Không chỉ những doanh nghiệp vi phạm mà những doanh nghiệp không nằm trong danh sách “đen” của Sở Y tế cũng lo lắng khi rất nhiều người tiêu dùng quay lưng lại với họ. Không những thế, công nghệ làm “sạch” nước tương cũng là mối bận tâm của hầu hết các nhà sản xuất nước chấm trong những ngày này. Bà Mã Thị Loan, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hương Nam Phương cho biết, kể từ khi tên doanh nghiệp bị nêu trên các phương tiện truyền thông thì liên tục sản phẩm nước tương của doanh nghiệp bị khách hàng trả về bất kể đó loại nước tương gì. Sản phẩm nước tương 10 độ đạm của Hương Nam Phương mang nhãn hiệu Lêkima bị phát hiện chứa chất gây ung thư 3-MCPD hàm lượng cao. Hàng ngày Nam Phương cung cấp ra thị trường khoảng 400-500 lít.
Không chỉ doanh nghiệp “đen” mà cả doanh nghiệp “sạch” cũng không thoát khỏi cái bóng của vụ nước tương đang làm nhiều người tiêu dùng lo sợ này. Bà Lưu Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Gò Vấp (Govafood) cho biết, tình hình tiêu thụ nước tương của công ty đã giảm một cách thảm hại dù rằng công ty tuân thủ qui định về tiêu chuẩn 3-MCPD.
Bà Đường nói rằng sản lượng tiêu thụ của công ty giảm 30-40% so với trước đây, khiến bà mất ăn mất ngủ không kém gì những nhà sản xuất vi phạm.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc Xí nghiệp Nước tương Nam Dương cho biết, sự cố đã ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp nước chấm. “Nó không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà cả uy tín của doanh nghiệp xây dựng lâu nay”, ông nói.
Ông Hưng nói, để lấy lại uy tín cho Nam Dương, một trong những thương hiệu lâu đời của Việt Nam, xí nghiệp phải thu hồi toàn bộ 100% sản phẩm nước chấm bán ra thị trường, kể cả sản phẩm nước tương không vi phạm và nước tương được sản xuất theo công nghệ mới. Vì theo ông, chỉ có cách này, xí nghiệp mới lấy lại uy tín đối với người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp và cơ sở nước tương chưa xác định thiệt hại mà họ phải gánh chịu do lỗi của mình, không chỉ vật chất mà cả uy tín. Tuy vậy, sự cố hay rủi ro của doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp này lại là cơ hội của những doanh nghiệp khác. Các cơ sở và doanh nghiệp vi phạm tiêu chuẩn 3-MCPD đều cho biết họ đang tìm kiếm công nghệ sạch để chuyển đổi qui trình sản xuất nước tương được sử dụng hàng chục năm nay.
Bà Loan của Hương Nam Phương nói rằng bà đang suy tính chuyện chuyển đổi công nghệ nhưng điều làm bà lo lắng là chi phí đầu tư. “Tôi tìm hiểu thấy một số công nghệ sạch có giá đến 800 triệu đồng cho 10 tấn nước tương. Số đầu tư này quá lớn đối với doanh nghiệp nhỏ của chúng tôi. Tuy nhiên vì đây là nghề của gia đình duy trì hàng chục năm nay không thể bỏ. Chúng tôi sẽ cố gắng huy động vốn để đầu tư công nghệ mới, đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”, bà Loan bộc bạch.
Ông Phan Bảo Tâm, Giám đốc Cơ sở nước tương Mêkong (với nhãn hiệu Mêkong vi phạm tiêu chuẩn 3-MCPD), cho biết: “Tìm được công nghệ phù hợp không đơn giản vì ngoài chuyện giá cả, công nghệ phải tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và được người tiêu dùng chấp nhận”.
Ông nói có công nghệ thỏa mãn tiêu chí này nhưng lại không đạt tiêu chí kia của nhà sản xuất vì vậy khó để chọn một công nghệ phù hợp. Ông cho biết, sẽ thông qua Câu lạc bộ Nước chấm thuộc Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM để tìm kiếm công nghệ sạch, kể cả công nghệ sạch của thành viên khác của Câu lạc bộ.
Công nghệ sản xuất nước tương được cho là có thể tạo ra sản phẩm sạch sử dụng phương pháp lên men, thủy phân hoặc kết hợp cả hai, ngoài ra còn có công nghệ enzym. Công nghệ enzym khá hoàn hảo về mặt kỹ thuật đối với việc sản xuất nước tương vì không tạo ra chất 3-MCPD nhưng lại có nhược điểm là không tạo mùi nước tương đặc trưng vốn quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Các viện nghiên cứu công nghệ và thực phẩm trong nước đang ráo riết đưa ra những công nghệ nước tương mà các viện nghiên cứu trong mấy năm qua. Có ít nhất ba viện nghiên cứu có sản phẩm để chào hàng với doanh nghiệp. Có ý kiến còn nghi ngờ về tính ổn định của những công nghệ do trong nước sản xuất. Tuy nhiên, lại có ý kiến khác lại bày tỏ sự an tâm, nhất là về chi phí chuyển giao.
Một số nhà cung cấp công nghệ của nước ngoài như Thái Lan, Malaysia... đã bắt đầu nhảy vào thị trường Việt Nam để nắm bắt cơ hội. Thậm chí có công ty không mấy thành công trước đây cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội này.
EAC Industrial Ingredients hồi năm 2005 đã giới thiệu công nghệ enzym. Công nghệ này đã được một đơn vị ở An Giang sản xuất thử nhưng sau đó không tiếp tục vì mùi vị không được người tiêu dùng chuộng. Bà Trần Thị Ngọc Hiệp, Trưởng bộ phận Ngành thực phẩm của EAC Industrial Ingredients tại Việt Nam cho biết, công ty sẽ giới thiệu lại công nghệ enzym với các nhà sản xuất nước tương trong nước. Bà Hiệp nói rằng nhược điểm mùi vị có thể được giải quyết bằng gia vị mùi trong lần giới thiệu này. Song chi phí lại là vấn đề đối với công nghệ enzym bởi giá thành tạo ra cao gấp đôi công nghệ khác.