Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hướng tới mục tiêu vượt 18 tỷ USD
22 | 01 | 2025
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024 đã vượt qua kỷ lục của năm 2022 để xác lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Tiếp nối thành công đó, Năm 2025, ngành gỗ và lâm sản được giao nhiệm vụ xuất khẩu trên 18 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ.

Nguồn: Kinhtenongthon.vn

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,3 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 11,3 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2023. Như vậy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024 đã vượt qua kỷ lục của năm 2022 (16 tỷ USD, trong đó, sản phẩm gỗ là 11 tỷ USD) để xác lập một kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.

Nếu so sánh với con số kỷ lục cũ được xác lập năm 2022 , kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2024 đã vượt khoảng 500 triệu USD. Cùng với gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 1,04 tỷ USD trong năm 2024, giúp tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành lâm sản đạt khoảng 17,3 tỷ USD.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, kết quả đạt được về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm qua, trước hết là nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành gỗ như chủ động tìm kiếm thị trường, tham gia hội chợ triển lãm và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, tiêu dùng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu phục hồi, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ, đã tạo cơ hội cho ngành gỗ tăng tốc xuất khẩu. Hàng tồn kho từ những năm trước đã được giải quyết, cũng thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu mới của những thị trường này. Nhờ vậy, thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đang có xu hướng tăng tại các thị trường nhập khẩu chính trên toàn cầu.

Cùng với đó, thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất thế giới là EU đang có xu hướng tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường ngoài khối do sản phẩm từ các nước ngoài khối, đặc biệt từ châu Á, có giá thành thấp hơn so với sản xuất nội địa EU. Các quốc gia ngoài khối cung cấp nhiều mẫu mã, phong cách và chất liệu phong phú. Một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã phát triển chuỗi cung ứng bền vững và có chứng nhận quốc tế như FSC, đáp ứng yêu cầu của EU. Các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng EU quan tâm dù thị phần của Việt Nam tại thị trường này còn khiêm tốn (2,1% trong 9 tháng năm 2024).

Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đánh giá triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, yếu tố xanh sẽ là một trong những tác động lớn đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong dài hạn, khi mà nhiều quy định của các thị trường đang được triển khai, thực thi như quy định chống phá rừng (EUDR) hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu.
Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng,  bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính, phát triển bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, ngành gỗ cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu. Cụ thể, là phát triển nhiều hơn những rừng trồng gỗ lớn, rừng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC).

 



Báo cáo phân tích thị trường