Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chủ động thích ứng với EUDR, nhiều diện tích trồng cà phê của Gia Lai đã ở 'vùng an toàn'
21 | 11 | 2024
Với sự chủ động tìm hiểu về Quy định chống phá rừng của EU, có thể nói, đến thời điểm hiện tại, phần lớn diện tích cà phê của Gia Lai nằm ở 'vùng an toàn".

Theo Congthuong.vn

Ngày 15/11, trong Phiên hợp trực tuyến trao đổi kỹ thuật lần thứ 3 về Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phái đoàn EU tại Việt Nam tổ chức, tại Phiên họp, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định lùi thời gian áp dụng EUDR thêm một năm đến ngày 31/12/2025 (trước đó quy định đến ngày 31/12/2024).

Ngay sau khi thông báo này được phát, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, mặc dù EU lùi thời hạn thực thi EUDR, nhưng Việt Nam không trì hoãn việc chuẩn bị và thích ứng với các yêu cầu của quy định này. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững, không gây phá rừng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. “Sự chủ động này sẽ giúp Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của EUDR, từ đó củng cố vị thế về nhà cung cấp nông sản trách nhiệm, minh bạch và bền vững trên thị trường quốc tế” - đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Nhân dịp này, bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp triển khai và thích ứng với Quy định EUDR.

Chủ động thích ứng với EUDR, nhiều diện tích trồng cà phê của Gia Lai đã ở 'vùng an toàn'
Bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai

Gia Lai là vùng trồng cà phê lớn của cả nước, với diện tích khoảng 105.840 ha, đây cũng là tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu. Bà có thể chia sẻ những thay đổi của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh thời gian qua trong quá trình tuân thủ Quy định?

Ngày 23/6/2023, EU đã chính thức ban hành Quy định về chống mất rừng viết tắt là EUDR, áp dụng cho 7 nhóm hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này, gồm: Cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt gia súc, ca cao và đậu. Theo đó, EUDR sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 30/12/2025 đối với các doanh nghiệp lớn và tháng 6/2026 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (trước đó, quy định đến ngày 31/12/2024).

Với việc gia hạn thêm 12 tháng chuẩn bị, EU mong muốn tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp, các quốc gia thứ ba và những bên liên quan khác có thêm thời gian chuẩn bị thích ứng cho việc triển khai EUDR.

Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng mất rừng và suy thoái rừng trên diện rộng, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, tất cả các sản phẩm nông nghiệp lưu thông trên thị trường EU đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nguồn gốc, chứng minh được rằng, quá trình sản xuất không gây mất rừng hoặc không gây mất rừng trong suốt chuỗi cung ứng.

Trong 7 nhóm mặt hàng bị cấm nhập khẩu vào EU do quá trình sản xuất gây mất rừng, Việt Nam có 3 nhóm ngành bị tác động chính, đó là gỗ, cao su và cà phê.

Ngay từ khi có thông báo vào năm 2023, tỉnh Gia Lai đã chủ động, tích cực trong việc thích ứng với quy định của EU.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chủ động rà soát chuỗi cung ứng, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong chuỗi, đặc biệt là mạng lưới tư thương, các nông hộ - những người cung cấp nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp, nhằm đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, bao gồm yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tuân thủ các quy định trong chuỗi, và vị trí của thửa đất sản xuất.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt yêu cầu về EUDR, có sự thay đổi hoặc điều chỉnh chuỗi cung hiện tại của mình để đáp ứng chặt chẽ các yêu cầu của EUDR. Tập trung ưu tiên cho việc xây dựng các chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững.

Không những vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các tổ chức, mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững, có chứng nhận nên có thể dễ dàng thực thi quy định chống phá rừng của EU. Hiện nay, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích hiện có trên 100.000ha trải rộng ở 10 huyện, thành phố. Trong đó, gần 60.000ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, Organic... Có thể nói, đến thời điểm này, phần lớn cà phê của tỉnh nằm ở "vùng an toàn" so với quy định của EU.

