Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu rau quả cần có chiến lược cụ thể
15 | 09 | 2009
Chi phí vận chuyển cao cùng việc thiếu kết nối với hệ thống phân phối quốc tế đang là những rào cản hạn chế xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Không những thế, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều cũng làm giảm tính cạnh tranh của mặt hàng rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Phó Tổng giám đốc (phụ trách khối thu mua) Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, hàng rau quả Việt Nam hiện vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. Saigon Co.op đã và đang xây dựng hệ thống chuẩn mực đánh giá chất lượng sản phẩm đối với sản phẩm rau quả bán tại hệ thống, đồng thời nghiên cứu để hình thành chứng chỉ công nhận chất lượng sản phẩm mà người nông dân có thể dùng để giới thiệu với đối tác nước ngoài về chất lượng sản phẩm và sẽ rất khó thuyết phục đối tác nước ngoài khi sản phẩm đó thậm chí còn chưa có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam, để xây dựng thương hiệu cho rau quả Việt Nam, cần phát triển chiến lược “dài hơi” về nâng cao chất lượng sản phẩm.

Về chi phí vận chuyển, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cho rằng, nếu cước phí vận chuyển rau quả bằng đường hàng không thấp hơn, thì sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.  Thời gian vận chuyển 20 ngày từ Việt Nam đến thị trường Mỹ bằng đường biển là trở ngại không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 8 tháng năm 2009 đạt khoảng 280 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy mặt hàng rau quả có triển vọng xuất khẩu trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, cũng như tình trạng gia tăng các rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam định vị được một chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế lâu dài.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) , để xuất khẩu ra nước ngoài, không gì tốt hơn là chúng ta hiểu được họ cần những mặt hàng gì và kết nối được với hệ thống phân phối của họ. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ là chỗ dựa quan trọng để hàng hoá Việt Nam tiến ra nước ngoài. Ngoài sản phẩm wasabi (mù tạt), nấm và rau mầm…, nhà đầu tư nước ngoài chưa gặt hái được nhiều thành công trong việc phát triển sản xuất theo quy mô lớn ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài phát triển lĩnh vực nông nghiệp còn gặp khó khăn, do lĩnh vực này đòi hỏi quỹ đất đai lớn.



(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường