Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,22 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng 10/2023, nhưng tăng 3,4% so với tháng 11/2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 867,9 triệu USD, giảm 0,6% so với tháng trước.
Lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,2 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,2 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022
Chuyên gia nhận định, đà phục hồi vẫn còn chậm và xu hướng này dự kiến vẫn tiếp tục trong thời gian tới, do các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu tiêu dùng đặc biệt là đối với nhóm hàng hóa không thiết yếu như gỗ và sản phẩm gỗ vẫn chưa thấy sự phục hồi rõ nét.
Những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ giảm, đặc biệt là trong những tháng đầu năm, dẫn đến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường chính trong 11 tháng năm 2023 đều giảm đáng kể.
Cụ thể, dẫn đầu về trị giá là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ đạt 6,6 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,55 tỷ USD, giảm 22,2%; Nhật Bản đạt 1,52 tỷ USD, giảm 11,5%; Hàn Quốc đạt 718 triệu USD, giảm 22,4%; Canada đạt 183,4 triệu USD, giảm 16,8%, Vương quốc Anh 175 triệu USD, giảm 18,2%.
Được biết, tăng trưởng của ngành chủ yếu nhờ vào xuất khẩu tới các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Trong khi đó, xuất khẩu tới Hoa Kỳ, EU và Anh đã giảm do tác động của lạm phát.
Do đó, các chuyên gia nhận định, chỉ còn ít ngày nữa sẽ kết thúc năm 2023, nhưng ngành gỗ sẽ khó về đích với mục tiêu được giao hồi đầu năm là 17 tỷ USD. Dự kiến giá trị xuất khẩu của năm chỉ đạt mức 13,5 - 14 tỷ USD.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương đánh giá: "Nếu lấy doanh số xuất khẩu 6-7 tháng đầu năm thì mục tiêu từ nay đến cuối năm tăng trưởng đạt con số xuất khẩu 16-17 tỷ USD là khó. Tôi cho rằng, con số 15 tỷ USD là khả thi hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khó khăn chung, không chỉ riêng với ngành gỗ thì đây vẫn là con số cần được ghi nhận".
Thậm chí, tình hình còn được đánh giá là tiếp tục khó khăn trong năm tới khi EU sẽ chính thức áp dụng Quy định chống mất rừng (EUDR) vào tháng 12/2024, đây sẽ là vấn đề tác động rất lớn đến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tương lai.
Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Tổ chức Forest Trends tại Việt Nam, cho biết năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang EU gần 700 triệu USD gỗ và các sản phẩm gỗ. Các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước và gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp, có chứng chỉ bền vững như từ EU và Hoa Kỳ.
Việt Nam hiện đang thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chuyển đổi rừng tự nhiên sang các mục đích sử dụng khác nên diện tích rừng tự nhiên không có biến động đáng kể. Hơn nữa, các nhà mua tại EU đã và đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững tự nguyện đối với các sản phẩm gỗ, như các sản phẩm có chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững FSC.
Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT, cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp và không gây mất rừng. Hiện Việt Nam đang tích cực nội luật hóa và xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp VNTLAS để kiểm soát toàn bộ chuỗi cung, bao gồm cả chuỗi cung nội địa và xuất khẩu. Do đó, theo TS Tô Xuân Phúc, ít có khả năng Việt Nam bị EU xếp loại rủi ro mất rừng cao nếu cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh điều này.
Trước khi (EUDR) chính thức có hiệu lực, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành đánh giá, xếp loại các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ và EU. Các quốc gia bị xếp loại rủi ro cao sẽ chịu mức kiểm tra 9% doanh nghiệp và 9% lô hàng nhập khẩu hàng năm. Ngược lại, chỉ có 1% doanh nghiệp nhập khẩu từ các quốc gia được xếp loại rủi ro thấp bị kiểm tra (không yêu cầu kiểm tra hàng hóa thực tế).
Ngoài tỷ lệ kiểm tra hàng năm bắt buộc nêu trên, các cơ quan kiểm soát nhập khẩu có thể tiến hành điều tra đột xuất khi họ phát hiện ra hoặc được tố giác bởi một bên thứ ba về các dấu hiệu vi phạm.
Khi cơ quan thẩm quyền EU xác định doanh nghiệp không tuân thủ quy định của EUDR hay sản phẩm đang được kinh doanh hay xuất khẩu vào thị trường EU không tuân thủ EUDR, cơ quan này sẽ yêu cầu doanh nghiệp hay chủ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục.
Ông Tô Xuân Phúc cho hay gỗ có chứng chỉ FLEGT nhìn chung đáp ứng được các yêu cầu đối với tính hợp pháp của sản phẩm. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa thể cấp phép FLEGT cho các lô hàng xuất khẩu sang EU do hệ thống chưa sẵn sàng vận hành. EU là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Vì vậy, vai trò của các doanh nghiệp trong việc thực thi EUDR có ý nghĩa quyết định đối với quá trình đánh giá và xếp loại rủi ro của EU theo hướng thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam.
"Các doanh nghiệp ngành gỗ cần chủ động rà soát chuỗi cung ứng hiện tại của mình, xác định các rủi ro và từ đó đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro này", TS Tô Xuân Phúc khuyến cáo, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong chuỗi, đặc biệt là mạng lưới tư thương và các nông hộ (những người cung nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp), nhằm đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, bao gồm yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đến tận vị trí của thửa đất trồng rừng.
Theo EUDR, để chứng minh sản phẩm thỏa mãn cả hai điều kiện không gây mất rừng và hợp pháp, trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông tại thị trường EU, doanh nghiệp cần nộp bản Cam kết thẩm định chuỗi cung (due diligence statement) và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ thông tin trong Cam kết này. Do đó, các doanh nghiệp nên ưu tiên cho việc xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững.
"Các hiệp hội có thể chủ trì việc xây dựng các báo cáo tổng quan về ngành để cung cấp thông tin về thực trạng sản xuất, các vùng nguyên liệu, chuỗi cung ứng, mối liên kết trong khâu sản xuất với nguồn tài nguyên rừng... và chia sẻ thông tin rộng rãi với các bên liên quan để các bên cập nhật được các thông tin khách quan về ngành, bao gồm cả những rủi ro liên quan tới mất rừng cũng như các nỗ lực phục hồi rừng và quản lý rừng bền vững", ông Phúc khuyến nghị.