Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Để thương hiệu Việt đi xa
18 | 07 | 2007
Đối với thị trường Mỹ và một số thị trường của các nước phát triển, một sản phẩm tốt, giá rẻ chưa chắc đã bán được mà phải có sản phẩm đặc thù. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn xúc tiến thương mại tại các thị trường trên phải hiểu rõ yếu tố này.
Mới đây, trong một lần gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nhận định: “TP Hồ Chí Minh là một TP đi đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế, là nơi tập trung nhiều DN lớn, có uy tín. Các DN này không chỉ bó hẹp hoạt động trong phạm vi quốc gia mà cần phải thực hiện những chiến lược để lan tỏa hình ảnh và thương hiệu của mình ra thế giới. Muốn được như vậy, hoạt động tiếp thị phải mang ý nghĩa toàn cầu hóa”.

Lượng sức để phân khúc thị trường

Ông Nguyễn Văn Quang, Viện phó Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết lượng sức mình để tiếp thị thương hiệu vào những thị trường phù hợp sẽ có cơ hội thành công. Tiến sĩ Leon Schiffman, Chủ tịch Quỹ Hiến tặng J.Donald Kennedy chương trình thương mại điện tử, ĐH St. Johns, New York (Mỹ) đưa ra một thí dụ: Công ty Hertz (Mỹ), chuyên cho mướn ô tô đã xác định đối tượng phục vụ của họ là giám đốc, doanh nhân thành đạt hay đi công tác nên cách phục vụ cũng đặc biệt: Thay vì khách hàng phải đến điểm cho thuê để lấy xe thì nhân viên của hãng này sẽ đưa xe đến tận sân bay để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Chính vì phân khúc thị trường rõ ràng nên Hertz hiện là thương hiệu nổi tiếng tại một số quốc gia phát triển.

Một điểm hạn chế đang tồn tại của các doanh nghiệp Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, là việc xây dựng trang web để giới thiệu thông tin của DN chưa hấp dẫn, nhiều trang web vẫn ở trạng thái “chết”. Hiện nay, xu thế tiếp thị của thế giới đã thay đổi từ “tiếp thị đại trà” sang “tiếp thị trực tiếp”, trong đó việc tiếp cận đối tác, khách hàng thông qua Internet đang được các DN tận dụng tối đa. Ưu điểm của cách tiếp thị qua Internet là phương thức đối thoại hai chiều giữa DN và khách hàng, qua đó mỗi cá nhân, đối tác lướt web là một mẫu dữ liệu mà đơn vị quản lý trang web có thể khai thác để chào bán những sản phẩm phù hợp với từng đối tượng. Giáo sư – tiến sĩ Elaine Sherman, chuyên ngành tiếp thị và kinh doanh quốc tế, ĐH Houston, New York (Mỹ), phân tích: Một DN chuyên chào bán những sản phẩm du lịch với khách quốc tế nếu xây dựng được một trang web hấp dẫn thì ngoài việc chào bán tour, DN này còn tìm hiểu sở thích của khách hàng để từ đó kết hợp với những DN khác bán thêm những dịch vụ kèm theo.

Chào bán sản phẩm đặc thù

Đối với thị trường Mỹ và một số thị trường của các nước phát triển, một sản phẩm tốt, giá rẻ chưa chắc đã bán được mà phải có sản phẩm đặc thù. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn xúc tiến thương mại tại các thị trường trên phải hiểu rõ yếu tố này. Bà Elaine Sherman thông tin thêm: Kết quả nghiên cứu thị trường (tháng 5-2007) về thành phần của người tiêu dùng (NTD) Mỹ có rất nhiều thay đổi. Qua đó, NTD luống tuổi (từ 65 - 84 tuổi) đang tăng rất nhanh, trong khi đó các DN Mỹ lại không chú ý đến nhóm này vì cho rằng họ ít mua sắm. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại ngược hẳn: Đây được xem là đối tượng có điều kiện kinh tế, mua hàng chọn lọc và được ví như “nhóm nổi dậy”, sẵn sàng mua những gì mình thích. Đây là cơ hội cho các thương hiệu Việt muốn tìm hiểu nhu cầu để phục vụ nhóm người này trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, du lịch...

Cũng theo kết quả nghiên cứu, đến năm 2050, NTD Mỹ gốc châu Á tăng gấp đôi, chiếm 8% dân số. Đây là điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn chào bán những sản phẩm tiêu dùng liên quan đến truyền thống như gia vị, thực phẩm... Bên cạnh đó, thành phần gia đình ở Mỹ và các nước phát triển cũng thay đổi: thêm nhiều người độc thân có con, hai vợ chồng không có con và nhiều người sống độc thân. Những thương hiệu Việt mang tính tiện ích phục vụ cho những đối tượng này có thể thành công tại một số nước tiên tiến.


Nguồn tin: Báo Nhân Dân
Báo cáo phân tích thị trường