Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồ gỗ xuất sang Trung Quốc chủ yếu hàng thô
29 | 02 | 2012
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ qua Trung Quốc trong năm 2011 đã tăng đến 62% so với năm 2010 nhưng chủ yếu là các mặt hàng thô, giá trị thấp.

 

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) nhận xét, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng chủ yếu nhờ xuất nguyên liệu thô, hàng bán thành phẩm.

 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Quốc trong năm 2011 đạt 657 triệu đô la Mỹ, tăng 62% so với năm 2010.

 

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1 năm 2012 lại giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2011, đạt gần 30 triệu đô la Mỹ do hoạt động giao dịch tạm thời ngưng lại trong kỳ nghỉ Tết của Việt Nam và Trung Quốc. Trong số này, đến 95% là hàng nguyên liệu thô, dăm gỗ, gỗ vụn và ván sàn.

 

Trong khi đó, xuất khẩu đồ gỗ thành phẩm qua Trung Quốc không nhiều. Theo ông Hạnh, xét về đồ gỗ thành phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc không giống với các thị trường nhập khẩu truyền thống của đồ gỗ Việt Nam như Mỹ, Anh, EU…

 

“Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng thích các sản phẩm làm từ gỗ cây có giá trị cao, chế tác, chạm khắc thành những bộ bàn ghế mỹ nghệ mà chúng ta vẫn gọi là đồ mộc”, ông nói.

 

Cũng chính vì vậy, các cụm công nghiệp chế biến gỗ lớn ở Bình Dương, Đồng Nai rất ít khi nhận đặt hàng xuất sang Trung Quốc mà đón nhận các đặt hàng này đa phần là các làng nghề các tỉnh phía Bắc.

 

Ông Vũ Văn Quý, giám đốc công ty đồ gỗ mỹ nghệ Hưng Long, Bắc Ninh cho biết các sản phẩm đồ mộc của Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ ở Đài Loan, số khác tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc, chuyên chở qua con đường biên mậu.

 

“Trước đây làm hàng cho Trung Quốc chỉ gói trong làng nghề ở Bắc Ninh. Sau này do nhu cầu tăng mạnh nên nhiều tỉnh khác cũng tham gia sản xuất bán qua biên giới. Theo tôi do những tương đồng về mặt văn hóa cùng với kinh tế của Trung Quốc đang phát triển tốt là những lý do để đồ mộc của Việt Nam được tiêu thụ khá mạnh”, ông Quý nói.

 

Năm 2011 một đoàn các doanh nghiệp hội viên Hawa muốn xúc tiến thâm nhập thị trường Trung Quốc đã có ý định lập một trung tâm chuyên bán đồ gỗ Việt Nam ở khu thương mại đồ gỗ Phật Sơn, tỉnh Quảng Châu. Tuy nhiên, theo ông Hạnh, Phó chủ tịch Hawa, kế hoạch đã không được thực hiện vì một số vướng mắc về vấn đề tài chính.

 

“Trung Quốc vẫn là một thị trường rất tiềm năng cần có chiến lược khai thác hợp lý và hiệu quả, kết hợp giữa doanh nghiệp và các nhà quản lý”, ông Hạnh nhấn mạnh.



Theo InfoTV
Báo cáo phân tích thị trường