Tỉnh Nghệ An bước đầu đã có những chính sách ưu đãi, thông thoáng, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Nghệ An, hỗ trợ các doanh nghiệp về chính sách thuế, mặt bằng; đầu tư phát triển trồng rừng theo quy hoạch được duyệt để tạo nguồn cung trong tỉnh, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn gỗ nhập khẩu từ Lào và các tỉnh bạn; củng cố, sắp xếp lại các doanh nghiệp kinh doanh chế biến gỗ trên địa bàn theo hướng xây dựng doanh nghiệp đầu tàu chuyên sản xuất và chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại, nghiên cứu khai thác thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, dăm gỗ đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Nghệ An. Theo đánh giá của Sở Thương mại, tuy mới xuất khẩu được 3 năm nay, nhưng dăm gỗ đã trở thành thế mạnh và chiếm kim ngạch xuất khẩu hàng hoá lớn của tỉnh. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này đạt trên 11 triệu USD, chiếm 12,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của tỉnh. Tính đến đầu tháng 10/2006 mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu được 6,5 triệu USD, tương đương 72.000 tấn hàng, đạt 71% kế hoạch và tăng gần 42% so với cùng kỳ.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Nguyên liệu giấy Nghệ An là một trong 3 công ty xuất khẩu với số lượng lớn mặt hàng dăm gỗ. Ông Dương Đăng Điệp, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất có công suất 70.000 tấn/năm. Nguồn nguyên liệu là gỗ bạch đàn và gỗ keo được trồng ở các vùng miền núi như Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Thanh Hoá, Lào… Quy trình sản xuất từ gỗ tròn được đưa vào máy băm gỗ tạo thành dăm gỗ theo tiêu chuẩn quốc tế, đó là nguyên liệu sản xuất ra các loại giấy cao cấp để xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất, Công ty luôn chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường, giảm thiểu tiếng ồn. Công ty cũng tận dụng những sản phẩm thừa để làm ra các sản phẩm bàn ghế, giường tủ… Đến tháng 10, Công ty đã xuất khẩu được trên 20.000 tấn dăm khô (0% độ ẩm), doanh thu đạt 2 triệu USD, lãi lợi nhuận tăng từ 5 đến 10% so với năm ngoái. Công ty đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn có thu nhập ổn định bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy vậy, băn khoăn và lo lắng của không ít các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này là chưa có nguồn nguyên liệu ổn định; nhiều doanh nghiệp hiện tại chỉ đạt được 50% công suất hoạt động vì thiếu nguồn nguyên liệu./.