Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Liên kết "bốn nhà" để xuất khẩu vải thiều Thanh Hà
22 | 09 | 2007
Năm nay, vải thiều Thanh Hà đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Thanh Hà. Việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp này có ý nghĩa với vùng chuyên canh vải thiều, giúp khẳng định được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, chỉ rõ tính chất và chất lượng đặc thù của quả vải.
Ngày 8-6-2007, Cục Sở hữu Trí tuệ đã trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Thanh Hà.

Ðây là cơ sở để làm tăng giá trị kinh tế cho người dân trồng vải, đẩy mạnh sự phát triển các lĩnh vực khác như: Công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái, giải quyết việc làm... góp phần tăng giá trị tích luỹ cho thương hiệu vải thiều Thanh Hà, giữ gìn và phát triển một sản vật truyền thống của địa phương và cả nước. Tuy nhiên, khi đã có lô-gô và thương hiệu riêng, thì việc tổ chức và tiêu thụ quả vải thiều như thế nào cho xứng tầm với sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và lợi ích cho người sản xuất vải là vấn đề được nhiều cấp, ngành đặt ra.

Thực tế cho thấy, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà ở thị trường trong nước chỉ ở mức giới hạn, do hạn chế về hệ thống phân phối (thiếu tính chuyên nghiệp), sự cạnh tranh về giá của vải thiều ở các vùng khác. Trong khi đó, việc thu mua của các nhà máy chế biến vải tươi cũng có những hạn chế nhất định.

Chiến lược đa dạng hóa thị trường, tìm đường xuất khẩu quả vải thiều tươi đi các nước, nhất là thị trường châu Âu là một hướng đi cần tính đến. Nhưng, để xuất khẩu được vải thiều tươi không phải dễ dàng, cần phải tổ chức sản xuất như thế nào để đáp ứng được những đòi hỏi về mặt mẫu mã, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe.

Bên cạnh đó, đặc tính khó bảo quản của quả vải tươi cũng là hạn chế lớn. Một khó khăn nữa là nếu giải quyết được các vấn đề trên, thì liệu bản thân hộ nông dân có thể tự đứng ra liên hệ, trao đổi với phía đối tác nước ngoài được hay không?

Ðể giải quyết khó khăn này, cần sự trợ giúp đồng bộ của các cơ quan, doanh nghiệp mà ta thường gọi là liên kết "bốn nhà". Trước tình hình đó, mô hình liên kết giữa Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) - đại diện của người sản xuất vải, Tổng công ty Xuất nhập khẩu Rau quả Việt Nam (Vegetexco), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp (Casrad) - đơn vị nghiên cứu tư vấn các mô hình liên kết tổ chức nông dân mới và chính quyền địa phương huyện Thanh Hà đã ra đời.

Ðể chuẩn bị điều kiện cho liên kết này, Casrad đã giúp nông dân xây dựng các quy trình kỹ thuật tập thể VnGAP an toàn, xây dựng mạng lưới giám sát chất lượng vải quả trong Hiệp hội và xây dựng các nhãn mác chỉ rõ nguồn gốc sản phẩm. Hoạt động nghiên cứu - phát triển của Casrad về nâng cao năng lực cho ngành hàng vải thiều do GTZ (Ðức) tài trợ đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ "bốn nhà" này trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích của các bên tham gia liên kết. Vegetexco đã cử cán bộ về tận nơi để thảo luận với Hiệp hội về các chỉ tiêu chất lượng, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm và độ đồng đều chất lượng quả. Ðây là việc mà các năm trước, Vegetexco gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu nông sản. UBND huyện Thanh Hà đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút các đối tác thương mại về thực hiện hợp đồng thu mua tại địa phương, đồng thời ban hành quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý để khuyến khích người sản xuất sử dụng. Hiệp hội đã xác định được hướng đi đúng, kiên trì quảng bá sản phẩm chất lượng của mình qua trang thông tin điện tử: www.vaithieuthanhha.com.vn, nhằm mở ra các hướng tiêu thụ cho nông dân vùng trồng vải thiều Thanh Hà theo nguyên tắc hợp tác để vươn ra thị trường, chứ không cạnh tranh lẫn nhau ngay tại địa phương.

Mô hình này bước đầu đã khai thác được uy tín chỉ dẫn địa lý của vải thiều Thanh Hà. Sự hợp tác theo mô hình bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định, các chuyến hàng vải thiều tươi được sản xuất bởi các thành viên của Hiệp hội đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng do phía nước ngoài đặt ra. Ðến thời điểm hiện tại, quả vải thiều tươi đã đến được với thị trường Ðức, Canada theo phương tiện máy bay.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng chủ động cung ứng vải thiều chất lượng cao cho thị trường Trung Quốc và thị trường các tỉnh trong nước như Ðác Lắc, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Khối lượng xuất khẩu thực tế chưa nhiều, do những hạn chế về việc vận chuyển qua đường hàng không và hạn chế về thời gian thu hoạch ngắn (20-25 ngày). Giá vải thiều xuất khẩu mang chỉ dẫn địa lý Thanh Hà mới chỉ tăng 35-45% so với giá vải cùng loại được bán tại địa phương.

Có thể thấy, đây là một cơ chế hợp tác mới, giúp nông dân từng bước chuyên nghiệp hóa trong sản xuất và cung ứng nông sản, một điều kiện quan trọng khi gia nhập WTO. Nông dân đang cần các dịch vụ trợ giúp về sản xuất chuyên nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của người mua, về hợp tác tổ chức sản xuất có kỹ thuật, có kỷ luật và về năng lực marketing.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho việc nghiên cứu và phát triển các dịch vụ mới này, giúp nhân rộng và thúc đẩy hơn nữa mô hình liên kết nêu trên trong thời gian tới, không chỉ đối với mặt hàng vải thiều Thanh Hà, mà với các nông sản đặc sản khác, nhất là các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được cấp văn bằng bảo hộ.



Nguồn: nhandan
Báo cáo phân tích thị trường