Nguồn: vov.vn
Khó cán đích 1 tỷ USD
Ngành viên nén đã trở thành một trong những hợp phần quan trọng trong hệ sinh thái ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Ngành hiện đang đóng góp đáng kể về kim ngạch trong tổng kim xuất khẩu của cả ngành gỗ.
Đầu năm 2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu viên nén đạt mốc 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sau thời gian “sốt” năm 2022, xuất khẩu viên nén đã hạ nhiệt trong năm nay. Song, giá trị xuất khẩu viên nén tromg 11 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 597 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau thời gian "sốt" năm 2022 với lượng xuất khẩu tăng 30% và giá xuất khẩu tăng 150-200%, xuất khẩu viên nén sụt giảm cả về lượng và đơn giá xuất khẩu, đặc biệt là tại thị trường Hàn Quốc. Nếu đà xuất khẩu như hiện nay được duy trì, quy mô xuất khẩu năm 2023 sẽ tụt khoảng 15-17% so với năm ngoái.
Hiện, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là các thị trường tiêu thụ quan trọng nhất của mặt hàng viên nén Việt Nam. Lượng viên nén xuất khẩu vào các thị trường này liên tục mở rộng trong những năm vừa qua.
Ngành viên nén Việt Nam hiện có 400-500 doanh nghiệp đang tham gia khâu sản xuất và thương mại xuất khẩu. Các doanh nghiệp này phân bổ tại miền Bắc, Trung và Nam. Khoảng trên dưới 100 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào khâu xuất khẩu.
Năm 2013 tổng lượng viên nén xuất đạt 175.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 23 triệu USD. Chỉ 9 năm sau (2022), lượng xuất khẩu đạt gần 4,9 triệu tấn (tăng 28 lần), kim ngạch đạt 787 triệu USD (tăng 34 lần). 9 tháng đầu 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 3,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 513 triệu USD. Số liệu thống kê sơ bộ 10 tháng 2023 của cơ quan Hải quan cho thấy lượng xuất khẩu đạt 3,6 triệu tấn.
Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường quan trọng nhất của viên nén Việt Nam. Lượng xuất khẩu vào 2 thị trường này chiếm trên 95% trong tổng lượng viên nén xuất khẩu của cả nước. Đáng chú ý, Nhật Bản đang yêu cầu viên nén nhập khẩu vào thị trường này phải có chứng chỉ bền vững FSC. Bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn viên nén sang thị trường này. Để đáp ứng được số lượng này, các DN cần khoảng 6 triệu m3 gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ.
Chính phủ Việt Nam có những quy định cụ thể về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc chuỗi cung. Tuy nhiên, do tính đặc thù của nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén là các phụ phẩm của ngành chế biến gỗ, tuân thủ các quy định trong thực tế đối với sản phẩm viên nén là rất khó khăn.
Dư địa phát triển rất lớn
TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành chương trình Chính sách thương mại và tài chính lâm sản (Tổ chức Forest Trend), cho biết, dư địa phát triển của ngành viên nén rất lớn, cả tại thị trường xuất khẩu đặc biệt tại Nhật Bản và nội địa.
Dự báo, miền Bắc với các diện tích rừng trồng lớn sẽ chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các nhà máy sản xuất viên nén trong 3-5 năm tới. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững của ngành. Các yếu tố này bao gồm mất cân bằng giữa năng lực chế biến của các DN sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào từ rừng trồng, bao gồm cả các DN viên nén, chất lượng viên nén đầu ra chưa đảm bảo, gian dối trong việc khai báo sản phẩm bền vững. "Các yếu tố này cần được giải quyết một cách thấu đáo để ngành phát triển bền vững trong tương lai", TS. Tô Xuân Phúc nói.
Tính bền vững của ngành viên nén của Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cầu của thị trường đầu ra sản phẩm và tính bền vững của nguồn nguyên liệu gỗ đầu.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp viên nén, nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ tại Nhật Bản sẽ mở rộng gấp 3 lần so với hiện nay. Việt Nam đang cung cấp khoảng 80% viên nén cho thị trường này. Cơ hội mở rộng thị phần tại đây là rất lớn.
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Theo báo cáo của Grand View Research, thị trường nhu cầu viên nén gỗ trên toàn cầu đang và sẽ có tốc độ độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,85% trong giai đoạn 2022-2027. Dự báo, nhu cầu thị trường viên nén gỗ toàn cầu sẽ đạt giá trị 17,33 tỷ USD vào năm 2027.