng Ấn Độ buộc phải nhập khẩu đường lần đầu tiên kể từ năm 2017 có nguy cơ đẩy giá đường toàn cầu tăng cao. Tháng trước, giá đường đạt mức cao nhất trong nhiều năm. Với bức tranh thị trường như vậy, Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, có thể hưởng lợi.

Ấn Độ sản xuất 33,1 triệu tấn đường trong niên vụ kết thúc vào tháng 9. Trong tháng 8, Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ cho biết sản lượng đường ròng có thể giảm xuống 31,7 triệu tấn trong niên vụ bắt đầu vào tháng 10. Nhưng các thương nhân dự báo sản lượng dao động từ 29-30 triệu tấn sau khi có tính đến định hướng gần đây của Ấn Độ nhằm hạn chế sử dụng mía để sản xuất nhiên liệu ethanol trong một nỗ lực tăng nguồn cung đường.

“Trong vài tuần qua, chúng tôi đã quan sát thấy năng suất mía giảm đáng kể ở Maharashtra và Karnataka”, đại diện của một công ty kinh doanh đường toàn cầu cho biết, đồng thời cắt giảm dự báo sản lượng đường của Ấn Độ trong năm nay xuống còn 29 triệu tấn. Cũng theo vị đại diện, diện tích trồng mía ở Maharashtra và Karnataka đang bị thu hẹp, có khả năng dẫn đến việc Ấn Độ tìm cách mua đường trên thị trường toàn cầu.

Sản lượng đường trong niên vụ năm tới thậm chí còn yếu hơn, với công ty kinh doanh đường dự đoán nằm trong khoảng 25-26,9 triệu tấn. Đồng thời, tiêu thụ đường nội địa trong niên vụ này dự kiến sẽ tăng 5% so với một năm trước đó, lên khoảng 29,2 triệu tấn do dân số tăng và thu nhập tăng, Rahil Shaikh, giám đốc cấp cao của MEIR Commodities Ấn India, cho biết.

Các vùng trồng mía ở Maharashtra và Karnataka chỉ nhận được lượng mưa bằng 56% lượng mưa bình thường với mùa mưa năm nay yếu nhất kể từ năm 2018. Hiện tượng thời tiết El Nino khiến Ấn Độ trải qua một tháng 8 khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ .

“Các nhà máy đường mua mía với giá cao kỷ lục, nhưng tôi lại không có nước để trồng mía trên 4 mẫu đất”, Ashok Shinde, một nông dân ở huyện Solapur, bang Maharashtra, nói. Nông dân trồng mía ở Solapur phụ thuộc vào hồ chứa Ujjani, hiện chỉ đạt 22% công suất chứa, so với mức trung bình 80% trong 10 năm. Shinde cho biết thêm, chính quyền nói rằng sẽ dự trữ nước để phục vụ sinh hoạt và hạn chế nước tưới tiêu. Các hồ chứa nước lớn khác ở Maharashtra và Karnataka chỉ đạt công suất 28% so với mức trung bình 10 năm. 181 nông dân khác ở 11 Solapur và 49 nông dân từ vành đai mía đường Karnataka đều cho biết họ đang hạn chế trồng mía hoặc bỏ trồng mía vì khan hiếm nước.

Tính toán của Reuters dựa trên trên các báo cáo về năng suất và diện tích trồng mía thấp hơn cho thấy sản lượng đường của Ấn Độ có thể giảm xuống 29 triệu tấn trong năm nay và tiếp tục giảm xuống 26,6 triệu tấn vào năm tới, với diện tích trồng mía sụt giảm.

Ấn Độ xuất khẩu trung bình 6,8 triệu tấn đường hàng năm trong 5 năm qua, trở thành nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới trong giai đoạn đó. Việc chuyển sang nhập khẩu đường sẽ gặp khó khăn vì giá trong nước thấp hơn nhiều so với giá thế giới. Tại Ấn Độ, đường trắng đang được bán với giá khoảng 39.000 rupee (467,74 đô la Mỹ)/tấn, so với giá đường giao dịch ở London trên 610 đô la/tấn.

Hồi tháng 8, Reuters đưa tin, Ấn Độ, nước rất nhạy cảm với lạm phát lương thực, đặc biệt khi Thủ tướng Narendra Modi sắp bước vào cuộc bầu cử vào năm tới, có thể sẽ cấm xuất khẩu đường. New Delhi cho biết sẽ quyết định chính sách xuất khẩu đường sau khi nắm bắt các ước tính sản lượng. Nhưng các thương nhân cho rằng, với sản lượng đường trong nước đang giảm xuống dưới mức tiêu thụ, gần như chắc chắn Ấn Độ sẽ không không cho phép xuất khẩu mặt hàng này.

“Thông thường, ngành này vận động chính phủ để được phép xuất khẩu. Tuy nhiên, năm nay, ngay cả các tổ chức trong ngành cũng không ủng hộ xuất khẩu”, một thương nhân của một công ty kinh doanh đường toàn cầu, có trụ ở thành phố Mumbai, nói.

Shaikh của MEIR Commodities cho biết ưu tiên của Ấn Độ là cắt giảm sản lượng ethanol và mở rộng sản lượng đường. Tuy nhiên, một quan chức ngành mía đường ở Mumbai nói rằng chỉ giảm sản xuất ethanol sẽ không đủ để bù đắp tình trạng thiếu hụt đường, vì vậy, Ấn Độ cần phải nhập khẩu.

Nông dân Vijayakumar Magdum ở huyện Sangli của Maharashtra, nơi lượng mưa thấp hơn 44% so với bình thường trong mùa mưa năm nay, cho biết các giếng nước khô cạn trong tháng 8 làm héo cây mía.

“Do năng suất thấp hơn, chúng tôi không thể bù đắp chi phí sản xuất trong năm nay. Chúng tôi thiếu lượng nước cần thiết để trồng ngay cả lúa miến ngắn ngày và việc trồng mía dài ngày là điều không thể”, Magdum nói.



Báo cáo phân tích thị trường