Như mọi năm, niên vụ thu hoạch sắn bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 3 năm sau, khi sắn đã nẩy mầm thì sản lượng tinh bột giảm. Do vậy, các nhà máy sắn thường kết thúc sản xuất vào tháng 4 và nhiều nhất là kéo dài đến tháng 5 hàng năm. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu tháng 3, toàn huyện Văn Yên vẫn còn 40% diện tích chưa thu hoạch. Vụ sắn năm 2008 chững lại do giá quá rẻ. Nếu vụ thu hoạch năm 2007 giá sắn củ tươi đạt từ 800-1.200 đồng/kg, giá tinh bột 6.000 đồng/kg, thì đầu vụ năm 2008 chỉ còn 400 đồng/kg củ tươi mua tại nhà máy và giá tinh bột bán ra chỉ còn 3.000 đồng/kg. Thời điểm này năm ngoái, tại Nhà máy Chế biến sắn số 1 Văn Yên tấp nập xe chở sắn ra vào, nay cả buổi cũng không thấy xe nào. Một cán bộ Phòng Sản xuất - Kinh doanh của Nhà máy chế biến sắn số 1 không giấu giếm: “Hiện nay Nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng. Trung Quốc là đối tác chính đã tạm dừng nhập khẩu, hiện chỉ còn hợp đồng cho các nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp trong nước”.
Trong vài năm trở lại đây, khi mà giá sắn liên tục tăng cao, nông dân đua nhau trồng sắn, ngay cả đất vườn tạp, trước đây thường trồng rau mầu nay cũng chuyễn sang trồng sắn dân đến Diện tích sắn tăng nhanh không thể kiểm soát. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Văn Yên, năm 2008 toàn huyện có 6.200 ha sắn cao sản, tăng 850 ha so với năm 2007 và 2.000 ha so với năm 2006. Sau nhiều năm sắn được giá, nay khi giá rớt người nông dân vô cùng bối rối? Nhiều người vẫn chưa muốn nhổ mà để chờ giá lên, nhà máy và các cơ sở chế biến cũng sản xuất cầm chừng, “nghe ngóng” thị trường, chưa dám ký hợp đồng lớn. Những người thu mua sắn cho nhà máy và các cơ sở chế biến chỉ thu mua với giá 420 đồng/kg tại chân đồi. Với giá này, nếu người nông dân nhổ sắn của mình bán cũng chỉ được 30.000- 40.000 đồng cho một ngày công, còn toàn bộ tiền đầu tư trồng sắn thì coi như không thu hồi được, chưa nói đến việc có lãi hay không? Vì thế mà nông dân thà để sắn trên đồi còn hơn là nhổ đem bán, khi mà nhổ bán cũng lỗ.
Ông Chu Văn Co ở xã Quang Minh cho biết: “Tôi đã trồng sắn vụ này là vụ thứ 5, có 2 ha đất đồi đều trồng sắn cao sản hết, mỗi năm cũng thu được 20-25 triệu đồng. Nhưng năm nay giá thấp quá, xe ô tô vào chân đồi mua chưa được 400 đồng/kg, nhổ bán thì lỗ nên đành phải để lại chờ xem giá có lên không”.
Trước tình trạng sắn rớt giá thảm hại, nhằm cứu cây sắn, cứu nông dân, đầu tháng 1/2009, UBND tỉnh quyết định hỗ trợ 50 đồng/kg sắn, người hưởng lợi là nông dân, nhưng chính sách này thực hiện chỉ thông qua các nhà máy chế biến tinh bột sắn mà hiện những nhà máy này chỉ tiêu thụ được 50% sản lượng sắn cho dân và 50% còn lại được tiêu thụ qua các cơ sở chế biến nhỏ.
Bà Hà Thị Ngọ – chủ một cơ sở chế biến nhỏ ở xã Mậu Đông cho biết: "Mỗi ngày cơ sở của tôi thu mua từ 3-4 tấn sắn tươi. Giá mua thường cao hơn giá nhà máy và nếu được hỗ trợ thêm thì chắc chắn giá sắn sẽ còn cao hơn”. Hiện nay, toàn tỉnh có 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn trực thuộc các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và hàng nghìn cơ sở chế biến nhỏ khác, cũng là những cơ sở thu mua sắn cho nông dân nhưng các nhà máy lại được hưởng chính sách này, còn các cơ sở khác có giấy phép kinh doanh đầy đủ lại không được hưởng!