Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Đa dạng hoá quy mô và loại hình sản xuất công nghiệp
21 | 07 | 2007
Theo Tờ trình của Bộ Công nghiệp vừa trình Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) đến năm 2015, có xét đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp của Vùng giai đoạn 2006-2010 phấn đấu đạt 20,16%; giai đoạn 2011-2015 là 19,35%.
Phát triển công nghiệp theo phương châm huy động tối đa mọi nguồn lực, phát triển các khu công nghiệp tập trung gắn với nguồn nguyên liệu để giảm chi phí sản xuất; Đồng thời chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực có hàm lượng chất xám cao, khẩn trương xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hoá về quy mô và loại hình sản xuất công nghiệp.
Với tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp của Vùng đến năm 2015 dự kiến trên 131 nghìn tỷ đồng, các phân ngành công nghiệp chủ lực của Vùng đều được đề xuất các hướng phát triển cụ thể.
Cơ khí, luyện kim:
Tăng trưởng sản xuất trên 20%/năm
Mục tiêu phát triển ngành cơ khí, luyện kim Vùng KTTĐ miền Trung là đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2006-2010 khoảng 22,94%; giai đoạn 2011-2015 khoảng 20,50%. Phấn đấu đến năm 2010 và 2015, các sản phẩm chủ yếu như máy động lực, máy nông nghiệp, linh kiện ô tô, xe máy, van công nghiệp, thiết bị y tế, thép cán đáp ứng đủ nhu cầu trong Vùng và một phần cho xuất khẩu.
Về Quy hoạch cụ thể, đối với các sản phẩm cơ khí chế tạo máy, chế tạo thiết bị: Trung tâm đặt tại Quảng Nam và các ngành phụ trợ đặt tại Đà Nẵng. Lắp ráp ôtô, xe máy và phương tiện vận tải: Trung tâm tại Quảng Nam, chế tạo linh kiện thiết bị phụ trợ tại Đà Nẵng. Công nghiệp đóng tàu Trung tâm tại Quảng Ngãi. Công nghiệp luyện kim phát triển tại Quảng Ngãi và Đà Nẵng.
Chế biến nông, lâm, thuỷ sản - thực phẩm
Chú trọng đầu tư chiều sâu
Ngành chế biến nông, lâm, thuỷ sản - thực phẩm của Vùng sẽ chú trọng đầu tư chiều sâu nâng cao trình độ công nghệ và chất lượng , chế biến, đặc biệt với các nhóm sản phẩm thuỷ sản, súc sản, nước giải khát, đồ gỗ. Đồng thời tăng cường nghiên cứu để đa dạng hoá sản phẩm và nguồn nguyên liệu, chủ động trong sản xuất, hạn chế ảnh hưởng bởi tính mùa vụ, tình trạng thời tiết.
Theo đó, TP.Đà Nẵng, tỉnh Bình Định là trung tâm sản xuất thuỷ, hải sản đông lạnh xuất khẩu. Phát triển vùng nguyên liệu, công nghiệp sơ chế bán thành phẩm và thức ăn nuôi trồng thuỷ sản ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đồ gỗ xuất khẩu và đồ gỗ cao cấp phục vụ nhu cầu nội địa tập trung phát triển tại Bình Định, Quảng Ngãi với mạng lưới sản xuất hỗ trợ tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, vùng nguyên liệu là Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và cao nguyên miền Trung. Đồ uống phục vụ tiêu dùng trong nước, cho khách du lịch và xuất khẩu sang Lào, Cămpuchia tập trung phát triển ở Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế.
Sản xuất vật liệu xây dựng:
Phát triển đa dạng chủng loại
Mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành sản xuất vật liệu xây dựng vùng KTTĐMT giai đoạn 2006-2010 khoảng 22,05%, giai đoạn 2011-2015 khoảng 19,53%.
Trong đó, tập trung phát triển các loại vật liệu có lợi thế như: Khai thác đá khối, gia công đá ốp lát, vật liệu xây dựng, vật liệu lợp, đá xây dựng, cát sỏi xây dựng, gạch ốp lát các loại, gạch ceramic. Tăng cường đầu tư công nghệ để sản xuất một số sản phẩm cao cấp, sản phẩm mới phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Chuyển đổi dần công nghệ sản xuất xi măng theo công nghệ tiên tiến lò quay và sản xuất gạch nung theo công nghệ lò tuy nen.
