Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sắn giảm sâu, nông dân chất đầy đường chờ bán
28 | 03 | 2025
Sắn nguyên liệu giảm chỉ bằng một phần ba so với vụ trước, nông dân huyện Mường Lát nhổ chất đống bên lề đường chờ thương lái đến mua.

Nguồn: vnexpress.net

Cuối tháng 3 là thời điểm thu hoạch rộ vụ sắn 2025, nhưng nông dân ở nhiều xã của huyện biên giới Mường Lát không mặn mà lên rẫy, hoặc nhổ cầm chừng vì giá xuống quá thấp, không có người thu mua.

Sắn thu hoạch chất đống dọc quốc lộ 15 đi huyện Mường Lát, chưa có thương lái thu mua. Ảnh: Lam Sơn

Sắn thu hoạch chất đống dọc quốc lộ 15A đi huyện Mường Lát. Ảnh: vnexpress.net

Ông Mua Seo Vư, 52 tuổi, ở xã Mường Lý có hơn 4 ha đất đồi trồng sắn. Những năm trước, giá bán tại đồi gần 3.000 đồng một kg, trừ chi phí ông thu về khoảng 100 triệu đồng. Năm nay sắn được mùa, giá giảm hơn nửa, có lúc còn 900 đồng mỗi kg nên ông không muốn thu hoạch vì không đủ chi phí bỏ ra.

Ngồi bệt bên đống sắn mới thuê mấy người trong bản nhổ xếp bên đường, chị Giàng Thị Hế, ở xã Pù Nhi, lo lắng vì "không ai buồn hỏi mua". Nương sắn của gia đình còn hơn một nửa đều đã đến kỳ thu hoạch. "Không nhổ thì sợ quá vụ, cây lại mầm cũng hỏng, nhổ lên chất đống cũng chưa biết thế nào...", Hế nói.

Hàng trăm hộ dân ở xã Mường Lý cũng đang trong hoàn cảnh tương tự gia đình ông Vư và chị Hế. Dọc tuyến đường 15A đi về trung tâm huyện Mường Lát, hàng trăm bao tải sắn được nông dân xếp thành từng đống, một số thối rữa vì để lâu ngày.

Vụ sắn năm nay ở Mường Lát được mùa nhưng đang rơi vào cảnh mất giá. Ảnh: Lam Sơn

Vụ sắn năm nay ở Mường Lát được mùa nhưng đang rơi vào cảnh mất giá sâu khiến nông dân thua lỗ. Ảnh: vnexpress.net

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Lát, cho biết khoảng ba năm gần đây, sắn được coi là cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo. Với hơn 3.000 ha sắn (tập trung ở các xã Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi và Tam Chung), huyện đang có diện tích trồng sắn lớn nhất Thanh Hóa.

Năng suất mỗi ha sắn đạt hơn 20 tấn, tổng sản lượng sắn ở Mường Lát ước đạt 60.000 tấn. Các năm trước, toàn huyện mỗi vụ thu về hơn 100 tỷ đồng từ cây sắn, nhưng năm nay giảm còn chưa được một nửa.

Nguyên nhân là nông dân nhiều vùng ở các tỉnh phía Bắc mở rộng diện tích trồng sắn. Việc xuất khẩu tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc, châu Âu đang chậm hơn cùng kỳ. Và gần 1.700 ha sắn được nông dân trồng tự phát, không ký kết với đơn vị thu mua. Đơn vị liên kết là Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh chỉ bao tiêu được hơn 1.500 ha.

Dù giá bán rất thấp nhưng đến vụ nên buộc nông dân Mường Lát phải lên rẫy thu hoạch. Ảnh: Lam Sơn

Giá bán rất thấp nhưng đến vụ nên nông dân Mường Lát vẫn phải lên rẫy thu hoạch. Ảnh: vnexpress.net

UBND huyện Mường Lát đang giao chính quyền các xã tìm kiếm thêm đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm giúp người dân. Về lâu dài, chính quyền khuyến cáo bà con giữ ổn định diện tích trồng sắn, không phát triển thêm, tránh tình trạng được mùa mất giá như hiện nay.

Sau cuộc làm việc mới đây với đại diện ngành nông nghiệp và các bên liên quan, lãnh đạo một nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Thanh Hóa đã cam đoan đến hết tháng 3 sẽ thu mua toàn bộ gần 10.000 tấn sắn củ cho nông dân huyện Mường Lát, giá hơn 1.500 đồng một kg.



Báo cáo phân tích thị trường