Vì vậy, mặc dù quy định về chống mất rừng viết tắt là EUDR triển khai từ năm 2023 nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê vẫn duy trì mức tăng từ năm 2023 đến nay. Năm 2023 đạt 230.000 tấn/490 triệu USD, năm 2024 ước đạt 240.000 tấn/ 720 triệu USD tăng hơn 40% về giá trị so với năm 2023.

Đặc biệt, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp tiên phong trong việc nghiên cứu và sản xuất đáp ứng các bộ tiêu chuẩn quốc tế như USDA Hoa Kỳ, EU Organic, UTZ, BRC, Japan Organic, cùng các chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức uy tín toàn cầu như: 4C, UTZ, BRC. Năm 2024, công ty là doanh nghiệp xuất khẩu dẫn đầu cả nước về mặt hàng cà phê với hơn 500 triệu USD.

Thưa bà, trong thời gian qua, việc thực hiện Quy định chống phá rừng của EU, tỉnh đã gặp những thách thức, khó khăn nào?

Đối với Việt Nam nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng, việc thực hiện EUDR là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam trong việc cải thiện quy trình quản lý và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu.

Trong số các ngành hàng chịu tác động của EUDR, cà phê, gỗ và cao su là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh. Đối với cà phê, các doanh nghiệp đã nắm bắt được xu thế này từ cách đây vài năm và đã xây dựng chuỗi liên kết cung ứng nguyên liệu bền vững với hơn 60.000 ha cà phê đạt chuẩn chất lượng.

Đối với mặt hàng gỗ và cao su, hai ngành hàng này đã tham gia Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), cam kết đảm bảo rằng, tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU đều có nguồn gốc hợp pháp và không gây suy giảm rừng. Đặc biệt, từ năm 2014, Việt Nam đã ngừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên và thiết lập các quy định về chuyển đổi đất rừng từ năm 2017. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng này.

Chủ động thích ứng với EUDR, nhiều diện tích trồng cà phê của Gia Lai đã ở 'vùng an toàn'
Việc triển khai thực hiện quy định EUDR còn tạo ra nhiều thách thức và khó khăn trong thực hiện thủ tục truy xuất nguồn gốc và chứng nhận EUDR khiến chi phí xuất khẩu sang EU tăng, có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy định EUDR còn tạo ra nhiều thách thức và khó khăn trong thực hiện thủ tục truy xuất nguồn gốc và chứng nhận EUDR khiến chi phí xuất khẩu sang EU tăng, có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm cao su tại vườn trồng sẽ khó khăn do một số sản phẩm được sản xuất từ các hộ nông dân với quy mô nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, diện tích chỉ dưới 0,5 ha/hộ.

Ngoài ra, chuỗi cung ứng của các ngành hàng đều khá dài và phức tạp, nhiều khâu trung gian, nhiều nông hộ tham gia sản xuất và ở quy mô nhỏ. Từ đó dẫn đến áp lực về chi phí, thực tế, chi phí đầu tư công nghệ để sản xuất đạt chuẩn vào châu Âu khá cao, việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào trong chuỗi cung ứng cà phê, gỗ, cao su khá khó khăn do thương lái phức tạp, nhiều tầng nấc.

Thưa bà, từ tháng 6/2023 tới nay, tỉnh cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thích ứng với Quy định chống phá rừng của EU như thế nào? Theo lịch trình mới thay đổi, tỉnh đã có những phương án, chính sách nào để hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các quy định của EU?

UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch số 2199/KH-UBND ngày 25/9/2024 về Kế hoạch hành động thích ứng với quy định không gây mất rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành triển khai thực hiện bao gồm các nội dung như sau:

Một là, xây dựng khung hợp tác trong thực hiện quy định không gây mất rừng (EUDR): Thành lập nhóm Công tác công tư cấp tỉnh cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, như: Nhóm công tác ngành hàng gỗ và lâm sản, nhóm công tác ngành hàng như: Cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su...; triển khai các hoạt động hợp tác công tư; thực hiện các hoạt động và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu cấp tỉnh cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR.