Điện tử tin học:
Đầu tư Đà Nẵng thành Trung tâm điện tử - CNTT
Về định hướng, Ngành Điện tử Tin học của Vùng sẽ phát triển các nhóm sản phẩm điện tử với công nghệ cao, sản xuất linh kiện điện tử, ti vi màu tại Đà Nẵng, là tâm điểm lan toả ra các khu công nghiệp lớn ở các tỉnh còn lại. Chú trọng đầu tư nghiên cứu, thiết kế một số loại sản phẩm điện tử công nghiệp, gắn với sản phẩm cơ khí, hình thành các sản phẩm cơ điện tử có khả năng cạnh trạnh, đáp ứng nhu cầu trong nước…
Về Quy hoạch, giai đoạn đến năm 2015, tập trung đầu tư để Đà Nẵng là trung tâm điện tử-công nghệ thông tin của Vùng, từng bước phát triển công nghiệp phần mềm tại Đà Nẵng, Huế và Bình Định cùng với phát triển phần cứng tại các tỉnh trong Vùng.
Hoá chất:
Hình thành và phát triển công nghiệp lọc hoá dầu
Mục tiêu chung là phát triển công nghiệp hoá chất nhằm đảm bảo đáp ứng đủ một số sản phẩm thiết yếu, có lợi thế trong Vùng để cung cấp cho thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu như phân bón, lốp ôtô, xe máy, lốp xe đạp… Hình thành và phát triển công nghiệp lọc dầu với công nghiệp hiện đại, nhằm tạo ra sản phẩm có đủ sức cạnh trạnh, góp phần giảm kim ngạch nhập khẩu và chuyển đổi cơ cấu ngành.
Để thực hiện những mục tiêu này thì tại Thừa Thiên-Huế sẽ phát triển công nghiệp phân bón, nhựa dân dụng, bao bì, sơn, composit, hình thành cơ sở chế biến các sản phẩm từ rác thải. Tại Đà Nẵng, phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su, phân bón, khí công nghiệp, nến mỹ thuật…Tại Quảng Nam, phát triển các loại phân vi sinh, lốp ôtô, xà phòng và chất tẩy rửa tổng hợp, các loại nhựa PP, PE, PVC, UPR… Tại Quảng Ngãi, phát triển công nghiệp lọc hoá dầu. Tại Bình Định, phát triển công nghiệp phân bón hữu cơ, vi sinh, phân NPK, một số sản phẩm cao su dân dụng, cao su kỹ thuật.
Khai thác, chế biến khoáng sản:
Tăng cường chế biến sâu khoáng sản, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô
Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trên cơ sở lợi thế về tài nguyên khoáng sản của mỗi tỉnh trong Vùng. Tăng cường chế biến sâu khoáng sản, hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô: sử dụng tổng hợp các loại khoáng sản, nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản chính, các khoáng sản đi kèm và giá trị của các sản phẩm chế biến. Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản chủ yếu dựa vào nội lực trong nước. Trong trường hợp cần thiết có thể liên doanh với nước ngoài để điều tra, thăm dò, tiến tới khai thác các khoáng sản ở dưới sâu, chưa được phát hiện, đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, công nghệ phức tạp.
Về quy hoạch cụ thể, sẽ tập trung khai thác vàng ở Quảng Nam; quặng Titan ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; grafit ở Quảng Ngãi; đá ốp lát, đá xây dựng ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; cao lanh, fenspat ở Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Dệt may-Da giày:
Phát triển mạnh sản xuất nguyên phụ liệu và phụ tùng
Mục tiêu phát triển của nhóm ngành dệt may – da giày của Vùng trong giai đoạn 2006-2010 là khoảng 21,45%; giai đoạn 2011-2015 khoảng 16,48%. Đến năm 2015 đáp ứng được phần lớn nguyên, phụ liệu cho sản xuất của ngành, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, ngành Dệt may sẽ chú trọng phát triển các nhà máy sản xuất sợi, nhà máy dệt ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; Phát triển các nhà máy may ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định; Phát triển Đà Nẵng, Quảng Nam trở thành trung tâm sản xuất nguyên phụ liệu dệt may của Vùng. Còn ngành Da giày sẽ phát triển các nhà máy sản xuất giày dép các loại ở các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định; Phát triển sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành Da giày ở Đà Nẵng, trong đó đầu tư xây dựng  nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ngành Da giày tại Đà Nẵng; Khoảng 3 dây chuyền sản xuất giày các loại tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định; 5 cơ sở sản xuất cặp, túi xách, vali tại 5 tỉnh.


Báo cáo phân tích thị trường