Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2023
14 | 03 | 2024
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 19,5 triệu tấn dăm gỗ và viên nén, với kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD. Hai sản phẩm này đều có chung nguyên liệu đầu vào là phụ phẩm của ngành trồng rừng và chế biến gỗ, nhưng đang cạnh tranh đầu vào với nhau…

Nguồn: Vneconomy.vn

Trong ngành hàng gỗ và lâm sản, các sản phẩm dăm gỗ và viên nén cùng có chung đặc điểm là cung cấp nhiệt lượng, dùng làm chất đốt, chứ không phải để sản xuất đồ gỗ hay sản phẩm mỹ nghệ. Hai sản phẩm này đang chiếm tới 22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

XUẤT KHẨU DĂM GỖ GIẢM CẢ LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ

Theo báo cáo toàn cảnh ngành gỗ năm 2023 do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa công bố, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 14,42 triệu tấn dăm gỗ, đạt 2,22 tỷ USD, giảm 8,8% về lượng và 20,4 về giá trị so với năm 2022, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ.

Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2023 - Ảnh 1

Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ sang 13 thị trường trong năm 2023, tuy nhiên Trung Quốc, Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92,4% tổng lượng và 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta.

Năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hơn 9,38 triệu tấn dăm gỗ từ Việt Nam, tương đương với hơn 1,435 tỷ USD; giảm 11,8% về lượng và 25,2% về giá trị so với năm 2022. Trong khi đó, Nhật Bản nhập khẩu 3,94 triệu tấn dăm gỗ từ Việt Nam, trị giá gần 610 triệu USD; giảm 10,1% về lượng và 15,7% về giá trị so với năm 2022.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc và Đài Loan cũng nhập khẩu một lượng tương đối lớn dăm gỗ từ Việt Nam. Trong đó, lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng 12,2% so với năm 2022, nhưng vì giá dăm gỗ giảm mạnh trong năm 2023 nên tổng kim nghạch giảm nhẹ 1,1%. Đối với thị trường Đài Loan, cả tổng lượng và tổng kim ngạch đều sụt giảm nặng nề: giảm 37,7% về lượng và 41,5% về giá trị so với năm 2022.

Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2023 - Ảnh 2

Giá xuất khẩu dăm gỗ sang 3 thị trường là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có diễn biến tương đối giống nhau với đà tăng mạnh trong suốt năm 2022 và đầu năm 2023, nhưng hạ nhiệt từ quý 2/2023 và ổn định dần về cuối năm.

Cụ thể, tại thời điểm tháng 12/2023, giá xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc chỉ còn xấp xỉ 149 USD/tấn, giảm 24% so với mức trần 198 USD/tấn của năm 2022. Tương tự, mức giá xuất khẩu sang Nhật tháng 12/2023 chỉ đạt 145 USD/tấn, giảm 24% so với mức đỉnh 191 USD/tấn của năm trước.

So với hai thị trường trên, mức giá xuất khẩu trung bình tại thị trường Hàn Quốc có biên độ dao động lớn hơn khi tăng vọt lên 242 USD/tấn vào tháng 11/2022 nhưng sau đó liên tục giảm sâu về 136 USD/tấn trong tháng 9/2023. Tuy nhiên, kể từ tháng 10/2023, thị trường này có tín hiệu hồi phục khi nay giá dăm gỗ tăng mạnh, đạt mức hơn 172 USD/tấn vào tháng 12/2023

Nhận định về xu hướng thị trường dăm gỗ trong năm 2024, TS.Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức Forest Trends, cho rằng nhu cầu nhập khẩu dăm gỗ tại Trung Quốc có xu hướng tiếp tục suy giảm trong thời gian tới, kéo theo giá xuất khẩu dăm đi xuống tại thị trường này.

HÀN QUỐC VÀ NHẬT BẢN VẪN LÀ HAI THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU VIÊN NÉN LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM

Về tình hình xuất khẩu viên nén trong năm 2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết đạt 4,67 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 679,59 triệu USD, giảm 4,3% về lượng và 13,7% về giá trị so với năm 2022, chiếm 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ.

So với giai đoạn tăng giá kỷ lục năm 2022, giá xuất khẩu viên nén trung bình năm 2023 đã giảm 9,7%. Giá viên nén liên tục giảm từ mức gần 190 USD/tấn cuối năm 2022 xuống chỉ còn xấp xỉ 135-140 USD/tấn kể từ tháng 4/2023.

Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2023 - Ảnh 3

Sản phẩm viên nén của Việt Nam được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2023. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là hai thị trường nhập khẩu viên nén lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 96% tổng lượng và 96,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong năm 2023, Nhật Bản nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn viên nén từ Việt Nam, tương đương với hơn 438 triệu USD, tăng 12,4% về lượng và 14,3% về giá trị so với năm 2022. Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ nhập khẩu hơn 1,7 triệu tấn viên nén từ Việt Nam, trị giá gần 214 triệu USD, giảm 24,5% về lượng và 43,3% về giá trị so với năm 2022. Nguyên nhân khiến xuất khẩu viên nén sang Hàn Quốc giảm mạnh là do các doanh nghiệp Hàn Quốc có thêm các nguồn cung khác, ví dụ như nguồn cung viên nén giá rẻ từ Nga.

Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2023 - Ảnh 4

EU là thị trường xuất khẩu viên nén đứng thứ ba của Việt Nam trong năm 2023, với lượng đạt 155,11 nghìn tấn, ứng với 25,91 triệu USD, chiếm 3,3% về lượng và 3,8% về giá trị viên nén Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường. EU, tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong số các thị trường nhập khẩu viên nén của Việt Nam, nhưng lại trên đà tăng mạnh: tăng gần 3 lần về lượng và 3,7 lần về giá trị so với năm 2022.

Biên độ sụt giảm về giá xuất khẩu viên nén tại thị trường Hàn Quốc lớn hơn nhiều so với Nhật Bản. Cụ thể, tại thời điểm tháng 12/2023, giá xuất khẩu viên nén sang Hàn Quốc chỉ còn dưới 105 USD/tấn, giảm 43% so với mức đỉnh 185 USD/tấn của tháng 12/2022. Trái lại, mức giá xuất khẩu sang Nhật tháng 12/2023 vẫn đạt trên 148 USD/tấn, chỉ giảm 20% so với mức giá trần ghi nhận tại tháng 12/2022.

Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2023 - Ảnh 5

Nhận định về xu hướng thị trường xuất khẩu viên nén trong năm 2024, TS. Tô Xuân Phúc cho rằng thị trường Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với ngành viên nén Việt Nam trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội thay thế nguồn cung viên nén từ Indonesia cho thị trường Nhật Bản bởi nguồn cung viên nén làm từ vỏ dầu cọ có nguồn gốc từ Indonesia có thể sẽ không đạt được chứng chỉ bền vững theo yêu cầu của thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện tại Nhật Bản sẽ chịu lỗ nếu không có trợ cấp từ chính phủ. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản dự kiến sẽ không tăng trong ngắn hạn.

Trong khi đó, thị trường viên nén tại Hàn Quốc dự kiến không có nhiều biến động trong thời gian tới do các nhà nhập khẩu của nước này ưu tiên nguồn viên nén giá rẻ.

"Một trong những khó khăn lớn nhất của xuất khẩu viên nén là tính chưa bền vững về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào kể cả về lượng và về tiêu chuẩn, chất lượng. Muốn giải quyết các khó khăn này đòi hỏi Chính phủ cần có các cơ chế chính sách hợp lý, đặc biệt là chính sách về cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu rừng trồng”.

TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình Chính sách thương mại lâm sản, Tổ chức Forest Trends.

Thị trường EU được đánh giá rất tiềm năng đối với sản phẩm viên nén, tuy nhiên yêu cầu của thị trường này khắt khe hơn Nhật Bản và Hàn Quốc, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều chi phí để cải thiện thiết bị và công nghệ trong tương lai.

“Để giảm phụ thuộc vào hai thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, doanh nghiệp viên nén cần tìm hiểu, thúc đẩy tiêu thụ tại các thị trường mới như EU và nội địa. Hiện tại, nhu cầu viên nén (và dăm gỗ) cho tiêu thụ nội địa có khả năng gia tăng trong tương lai do cam kết giảm phát thải của Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp tự giác chuyển đổi từ nguồn nguyên liệu phát thải cao sang viên nén, đặc biệt nếu Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích việc chuyển đổi”, TS. Tô Xuân Phúc khuyến cáo.

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2023 toàn ngành khai thác được khoảng 19 triệu ste củi, đây chính là nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho sản xuất dăm gỗ và viên nén. Ngoài ra, phế phụ phẩm của ngành chế biến, sản xuất đồ gỗ (đầu mẩu gỗ, gỗ vụn, vỏ bào, mùn cưa…) cũng được sử dụng để sản xuất viên nén và dăm gỗ.

Cạnh tranh giữa viên nén xuất khẩu và tiêu thụ nội địa về nguồn nguyên liệu sẽ diễn ra trong tương lai không xa. Sự cạnh tranh về nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng giữa các doanh nghiệp trong ngành viên nén cũng như với các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ là không thể tránh khỏi, đặc biệt trong bối cảnh một loạt các dự án nhà máy viên nén, dăm gỗ đang được xây dựng trong vòng 3-5 năm tới.

Do đó, theo TS.Tô Xuân Phúc, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần xem xét đầu tư xây dựng nguồn nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung ổn định cho sản xuất và xuất khẩu.

 



Báo cáo phân tích thị trường