Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển, đa dạng hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn Việt Nam
24 | 08 | 2007
Việt Nam là một nước đi lên CNH, HĐH từ nông nghiệp, hơn nữa, nông thôn vẫn là nơi sinh sống của hơn ba phần tư dân số. Vì vậy, trong chiến lược quốc gia, Việt Nam đã coi nông nghiệp là nền móng cho sự phát triển ổn định của đất nước.

1. Những chính sách nền tảng của phát triển kinh tế-xã hội nói chung và nông nghiệp, nông thôn, những thành tựu và thách thức chủ yếu:

Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra chính sách “Đổi mới” (1986); Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài, mở đường cho các luồng đầu tư lớn vào Việt Nam trong các thập kỷ tiếp theo (1987); Nghị định của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về “Khoán 10” lấy hộ gia đình làm đơn vị sản xuất cơ bản trong nông nghiệp (1988); Nhà nước tiến hành cải tổ rộng rãi, xóa bỏ hầu hết bao cấp và kiểm soát giá, dỡ bỏ những hạn chế thương mại và khu vực ngân hàng (1989); Ban hành các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế doanh thu, thuế lợi tức, thuế đối với người có thu nhập cao (1990); Ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty, hình thành nên khu vực tư nhân chính thức ở Việt Nam (1991);

Đại hội Đảng lần thứ IX vạch ra chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, tiếp tục tiến trình CNH, HĐH nền kinh tế với hai mục tiêu chính: tăng gấp đôi GDP và giảm lao động khu vực nông thôn xuống còn 50% vào năm 2010 (4/2001); Luật doanh nghiệp (sửa đổi) để phù hợp giai đoạn mới (2003). Ban hành Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (có hiệu lực 1/7/2004); Công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (2004); Ban hành Luật phá sản (2004); Năm 2004 còn có Luật cạnh tranh (có hiệu lực từ 1/7/2005) nhằm tạo sân chơi bình đẳng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tài năng, tâm huyết phát triển.

Trong mấy năm đầu thế kỷ XXI, trong khu vực kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam có khoảng 4.500 doanh nghiệp quốc doanh, 27.000 công ty tư nhân và 3 triệu hộ gia đình nông thôn tham gia vào sản xuất thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và các hoạt động phi nông nghiệp khác. Đa số các cơ sở sản xuất tư nhân và hộ gia đình vẫn ở quy mô nhỏ, chủ yếu tham gia các hoạt động như sản xuất hàng thủ công, chế biến nông sản, thuộc da, sản xuất giấy, đóng gạch hoặc sản xuất vật liệu xây dựng, tinh luyện kim loại màu (làm đồ mỹ nghệ vàng bạc) cung cấp các dịch vụ cho nông nghiệp.

Phân chia hoạt động kinh tế nói trên như sau: các làng nghề truyền thống cơ bản nằm ở khu vực đồng bằng sông Hồng, còn các cơ sở sản xuất của hộ gia đình chủ yếu ở vùng Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thực tế cho thấy, ở nhiều vùng nông thôn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản trong GDP liên tục giảm, từ 24,5% năm 2000 xuống khoảng 20,5% năm 2005, tuy nhiên, cần phải đẩy mạnh tốc độ giảm hơn nữa vì nông nghiệp vẫn chiếm hơn 75% tổng số lao động toàn quốc. (Nguồn: Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư 6/2005). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn dịch chuyển theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng vùng và bước đầu gắn kết hơn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năm 1990 tỷ trọng giữa trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp là 79,3%-17,9%-2,8%; đến năm 2003 tỷ lệ này là 75,4%-22,3%-2,3%. Riêng tỷ lệ để thủy sản tăng nhanh từ 8,3% năm 1990 trong cơ cấu toàn ngành lên gần 20% năm 2003.

Tại Việt Nam, có khoảng hơn 1.000 làng nghề truyền thống, sử dụng thường xuyên hơn 10 triệu lao động, tạo ra giá trị xuất khẩu chừng hơn 3 tỷ USD. Hiện nay, có thể nói, các làng nghề là những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Có thể nêu tên làng nghề như làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), làng mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng đúc đồng, làng rèn Vân Chàng (Nam Trực, Nam Định), làng cơ khí Xuân Tiến (Nam Định).

Ngoài các làng nghề, các hộ gia đình cũng hoạt động như những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ thấy lợi nhuận cao hơn trồng lúa khi trồng các loại cây khác như cà phê, hạt điều, hồ tiêu…Nhiều hộ xây dựng thành trang trại lớn thường nằm ở vùng đồi núi. Chủ trang trại hiện nay chủ yếu là người có quan hệ xã hội rộng ở địa phương, thậm chí là cán bộ hay họ hàng với cán bộ địa phương. Theo thống kê, có khoảng 8.000 USD, ở miền Nam là gần 30.000 USD, ở Tây Nguyên khoảng 35.000 USD. Trung bình, mỗi trang trại kiếm được chừng 5.800 USD một năm với mức lương khoảng 1.000 USD/năm, cao hơn 5,5 lần với thu nhập của nông dân trồng lúa (Lê Du Phong, 2000).

