Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khởi nghiệp với 50 triệu đồng
12 | 09 | 2007
Kết quả nhiều nghiên cứu xã hội học cho thấy hơn 52% bạn trẻ muốn làm chủ công việc của mình. Ước nguyện của các bạn là khởi nghiệp thành công. Nhưng làm sao đây khi trong tay bạn chỉ có một số vốn ít ỏi, cụ thể như con số 50 triệu đồng?

Nếu chỉ có số vốn 50 triệu đồng, liệu tôi có thể mở ra kinh doanh?

Có khá nhiều cơ hội cho việc khởi nghiệp với số vốn của bạn. Chúng tôi có thể gợi ý một số công việc đơn giản như: Làm chủ cửa hàng văn phòng phẩm, mở quán bán thức ăn sáng/ tối, làm chủ một cửa hàng hoa, mở dịch vụ gói quà và giao nhận quà; mở tiệm rửa xe…

Các bước khởi nghiệp?

Không bàn đến khởi nghiệp tự phát, chúng tôi muốn giúp bạn có định hướng căn bản để thành công trong việc khởi nghiệp.

Trước tiên bạn phải biết khách hàng của mình là ai? Họ sống ở đâu? Thói quen của họ là gì? Họ thường làm gì? Mua gì? Mua như thế nào và trả giá bao nhiêu cho sản phẩm họ thích?… Tóm lại bạn phải thấu hiểu khách hàng mục tiêu. Lưu ý đây là khách hàng thật chứ không phải khách hàng tưởng tượng. Người thợ săn cần nhắm vào con chim nhất định trong bầy để bắn thì sẽ có nhiều khả năng bắn hạ được nó. Nếu chỉ bắn bừa thì bầy chim nghe động sẽ bay hết thôi.

Kế đến bạn cần lên kế hoạch kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mục tiêu, kế hoạch kinh doanh cần đáp ứng được các tiêu chí sau đây:

- Có hệ thống: Việc này liên thông và hỗ trợ việc kia.

- Trả lời được 5W (What? Why? When? Where? Who?) cùng 2 H (How we/they do that? How much that cost?)

- Thực tiễn có tính khả thi.

- Tính được ROI (Return on Investment) để xác định chu kỳ vốn, lãi suất và cân đối đầu tư. Điều cần lưu ý là kể cả khi bắt đầu bạn sử dụng mặt bằng nhà mình và không nhận lương, bạn vẫn cần phải tính các khoản này vào chi phí để xác định hiệu quả thật của việc kinh doanh.

Chọn quy mô và loại hình kinh doanh: Loại hình kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân, công ty THHH một thành viên, công ty TNHH nhiều thành viên, công ty cổ phần hay công ty liên doanh liên kết.

Nghĩ và thiết kế tên, thương hiệu, biểu tượng

Thực hiện các thủ tục cần thiết với cơ quan quản lý. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách liên hệ với chính quyền địa phương, sở Kế hoạch - Đầu tư và cơ quan thuế nơi bạn sẽ hoạt động hay đăng ký kinh doanh để nhận được các mẫu biểu và kê khai viết theo các biểu mẫu này. Sau đó nộp lại để nhận phiếu hẹn và các hướng dẫn tiếp theo. Bạn cũng có thể thuê một đơn vị dịch vụ làm việc này. Thông thường là các công ty kiểm toán, tư vấn và văn phòng luật sư. Phí cho dịch vụ này hiện dao động từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.

Những việc nên và không nên làm khi khởi nghiệp?

5 điều nên làm: Tâm, Trí, Tín, Chí, Minh

- Tâm: Làm việc vì ý nghĩa cuộc sống và mục tiêu tốt đẹp của công việc

- Trí: Làm việc mà mình hiểu về nó và liên tục học hỏi để thành công. Thất bại cũng không nản, vì “Thất bại là mẹ thành công”.

- Chí: Làm việc kiên tâm, kiên trì và làm tất cả kể từ việc nhỏ

- Tín: Trong mọi trường hợp, kể cả khi thất bát thua thiệt, phải giữ đúng lời hứa và cam kết của mình. Chữ “tín” được coi là số 1 trong làm ăn, kinh doanh, thậm chí chữ “tín” còn được xem là chiến lược, là phương pháp kinh doanh.

- Minh: có sự sáng suốt, biết nuôi dưỡng niềm đam mê và khát vọng thành công. Cần có tầm nhìn xa, nhạy bén; có sự quyết đoán, đột phá.

5 điều không nên làm:

- Không thụ động, lười biếng, nản chí bỏ việc giữa chừng.

- Không ăn gian, làm giả hay làm việc phạm pháp, chỉ nghĩ về lợi ích của mình mà quên đi người khác.

- Không mạo hiểm theo lời người khác khi cả Tâm và Lực mình đều chưa sẵn sàng.

- Không làm việc qua loa.

- Không tự hành hạ mình vì thất bại. Khi thất bại, cần tỉnh táo để phân tích nhằm tránh thất bại ở lần sau.



Theo camnangdoanhnghiep.com
Báo cáo phân tích thị trường