Hai là, tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR: Thường xuyên thu thập, cập nhật các tài liệu, văn bản về cơ chế, chính sách của Trung ương và các Bộ, ngành và Ủy ban Liên minh châu Âu có liên quan đến quy định EUDR để kịp thời chia sẻ và phản hồi thông tin với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng vào thị trường EU

Tổ chức các buổi tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức về tính hợp pháp trong sản xuất, kinh doanh của các mặt hàng nông - lâm sản nói chung và quy định EUDR nói riêng.

Ba là, thực hiện các giải pháp kỹ thuật: Cập nhật số liệu bản đồ địa chính số hóa đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các trang trại, vườn trồng theo các loài cây trồng; tập trung vào các loại hàng hóa nông, lâm sản có ảnh hưởng bởi quy định EUDR như: Cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su...rà soát, thống nhất diện tích vùng trồng các loại cây nông, lâm sản chính có ảnh hưởng bởi quy định EUDR chồng lấn diện tích rừng trên bản đồ và ngoài thực địa.

Tiếp tục xây dựng và triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR. Xác định các giải pháp phù hợp trong việc giám sát, bảo vệ và khôi phục rừng, thiết lập hệ thống truy xuất, hỗ trợ sinh kế, sản xuất bền vững.

Tăng cường triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, giám sát sự biến động rừng, kiểm kê theo dõi diễn biến rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ hiện trạng rừng

Xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần phát triển kinh tế nông lâm nghiệp; bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg.

Bốn là, xây dựng và vận hành cơ chế đối thoại và đàm phán với EU và các quốc gia thành viên về EUDR nhằm chia sẻ và phản hồi thông tin với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào liên minh châu Âu (EU), nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan đến các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu đáp ứng các quy định EUDR.

Năm là, huy động nguồn lực hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế như: Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững IDH, Koninklijke Douwe Egberts BV,... triển khai các chương trình dự án tiếp cận theo hướng cải thiện cảnh quan rừng, canh tác bền vững, bảo vệ tài nguyên và an sinh xã hội; từ đó góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng

Để tham gia thực chất có hiệu quả trong tiến trình tuân thủ Quy định chống phá rừng của EU, tỉnh có ý tưởng gì để cùng với các Bộ và các cơ quan liên quan giải quyết các thách thức giúp doanh nghiệp xuất khẩu bền vững?

Để thích ứng được các tiêu chí của quy định EUDR, trước hết cần có sự vào cuộc, sự đồng thuận trong chỉ đạo và triển khai của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để tạo cơ hội cho các ngành hàng phát triển theo hướng minh bạch, có trách nhiệm, bền vững và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Các sở, ngành địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng tự nhiên và vùng trồng, xác định các giải pháp phù hợp trong việc giám sát, bảo vệ và khôi phục rừng, thiết lập hệ thống truy xuất, hỗ trợ sinh kế, sản xuất bền vững; xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng. Tuyên truyền phổ biến quy định EUDR, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong các chuỗi giá trị ngành hàng; xây dựng các chương trình, dự án để kêu gọi đầu tư công, tư và tài trợ quốc tế để triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ các ngành hàng cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ nhằm thích ứng với EUDR.

Đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân hiểu rõ quy định mới về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nông sản.

Tích cực mở rộng hợp tác quốc tế thông qua việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm và hội thảo, chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu gắn liền với phát triển bền vững bằng cách quảng bá các sản phẩm có chứng nhận quốc tế nhằm mục tiêu mở rộng thị trường, xây dựng các kênh phân phối mới và nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế

Khuyến cáo các doanh nghiệp: cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt đầy đủ các yêu cầu, cập nhật các quy định, hướng dẫn về EUDR. Rà soát chuỗi cung ứng hiện tại bằng cách phối hợp chặt chẽ với nông dân, đại lý cung cấp nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp để truy xuất nguồn gốc. Phối hợp với các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, chính quyền địa phương và nông dân xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc và cung cấp thông tin về chuỗi cung ứng của mình.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu phải tập trung tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu uy tín, đưa mặt hàng đảm bảo uy tín, đáp ứng EUDR tiến vào các thị trường lớn trên thế giới, tạo ra giá trị lớn đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh.

Xin trân trọng cảm ơn bà!



Khánh An
Báo cáo phân tích thị trường