Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cây sắn đang “đòi” chiến lược dài hơi
08 | 04 | 2011
Với mặt bằng giá vượt trội, Trung Quốc thu mua với giá cao khiến sắn nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước không đủ, thậm chí là khan hiếm.

Mặc dù giá sắn liên tục tăng 40- 50% trong thời gian qua nhưng doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu sắn trong nước vẫn phải “vất vả” cạnh tranh với thương nhân thu mua sắn xuất khẩu sang Trung Quốc...

Theo Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn, năm 2010 với tổng giá trị xuất khẩu sắn đạt gần 560 triệu USD, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu sắn thuộc tốp đầu trong khu vực. Sắn lát khô và tinh bột sắn là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực, trong đó sắn lát khô tỷ trọng xấp xỉ 60%. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2011, nước ta đã xuất khẩu 593.000 tấn sắn, trị giá 202,3 triệu USD, tăng 34,4% về lượng và 72,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái

Nếu như năm 2008- 2009, sắn mọc mầm trên nương nông dân không thèm nhổ vì giá sắn củ tươi có lúc chỉ 200 đồng/kg. Ngay cả sắn lát khô, chất lượng tốt đưa lên biên giới cũng không được mặn mà thì nay sắn đã trở thành cây nông sản có giá, chiếm ưu thế trong nước và xuất khẩu. Từ mức giá 200- 500 đồng/kg năm 2009, đến năm 2010 lên khoảng 4.000 đồng/kg và hiện nay đã tới 5.700 -5.800 đồng/kg. Nếu sắn đủ tiêu chuẩn, chở tận nơi cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi tại miền Bắc có mức giá hơn 6.000đ/kg.

Không chỉ dùng làm thức ăn chăn nuôi, sắn được dùng như một nguyên liệu để sản xuất ethanol, cùng với ngô, lúa mì và khoai lang ngọt. Ước tính, trong giai đoạn từ 2012 đến 2014, sản xuất ethanol sẽ tiêu thụ 16% tổng sản lượng sắn trong nước. Hiện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang xây dựng 3 nhà máy ethanol và dự kiến từ năm 2012 sẽ sản xuất 300 triệu lít/năm.

Hiện nhu cầu sử dụng sắn trong nước liên tục gia tăng, năm 2011, tổng cầu sắn củ tươi dành cho các ngành sản xuất trong nước khoảng 8,12 triệu tấn gồm (sản xuất ethanol: 1,89 triệu tấn; tiêu dùng cho người và sản xuất thức ăn chăn nuôi: 2,67 triệu tấn; sản xuất tinh bột sắn: 3,56 triệu tấn, tương đương 1,08 triệu tấn tinh bột sắn)…

Mặc dù giá sắn trong nước liên tục tăng, nhưng sắn Việt Nam vẫn ào ạt tuồn qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, bởi giá sắn xuất khẩu sang Trung Quốc đang cao hơn so với trong nước. Theo thống kê, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam, có đến gần 95% sản lượng sắn Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Tính riêng tại cửa khẩu Lào Cai, bình quân mỗi ngày có gần 400 tấn sắn củ xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo dự tính của ngành chuyên trách, xuất khẩu sắn củ 2011 có khả năng lên đến hơn 4- 5 triệu tấn.

Với mặt bằng giá vượt trội, Trung Quốc thu mua với giá cao khiến sắn nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước không đủ, thậm chí là khan hiếm, dễ dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trong nước tranh mua không lành mạnh. Ông Đỗ Quang Bắc, giám đốc Công ty kinh doanh nông sản Trung Hòa (Chương Mỹ, Hà Nội), cho biết: Những năm trước, thường thì vào 3 tháng đầu năm, thị trường sắn xuất đi Trung Quốc khá trầm lắng. Hầu hết các doanh nghiệp thu mua sắn đều trữ sắn trong kho xuất dần trong cả năm. Tuy nhiên chỉ 3 tháng đầu năm nay, sắn xuất đi Trung Quốc liên tục cháy hàng. Ngoại trừ các doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp sắn cho các nhà máy trong nước, một số doanh nghiệp đã xuất khẩu đi Trung Quốc gần hết hàng dự trữ.

Trong kế hoạch 5 năm 2011- 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra chủ trương giảm diện tích trồng sắn và nâng cao năng suất trồng sắn. Theo đó, diện tích trồng sắn của Việt Nam năm 2011 giảm xuống còn 490.000 héc ta và năng suất đạt 190 tạ/héc ta. Tuy nhiên, thực tế năng suất năm 2010 chỉ đạt 172 tạ/héc ta.

Với mức sản lượng 8,9 triệu tấn trong khi nhu cầu trong nước trên 8 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 4-5 triệu tấn… tất yếu sẽ xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy sản xuất ethanol với các nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy sản xuất tinh bột sắn và lượng sắn dùng cho xuất khẩu.

Để đảm bảo nguồn cung trong nước và xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển của ngành sắn hiện nay cho thấy nhu cầu cấp bách trong công tác hoạch định chiến lược phát triển dài hạn, trong đó có tính đến các khía cạnh cân đối cung- cầu về xuất khẩu, nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sản xuất ethanol, quỹ đất...



Theo Báo Công thương
Báo cáo phân tích thị trường