Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cách hiệu quả vào thị trường Mỹ
30 | 10 | 2007
Muốn tiếp cận một thị trường mới, thay vì cứ ngồi ở nhà chờ khách hàng tự tìm đến thì các doanh nghiệp nên chủ động tìm đến khách hàng.
Đây là lời khuyên của chuyên gia marketing-Bà Laurie Burns, Giám đốc Công ty The Asia pacific Connection. Ngoài giới thiệu doanh nghiệp trên các cổng thông tin điện tử, thì tham dự gian hàng tại hội chợ là một hoạt động xúc tiến được đánh giá là hiệu quả cao.

“Muốn tiếp cận thị trường Mỹ, doanh nghiệp cần chọn những cách tiếp cận mang tính năng động nhất. Tham gia gian hàng hội chợ là dịp thuận lợi nhất để doanh nghiệp gặp gỡ khách hàng và tìm kiếm đối tác mới. Thường những hội chợ tại Mỹ luôn thu hút đông đảo các khách hàng thương mại khắp nơi tham gia và họ là những người có nhu cầu”-bà Laurie Burns nhận xét.

Để đi hội chợ thành công

Tuy nhiên, một năm có rất nhiều hội chợ được tổ chức. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải biết chọn lọc và quan tâm đến nó.

Các thông tin về ban tổ chức cuộc triển lãm rất quan trọng vì những việc họ làm sẽ góp phần tạo nên sự thành công hay thất bại cho doanh nghiệp tham gia. Doanh nghiệp đi tham gia hội chợ, cần tìm hiểu khách mời là ai, họ đến triển lãm với mục đích gì, những thông tin đó sẽ giúp các doanh nghiệp chuẩn bị các hoạt động cho gian hàng như thiết kế gian hàng, trưng bày, hàng hóa tại ở triển lãm tốt hơn.

Đặc biệt, luôn luôn phải có người nắm mọi hoạt động, thông tin của hàng hóa túc trực tại gian hàng. Đây là một thiếu sót của một số các doanh nghiệp khi tham gia ở các kỳ triển lãm ở trong nước vừa qua. Hầu hết các doanh nghiệp còn chuẩn bị sơ sài về mặt thông tin cung cấp cho khách hàng. Không ít trường hợp, không có người am hiểu thông tin đứng ở quầy hàng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên quan tâm các hoạt động xúc tiến sau triển lãm. Chủ động liên lạc với khách hàng sẽ tạo cơ hội cho mọi người nhớ đến mình lâu hơn dù cho hoạt động giao dịch không thành công.

Thông thường, doanh nghiệp thường có tâm lí chán nản sau một lần đi tham dự hội chợ bởi những kết quả không mấy thành công. Bà Laurie Burns cho rằng ít nhất doanh nghiệp hãy tham gia liên tục 3 năm liên tiếp mới thấy được kết quả. Bởi năm đầu tiên, ngoài khách hàng quen thuộc, doanh nghiệp sẽ khó có cơ hội gặp gỡ được những khách hàng mới.

Nhưng sang năm thứ 2 và thứ 3 trở đi thì khách mua hàng sẽ có thể sẵn sàng làm việc với bạn vì họ đã nhận ra bạn là ai. Qua khảo sát, các khách hàng giao dịch tại hội chợ có thể hào phóng chi trả đến trên 50% giá trị đơn hàng nếu doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu và hàng hóa thu hút đuợc họ.

Đối với hàng đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng năm, tại Mỹ thường có các triển lãm có quy mô tầm cỡ và luôn được giới kinh doanh quan tâm đến như Las Vegas, High Point, Dallas. Năm 2006, doanh thu của thị trường đồ nội thất gia đình ở Hoa Kỳ đạt gần 150 tỷ USD, trong đó đồ gỗ nội thất chiếm đến gần 100 tỷ USD.
Theo dự đoán của các chuyên gia, doanh thu của năm 2007 này sẽ tăng cao hơn nữa do nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng lên. Mức nhu cầu này là một điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng đồ gỗ nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thâm nhập vào thị trường này. Hiện nay, Hoa Kỳ là một thị trường đồ gỗ có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam, đạt 744 triệu USD trong năm 2006. Trong năm 2007, dự kiến đồ gỗ Việt Nam xuất vào Mỹ sẽ đạt trên 1 tỷ USD.

Cơ hội với mùa mua sắm cuối năm ở Mỹ

Bà Laurie Burns cho biết, người tiêu dùng Mỹ thường tập trung thời gian 3 tháng cuối cùng của mỗi năm để đi mua sắm những vật dụng cho gia đình. Với “nhịp” sống bận rộn, người Mỹ thường tận dụng những thời gian nghỉ dài ngày để sắm sửa vật dụng cho gia đình. Đó là trong tháng 11, sau ngày thứ 5 của tuần lễ cuối cùng của tháng, là kỳ nghỉ Tạ ơn.

Dịp này còn được xem là ngày nghỉ của gia đình vì mọi người được nghỉ liên tiếp 4 ngày kéo dài tận đến đầu tuần sau. Không chỉ vậy, vào các ngày lễ Giáng sinh, lễ Halloween, người Mỹ có thói quen bỏ các loại đồ dùng, vật trang trí cũ thay thế bằng các sản phẩm mới. Do đó, cuối năm được xem là mùa mua sắm ở Mỹ.

Nhu cầu mua sắm của người dân cũng rất cao. Ngoài các dịp lễ, với lối sống tự lập sớm nên 1 gia đình có thể có nhu cầu mua sắm vật dụng rất nhiều. Các gia đình có nhu cầu trang trí theo sở thích của từng người. Đối với người lớn, họ có thói quen và sở thích thư giãn trong vườn, vì vậy những mặt hàng nội thất ngoài trời ở thị trường này được tiêu thụ rất mạnh.

Ngược lại, thanh niên Mỹ và trẻ em lại thích thư giãn, chơi đùa tự do trong phòng riêng, do đó phòng trẻ con cũng được trang trí đẹp và tiện nghi. Trong một gia đình nếu có 4 phòng thì cách bày trí của từng phòng cũng sẽ khác nhau, do sở thích của từng đối tượng và độ tuổi.

Người tiêu dùng ở Mỹ không quan tâm đến xuất xứ của hàng hóa. Họ mua sắm theo thị hiếu tiêu dùng. Trong mua sắm, điều quyết định quan trọng với người tiêu dùng là việc thích hay không thích và có muốn mua hay không. Công việc mua sắm của gia đình đều do người phụ nữ đảm trách. Ngày nay, trên thị trường hàng hóa rất phong phú vì vậy người đi mua sắm luôn trong “tư thế” so sánh về mặt giá cả, chất lượng. Chất lượng luôn là những vấn đề quan trọng của hàng hóa, mẫu mã bắt mắt, thu hút sẽ tạo thêm lực hút với khách hàng đến với sản phẩm.

Người Mỹ khi đủ tuổi lao động đều đi làm, do đó quỹ thời gian dành cho gia đình rất ít. Vì vậy cũng theo như như ý kiến của bà Laurie Burns, để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, kiểu dáng, mẫu mã và giá cả luôn là những yếu tố quyết định sự thành công của sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cần thiết kế những sản phẩm mang tính tiện ích và đặc biệt nên kèm theo các chế độ hậu mãi.


Báo cáo phân tích thị trường