Chuyển đổi cơ cấu giống
Những nương chè xanh ngát với các giống chè cao sản TB14, LĐ97 và các giống chè chất lượng cao Ô Long, Ngọc Thúy, Kim Tuyên, Tứ Quý xanh mướt tận chân trời. Ông Trần Thái Lam, Phó phòng Kinh tế thị xã Bảo Lộc, phấn khởi cho biết vụ này, giá chè tăng 40%-50% so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết mưa nhiều, cây chè phát triển tốt. Giá phân bón cũng giảm 15%-20%, mỗi kỳ, nông dân thu lãi 1-1,2 triệu đồng/ha. Giá chè cành bán được với giá 4.200-4.500 đồng/kg, cao hơn giá chè hạt 10% nên nông dân càng đồng thuận với chương trình chuyển đổi giống chè (từ chè hạt sang chè cành).
|
Thu hái chè búp tươi |
Trong khoảng 5 năm qua, Lâm Đồng đã chuyển đổi được gần 10.000 ha, từ giống chè hạt truyền thống sang giống chè cao sản và chè chất lượng cao. Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, cho biết, khi chương trình vừa triển khai, nông dân rất e ngại vì để chuyển đổi 1 ha chè hạt sang chè cao sản phải đầu tư gần 35 triệu đồng, giá chè lúc đó lại thấp. Để khuyến khích nông dân, địa phương đã trồng thí điểm 3 mô hình chè cao sản, hướng dẫn kỹ thuật trồng và hỗ trợ 80% tiền giống cho các hộ gia đình nghèo để chuyển đổi. Năng suất chè cao sản đạt 18-20 tấn/ha, cao gấp 3 lần, giá chè búp tươi cũng cao hơn từ 700-1.000 đồng/kg so với giống chè hạt.
Bên cạnh chuyển đổi giống chè, nông dân còn mạnh dạn đầu tư sản xuất chè theo hướng nâng cao chất lượng (theo tiêu chuẩn GAP). Tại Bảo Lộc, 20 hộ nông dân đã đăng ký vào mô hình trồng chè Viet GAP và 1 hộ với 50 ha sản xuất chè theo hướng Global GAP.
Ông Phạm Văn Án, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng phân tích: để cây chè cạnh tranh được trên thị trường, ngoài việc chuyển giống chè chất lượng cao, áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, yếu tố quan trọng cần làm là: bảo quản chè búp tươi sau thu hoạch.
Liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu
Trên địa bàn Lâm Đồng hiện có hơn 50 doanh nghiệp với hơn 150 cơ sở chế biến chè. Các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Chè Lâm Đồng có công suất chế biến 6.000-7.500 tấn chè búp tươi/năm, Công ty Chè Minh Rồng với công suất 4.000-5.000 tấn chè búp tươi/năm. Tuy nhiên, trong tổng diện tích 26.000 ha chè của toàn tỉnh thì 88% là của các hộ nông dân. Vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp chỉ đáp ứng khoảng 50% công suất.
Vì vậy để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều phải hợp đồng thu mua chè búp tươi của nông dân. Và những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, bình quân mỗi năm hơn 36.000 tấn chè búp tươi. Các doanh nghiệp nước ngoài như Haiyih, Fusheng (Đà Lạt), các doanh nghiệp Đài Loan (Bảo Lộc)… cũng thuê đất và giao khoán cho nông dân sản xuất. Các mô hình liên kết cho thấy khá hiệu quả. Nông dân có tư liệu sản xuất, công lao động, doanh nghiệp hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm.
Doanh nghiệp tư nhân Phương Nam (Bảo Lộc) đã liên kết với gia đình nông dân Nguyễn Bình Đông (Lộc Sơn, Bảo Lộc) trồng hơn 50 ha chè chất lượng cao với 62 nội dung của chuẩn Global GAP. Ông Đông cho biết, làm chè theo hướng an toàn thể hiện được trách nhiệm cũng như ý thức của nông dân với sản phẩm của mình, đầu ra của sản phẩm được đảm bảo.