Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành trái cây tăng trưởng vượt bậc nhờ quản lý thuốc BVTV hiệu quả
11 | 11 | 2024
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), ngành trái cây đã đạt giá trị xuất khẩu 6 tỷ USD trong năm 2024 nhờ tuân thủ tốt quy định của các thị trường xuất khẩu.

Nguồn: Nongnghiep.vn

Chiều 8/11 tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Hiệp hội CropLife Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức tọa đàm “Hiểu đúng về thuốc bảo vệ thực vật” nhằm cung cấp thông tin giúp nông dân hiểu rõ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả hơn.

Tăng trưởng mạnh nhờ tuân thủ quy định xuất khẩu

Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cùng các chuyên gia khẳng định: Thuốc BVTV đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo năng suất, chất lượng và an ninh lương thực.

Theo ông Hiếu, về giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã bày tỏ sự tự tin rằng Việt Nam sẽ đạt 60 tỷ USD - đây là con số rất ấn tượng. Theo số liệu mới cập nhật của Cục BVTV, riêng ngành trái cây đã đạt giá trị xuất khẩu 6 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với cả năm 2023 và tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. 

“Kết quả này có được nhờ việc tuân thủ các quy định của thị trường xuất khẩu”, ông Hiếu nhận xét.

Trong năm 2024, Bộ NN-PTNT cùng Cục BVTV đã rất tích cực đàm phán mở cửa thị trường. Việt Nam mở được nhiều thị trường thông qua các nghị định thư mới cho thấy sản phẩm nông sản Việt Nam ngày càng đáp ứng yêu cầu của các nước xuất khẩu.

Theo đó, công tác đăng ký và hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV cũng có những tiến triển tích cực, đặc biệt là trong công tác tập huấn để nông dân tuân thủ các quy định đạt được những hiệu quả đáng khích lệ.

Về danh mục thuốc BVTV hiện nay, Việt Nam có khoảng 800 tên thương phẩm, trong đó thuốc BVTV sinh học chiếm khoảng 18%. Với số lượng phong phú về chủng loại và sản phẩm, nông dân có nhiều lựa chọn dễ dàng hơn trong việc quản lý sinh vật hại thông qua sử dụng thuốc BVTV.

Ông Hiếu cho biết, Cục BVTV được giao nhiệm vụ hàng năm thực hiện công tác rà soát và đánh giá để xác định các sản phẩm thuốc BVTV có nguy cơ. Những sản phẩm nếu gây ảnh hưởng đến con người hoặc môi trường sẽ được Cục BVTV đề xuất Bộ NN-PTNT để xây dựng lộ trình loại bỏ.

Để đảm bảo tuân thủ các quy định về dư lượng thuốc BVTV, Bộ NN-PTNT và Cục BVTV thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn và đào tạo cho các tổ chức và cá nhân có liên quan, đặc biệt về lựa chọn, phân loại và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng.” Việc này giúp nông dân tuân thủ tốt các quy định, góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Hệ thống quản lý thuốc BVTV minh bạch, ổn định

Về quản lý thuốc BVTV tại Việt Nam, bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc BVTV (Cục BVTV) cho biết, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) như luật, nghị định, thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn và quy chuẩn… về thuốc BVTV hiện đều đã được xây dựng đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Đến nay, chúng ta đã có đầy đủ văn bản QPPL về quản lý thuốc BVTV hài hòa với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế. Trong đó, Việt Nam phân cấp và phân quyền rõ về công tác quản lý từ trung ương đến địa phương.

Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật được xây dựng từ năm 2013 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Sau gần 10 năm thực hiện, Cục BVTV đang tiến hành rà soát các quy định. “Đây là luật rất ổn định, bởi chúng ta đã có một quá trình xây dựng kéo dài 10 năm”, bà Hương nhận xét.

Về quy định quản lý thuốc BVTV, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật đã quy định rất rõ thuốc BVTV là một ngành hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo danh mục. Do đó, Bộ NN-PTNT hằng năm đều ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Ngoài ra, Thông tư 09/2023/TT-BNNPTNT quy định về Danh mục thuốc BVTV được phép và cấm sử dụng tại Việt Nam bao gồm 460 hoạt chất trên khoảng 4.500 tên thương phẩm thuốc BVTV được phép sử dụng và có khoảng 31 hoạt chất nằm trong danh mục cấm.

Về việc ghi nhãn thuốc BVTV, đại diện Cục BVTV lưu ý, người kinh doanh phải tuân thủ quy định về ghi nhãn hàng hóa như đã nêu trong Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc BVTV. Do đó, sau khi đăng ký vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân cần thực hiện chứng nhận hợp quy chất lượng sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường.

Bà Hương khẳng định: “Tất cả các quy định và cơ chế quản lý liên quan đến việc lưu hành, sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV đã được thiết lập rất rõ ràng và minh bạch, góp phần vào hiệu quả quản lý thuốc BVTV trong thời gian qua”.



Báo cáo phân tích thị trường