Các hộ nông dân có vốn, có đầu óc kinh doanh ở ven biển chuyển sang xây dựng các đầm nuôi tôm, cua biển và hải sản khác (hiện 01 kg tôm xuất khẩu có giá trị tương đương với khoảng 100 kg gạo hoặc 300 kg muối).

ở các vùng khác, nông dân tổ chức trồng các cây ăn quả, nuôi các đặc sản khác như cá nước ngọt, nước lợ, ba ba, chăn nuôi gia cầm, lợn, gà, trâu, bò để bán thịt.

Như vậy, ngoài những thành tựu đã phân tích, còn có những thách thức liên quan đến chính sách quản lý nhà nước. Cơ cấu kinh tế nông thôn vẫn nặng tính chất thuần nông. Nói cách khác là cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn mang nặng tính độc canh, tự cấp, tự túc, phân tán, quy mô nhỏ; trong khu vực kinh tế nông thôn lợi nhuận thấp, lắm rủi ro, không ổn định nên ít nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Giao thông và hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chưa phát triển phương thức hoạt động kinh tế theo lối doanh nghiệp, (dù là doanh nghiệp nhỏ và vừa), kiểu công ty ở nông thôn còn mới mẻ, chưa phổ biến; các khâu liên hoàn: sản xuất – chế biến – tiêu thụ, chủng loại, chất lượng, giá cả, mẫu mã, marketing, tìm thị trường còn yếu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các làng nghề chưa biết gắn kết với các hoạt động khác có nhiều tiềm năng ở nông thôn như kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch văn hóa v.v…

2. Các giải pháp nhằm phát huy vai trò quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp và nông thôn.

Nhìn tổng quát, Nhà nước thường tác động vào nông nghiệp, nông thôn bằng các chính sách sau:

- Chính sách ruộng đất;

- Chính sách đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn;

- Chính sách đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn;

- Chính sách đa dạng hóa sản xuất, kinh doanh – dịch vụ nông nghiệp và nông thôn, chú ý doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, hướng vào xuất khẩu;

- Chính sách tín dụng nông thôn;

- Chính sách thị trường, giá cả và tỷ giá hối đoái;

- Chính sách khoa học – công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn;

- Chính sách, xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế và bảo trợ sản xuất;

- Chính sách khuyến nông và xóa đói giảm nghèo;

- Chính sách về môi trường và phát triển hạ tầng nông thôn.

Trong khi khu vực kinh tế nhà nước hầu như không tạo thêm được nhiều việc làm, thì doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn mỗi năm tạo thêm được 1,45 triệu việc làm mới. Vì vậy, trong khi xây dựng chính sách và pháp luật, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (thời gian tới cần chú ý chính sách tín dụng và chính sách thương mại, chính sách lao động). Trong chính sách đảm bảo thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà nước không những cần ưu tiên dành một số hợp đồng mua sắm của mình cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn phải hỗ trợ cho họ trở nên có năng lực trước khi tham gia đấu thầu. Các chính sách về thanh tra, kiểm tra cần hoàn thiện, minh bạch, giảm quan liêu, bao cấp, can thiệp sâu, mà tăng các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt ở khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập về trình độ quản lý, nguồn lực ít được đào tạo, thị trường bị hạn chế, bị ảnh hưởng của thiên tai…

Theo chúng tôi, có thể Nhà nước chỉ cần quản lý giá, cấp quota sản xuất, giám sát quy trình chế biến nông sản, dùng hình thức hỗ trợ một số khâu cơ bản (cho vay vốn, đào tạo nghề, ưu đãi thuế, truyền thông quảng bá chính sách sâu rộng…) trong thời gian tới cần có cơ chế, lộ trình để hình thành hàng loạt công ty ở khắp nông thôn. Các hộ sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa… cần hoạt động theo mô hình công ty, thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo hợp đồng thương mại. Nếu có lộ trình rõ, có sự chỉ đạo, quản lý thống nhất của Nhà nước thì dần dần nông dân, ngư dân, người dân ở nông thôn sẽ làm quen với phương thức kinh doanh, sẽ biết xây dựng thương hiệu, có thương phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia rồi quốc tế. Hoạt động này cần được hoạch định thành chiến lược. Riêng khu vực các làng nghề, trang trại, nuôi trồng thủy – hải sản, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong chiến lược kinh doanh nên kết hợp với hoạt động du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Các làng nghề cần gắn với công nghệ truyền thống, để tạo được sản phẩm có hàm lượng văn hóa cao, độc đáo, tinh xảo, dân tộc, chuyển tải được tầm tư tưởng, tâm linh người Việt, mới có thể đi vào thị trường quốc tế.

