Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm "đầu ra" cho thanh long Chợ Gạo
29 | 10 | 2007
Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 1.700ha trồng thanh long, tập trung ở huyện Chợ Gạo, nhưng lại không có được sản lượng trái nhiều, liên tục, đạt tiêu chuẩn và thị trường tiêu thụ luôn bấp bênh. Tiền Giang đang nỗ lực tìm giải pháp để phát triển loại cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh này của địa phương.

Nhận diện hạn chế

Theo Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện cây thanh long được trồng chủ yếu ở 4 địa phương: Bình Thuận (7.000ha), Tây Ninh (110ha), Long An (1.200ha), Tiền Giang (1.700ha). Giá trị xuất khẩu thanh long trong cả nước (chủ yếu xuất sang thị trường các nước châu Á) tăng liên tục từ 6,6 triệu USD năm 2004 lên 13,6 triệu USD năm 2006. Trong 4 tỉnh trồng thanh long trọng điểm của cả nước, hiện chỉ có Tiền Giang và Long An xử lý được thanh long cho trái quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, thanh long trở thành cây có hiệu quả kinh tế và lợi thế cạnh tranh cao so với một số cây trồng khác.

Những năm gần đây, diện tích trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo tăng trung bình 100ha/năm. Năm 1995, nơi đây chỉ có 500ha cây thanh long, nay đã lên đến 1.700ha. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn An Tiêm, Phân Viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, hạn chế hiện nay của cây thanh long là việc bảo quản vận chuyển kém nên chưa xuất khẩu đến được các nước xa. Tỷ lệ trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm còn thấp; thị trường tiềm năng lớn nhưng năng lực sản xuất thấp, chưa có doanh nghiệp đầu tư vào vùng trồng. Nguồn cung ứng không ổn định do kỹ thuật sản xuất, hạ tầng cơ sở không tốt. Bên cạnh đó, diện tích thanh long tăng nhanh, nhưng mang tính tự phát, chưa quy hoạch thành vùng tập trung. Thị trường tiêu thụ không ổn định nên “điệp khúc được mùa rớt giá” thường xuyên xảy ra. Hệ thống bao tiêu thanh long hiện còn nhiều bất cập vì chỉ có 1 doanh nghiệp thu mua; còn các thương lái áp dụng hình thức “mua đứt bán đoạn” chủ yếu qua người thu gom, người thu gom thì mua kiểu thỏa thuận với nông dân. Ở khía cạnh khác, do diện tích thanh long của Bình Thuận, Long An tăng nhanh, nên các doanh nghiệp chỉ mua thanh long Chợ Gạo khi thiếu hàng...

Tìm hướng đột phá

TS.Nguyễn An Tiêm cho rằng, hiện nay thanh long chưa có sản lượng hàng hóa lớn trên thị trường thế giới. Đây là loại trái ít dinh dưỡng nhưng giàu vitamin, giúp cho việc giảm béo rất tốt. Vì thế, thanh long có thể là một trong những loại trái cây xuất khẩu chủ lực trong thời gian tới.

Trong nỗ lực khôi phục, phát triển các vườn cây ăn trái đặc sản, Tiền Giang đã xác định 7 loại cây ăn trái có thế mạnh cần lập dự án để đầu tư phát triển thời gian tới. Cây thanh long Chợ Gạo cùng cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được chọn triển khai xây dựng dự án và thực hiện đầu tiên. Việc quan tâm phát triển cây lợi thế này của tỉnh, làm người dân trong vùng trồng thanh long rất vui mừng. Nhưng cũng từ đây, họ nhận thấy còn nhiều khó khăn ở phía trước.

“Quy trình sản xuất tự phát, cách thức thu gom không đạt chuẩn, sản xuất trái thanh long đạt chất lượng cao gặp nhiều khó khăn, hợp tác xã dù đi vào hoạt động nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc chào hàng, quảng bá”. Đó là một số vướng mắc trong phát triển cây thanh long Chợ Gạo được ông Nguyễn Thành Thới, Bí thư Đảng ủy xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, nêu ra tại buổi hội thảo mới đây để lấy ý kiến đóng góp hoàn chỉnh dự án. Còn ông Trần Thanh Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho rằng cần xây dựng ở mỗi xã một mô hình vài ha thực hiện sản xuất thanh long theo hướng an toàn (GAP) để người nông dân đến học tập kinh nghiệm, rồi từ đó nhân rộng ra.

Bên cạnh đó, một điều mà chính quyền địa phương và người trồng thanh long đang rất quan tâm là điện phục vụ xử lý thanh long trái vụ. Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, nói: “Nếu điện không đáp ứng nhu cầu xông đèn thì thanh long không thể xử lý ra hoa trái vụ. Như thế, hiệu quả sản xuất sẽ không cao”.

Song song với việc tìm giải pháp về quy trình sản xuất, thì đầu ra cho sản phẩm cũng là nỗi trăn trở nông dân và chính quyền địa phương. Ông Lê Văn Hưởng, Giám đốc Sở Thương mại – Du lịch tỉnh Tiền Giang, phân tích: Thị trường tiêu thụ thanh long rất rộng nhưng sản phẩm chưa đủ tiêu chuẩn nên xuất khẩu chưa mạnh. Dự án đầu tư phát triển thanh long cần phải định hình hợp tác xã hiện có hoạt động như thế nào? Theo ông, trước mắt hợp tác xã chỉ sản xuất và đảm nhiệm khâu thu gom sản phẩm cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, để tạo tính đột phá và phát huy hiệu quả cao trên đơn vị diện tích trồng cây ăn trái của mình, cần kết hợp sản xuất với du lịch. Mô hình này, Sở đã thực hiện ở vùng sầu riêng Ngũ Hiệp, tới đây là vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, cho biết: Đây là dự án đầu tiên có quy mô và tập trung. Dự án đang bước vào giai đoạn chỉnh sửa cuối cùng trước khi trình Hội đồng thẩm định, UBND tỉnh duyệt và dự kiến sẽ đưa vào thực hiện vào đầu năm 2008. Sau khi dự án được UBND tỉnh phê duyệt, Sở sẽ thành lập Ban Quản lý điều hành hoạt động dự án, bộ phận nghiên cứu về cây thanh long. Tới đây, Sở sẽ công bố giống thanh long đầu dòng và thành lập các cơ sở nhân giống phục vụ cho việc trồng mới của người dân.



Nguồn: kinhtenongthon
Báo cáo phân tích thị trường