Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu đồ gỗ sang Anh quốc đón nhiều tin vui
30 | 10 | 2024
9 tháng 2024, ngành gỗ đã xuất khẩu 165 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Anh quốc, tăng trên 17% so với cùng kỳ, với đà tăng như hiện nay, cả năm có thể xuất được 230 triệu USD.

Nguồn: Baodautu.vn

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) đã chia sẻ nhiều tin vui của ngành gỗ tại thị trường Anh quốc.

9 tháng 2024, ngành gỗ đã xuất khẩu 165 triệu USD vào thị trường Anh, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Với đà tăng như hiện nay, cả năm 2024, toàn ngành có thể xuất được 230 triệu USD.

Theo ông Hoài, con số này tuy rất khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gỗ (dự kiến khoảng 16 tỷ USD trong năm nay), tuy nhiên lại có vai trò rất quan trọng, vì tương ứng trên 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU27.

"Chúng tôi nhìn thị trường Anh như 1 cửa ngõ, nếu có thể xuất khẩu nhiều vào Anh thì hoàn toàn có thể tự tin vào được các thị trường khác, bởi Anh quốc là thị trường rất khó tính về chất lượng, mẫu mã cho tới hàng rào về môi trường", ông Hoài nói.

Tin vui thứ 2, với sự hỗ trợ của Cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Anh quốc, khoảng 15 doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ ngoại thất, đồ gỗ và mỹ nghệ sân vườn (Source Garden) diễn ra tại TP. Birmingham (Anh) từ 10-12/9.

Theo đó, gian hàng Việt Nam thu hút rất đông khách ngay ngày đầu tiên của hội chợ, được khách hàng, nhà nhập khẩu đánh giá cao... Đây là cơ hội rất tốt về xúc tiến thương mại của ngành gỗ tại Anh.

Tin vui thứ 3, mặc dù xuất khẩu gỗ sang Anh còn khiêm tốn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm, khoảng 11 tỷ USD tại đây, nhưng với riêng nhóm sản phẩm gỗ, đồ nội thất, Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Italia, Ba Lan và Đức, đồng nghĩa, hàng xuất khẩu nước ta đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.

Từ kinh nghiệm của ngành xuất khẩu đi nhiều thị trường,ông Hoài cho biết: "Anh là quốc gia có nhiều yêu cầu cao về môi trường, về giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động của biến đổi khí hậu, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đều vượt qua được, đến nay chưa có một cảnh báo nào về an toàn từ thị trường này".

Với nhiều dòng thuế về 0%, ngành gỗ vẫn đang có nhiều lợi thế để tăng tốc xuất khẩu và mở rộng thị phần tại Anh nhờ cú hích của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) đi vào thực thi từ đầu năm 2021.

Đánh giá của Viforest, sau thời gian thực thi UKVFTA, tác động với ngành gỗ khá tích cực. Nhờ được hưởng thuế suất ưu đãi trong vòng 5 năm tới tất cả sản phẩm gỗ với mức tiến về 0%, gỗ và sản phẩm gỗ Việt có lợi thế so sánh so với các nước khác cũng đang xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường Anh. 

Nói thêm về tính lan tỏa của UKVFTA, đại diện Viforest cho rằng, với nhóm sản phẩm gỗ, thì thuế suất bằng 0%, còn thuế suất đối với nguyên liệu giảm từ 2-5% trong vòng 5 năm tới và tiến tới bằng 0% thì đong đếm lợi ích bằng tiền bạc sẽ không quá nhiều, tuy nhiên  hiệu ứng của FTA  lớn hơn ở tác động gián tiếp. Có nghĩa, UKVFTA có thể xem là một trong những chất xúc tác để 2 bên có thể tăng cường quan hệ hợp tác.

Trong đó, ngoài việc Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều hơn sản phẩm gỗ sang Anh quốc thì ở chiều ngược lại, kỳ vọng sẽ có nhiều hơn doanh nghiệp của nước này tìm đường sang Việt Nam đầu tư hình thành các trung tâm chế biến gỗ.

Để tận dụng hiệu quả hơn nữa lợi thế từ FTA song phương, các doanh nghiệp gỗ Việt được khuyến khích gia tăng đầu tư thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu riêng để có lợi ích tối đa.

"Hiện nay chỉ có chưa đầy 10% tổng trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ là do các doanh nghiệp Việt chủ động thiết kế và chủ động xây dựng thương hiệu. Điều này gây cho ngành nhiều thua thiệt, đôi khi chúng ta làm rất nhiều nhưng được hưởng không đáng bao nhiêu", ông Hoài phân tích.

Chẳng hạn, có doanh nghiệp khi xuất khẩu 1 chiếc ghế sang Anh quốc, bán với giá 30 USD, nhưng tiền bản quyền phải trả cho thiết kế đã mất 10 USD, chiếm 1/3.

Ông Hoài cho hay: "Một trong những vấn đề quan trọng là chúng ta cần phải thay đổi về chất, không chỉ chú trọng về lượng như trước đây, và muốn thay đổi về chất thì không có gì khác ngoài việc tăng cường chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, chủ động tung mẫu mã tự thiết kế ra thị trường".

Tín hiệu đáng mừng hiện nay một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu đàn của ngành gỗ đã chú trọng đầu tư, tăng cường nhân lực làm thiết kế, tiếp thị, tận dụng lợi thế từ chuyển đổi số trong xu hướng cách mang công nghệ.

Nhu cầu tiêu thụ cuối năm và những năm tới tại Anh quốc vẫn tiếp tục gia tăng. Nhưng, khuyến cáo tới các nhà cung ứng Việt Nam, ông Hoài cho biết, để xuất khẩu bền vững, tận dụng được lợi thế từ UKVFTA, ngoài yêu cầu về chất lượng, sản phẩm của doanh nghiệp còn phải vượt qua nhiều rào cản về môi trường.

Thực tế, dù Anh đã ra khỏi EU nhưng các quy định của EU hầu như vẫn đang đc áp dụng tại Anh quốc. Đơn cử, quy định về không gây mất rừng và chống suy thoái rừng (EU Deforestation Regulation - EUDR) thì chắc chắn Anh quốc cũng áp dụng như EU.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để đáp ứng các yêu cầu của EU và Anh quốc với việc truy xuất, thực hiện trách nhiệm giải trình để đảm bảo không gây mất rừng và suy thoái rừng.

 



Báo cáo phân tích thị trường