Giải pháp phát triển hệ thống hợp tác xã và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn: Nhà nước cần hoàn chỉnh các văn bản pháp quy nhằm tăng thêm các chức năng mới cho hợp tác xã như kinh doanh, phát triển công nghiệp, chế biến, thương mại, xuất nhập khẩu, tín dụng, bảo hiểm…, xây dựng hợp tác xã kiểu mới sẽ chia sẻ với doanh nghiệp nhà nước trong việc cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại phát triển. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản về công nghiệp hóa nông thôn thời gian đầu Cách mạng Minh Trị (Meiji Revolution). Họ không dùng ngân hàng để cho nông dân vay mà xây dựng tổ chức hợp tác xã làm luôn chức năng cho vay. Hợp tác xã và các tổ chức nông dân không chỉ làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà còn là đại diện, bảo vệ quyền lợi nông dân, tham gia hoạch định, quản lý, giám sát các dự án đầu tư phát triển nông thôn.

Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong nông nghiệp, nông thôn; làm tốt các dịch vụ công như khuyến nông, kiểm tra giám sát chất lượng tiêu chuẩn, thông tin thị trường và khoa học công nghệ, đào tạo cán bộ, phát triển R & D, thanh tra giống, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân hóa học, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ cho thú y và cây trồng… Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp nông thôn như: giảm mạnh tiền thuê đất đến mức tối đa; đơn giản thủ tục hành chính; giảm thuế và hỗ trợ việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu nhiều lợi nhuận, dùng nhiều lao động.

Giải pháp tăng cường phối hợp, lồng ghép các hoạt động truyền thông đại chúng của Nhà nước, chính quyền địa phương (báo chí, phát thanh, truyền hình) với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao nhận thức về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, hiểu biết về kinh doanh, thị trường, làm giàu chính đáng. Đồng thời tăng cường các hình thức giáo dục nâng cao dân trí, phát huy dân chủ ở cơ sở, làm cho mọi người tích cực, có trách nhiệm tham gia quản lý đời sống nông thôn, giảm thiểu các hình thức kinh doanh sai trái, chụp giật làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Truyền thông đại chúng (Mass Communication) cũng phải góp phần tích cực vào tổ chức hoạt động và hình thành hệ thống phân tích thị trường, tư vấn kinh doanh thương mại, quảng cáo, marketing sản phẩm, nhất là khi xuất hiện hệ thống gồm nhiều trung tâm thương mại kiểu như: Siêu thị nhỏ ở nông thôn, thị trường giao sau, chợ đấu giá nông sản… Sự tham gia của truyền thông đại chúng và các phương tiện, hình thức thông tin viễn thông hiện đại, cùng các hoạt động chuyên nghiệp liên quan như quan hệ công chúng (Public Relations), văn hóa kinh doanh, thương hiệu doanh nghiệp.v.v… dần dần sẽ giúp cho sự phát triển của hệ thống thu thập, phân tích, xử lý tin tức kinh doanh ngày càng hoàn thiện, hiện đại và tác động đến sự lớn mạnh của doanh nghiệp – trước hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn.

Giải pháp củng cố doanh nghiệp nhà nước: Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nòng cốt của Nhà nước hoạt động ở môi trường nông nghiệp, nông thôn, cần hỗ trợ đủ mức vốn lưu động, tăng cường năng lực và trách nhiệm quản lý của cán bộ… Còn các doanh nghiệp quy mô nhỏ, làm ăn kém, cần giao bán khoán, giải thể, sáp nhập và cổ phần hóa, Nhà nước không cần nắm 100% vốn. Nhà nước chỉ cần đầu tư chuyên cho các khu kinh tế tập trung, phát triển công nghiệp, khuyếch tán công nghiệp một cách hài hòa ở nông thôn, sao cho gắn với nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động, chủ động gắn nông nghiệp với công nghiệp trên toàn lãnh thổ. Bằng cách đó, có thể hình thành các doanh nghiệp – công ty mẹ, thúc đẩy sự ra đời các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn như là các công ty con hợp tác chặt chẽ với nhau trong cung cấp nguyên liệu, lao động, việc làm và đa dạng hóa các hoạt động kinh tế.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Nhà nước cần quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những ngành hàng dễ tổn thương thua thiệt trong nông nghiệp, nông thôn để có chính sách thích hợp, nhằm chủ động ứng phó và khắc phục được các rủi ro nếu gặp phải.



PGS. TS. Lê Thanh Bình
Báo cáo phân tích thị trường