Lượng điều nhân xuất khẩu của các doanh nghiệp hiện nay khoảng 152.000 tấn, đạt 650 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay, nhờ giá trên thị trường thế giới phục hồi. Nhưng nếu đi sâu vào tìm hiểu, ngành điều nước ta lại đứng trước quá nhiều thách thức để có thể đứng vững ở ngôi vị này.
Bị cạnh tranh quyết liệt bởi cây trồng khác
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh, cây điều có tốc độ phát triển cao nhất trong các loại cây trồng thời gian dài, đưa VN trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2006, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng nửa triệu lao động. Nhưng ngành điều lại bộc lộ nhiều hạn chế. Thu nhập người trồng điều chưa cao (khoảng 20 triệu đồng/ha), thấp hơn cây cao su (60-70 triệu đồng/ha), ca cao (70 triệu đồng/ha), cà phê, mía…
Để ngành điều phát triển ổn định, không bị cây cao su, khoai mì… cạnh tranh gay gắt ở nhiều địa phương như hiện nay, nhất là Bình Phước - thủ phủ cây điều, đòi hỏi phải có giống mới, đưa năng suất tăng cao hơn, giúp nâng cao thu nhập của bà con. Bộ NN-PTNT cho rằng, đến năm 2010 diện tích cây điều sẽ bị giảm xuống còn khoảng 400.000 ha thay vì 465.000 ha như hiện nay bởi sự lấn sân của cây trồng khác. Trong khi đó, thiếu sót của Bộ NN-PTNT là chưa giải quyết triệt để vấn đề sâu bệnh, bảo vệ điều như một cây trồng chủ lực.
Dù là quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu điều nhân song những nhà chế biến điều VN không khỏi băn khoăn khi những mặt hạn chế của ngành hàng này luôn lặp lại. Trước hết là vấn đề gian lận thương mại trong thu mua điều thô của các thương lái khi cung cấp cho nhà máy như ngâm nước, trộn tạp chất… Đây là điều mà các nhà máy kêu ca bao lâu nay vẫn chưa giải quyết được. Vấn đề vốn vay ngân hàng để mua hạt điều là điều bất hợp lý kéo dài. Hàng năm, ngân hàng cho vay trong vài tháng khi vào vụ nên bằng mọi giá nhà máy phải tranh thủ để sớm có thật nhiều vốn và sau đó là cuộc tranh mua quyết liệt giữa các nhà máy, nhiều lúc đẩy giá nguyên liệu lên cao hơn giá xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Thái Học, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cây điều VN, khi nhà máy làm ăn thua lỗ, ngân hàng giảm định mức vay xuống còn 50%, càng đẩy doanh nghiệp vào thế bí.
Đường nào cũng khó
Quyền Chủ tịch Hiệp hội Cây điều VN (Vinacas) Nguyễn Đức Thanh cho biết, Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Mỹ (AFI) vừa đưa ra bộ tiêu chuẩn mới, rất khắt khe sẽ áp dụng trong thời gian tới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỹ tiêu thụ 60% điều nhân thế giới, và VN xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ (chiếm 40% lượng xuất khẩu). Nếu Mỹ áp dụng bộ tiêu chuẩn này thì các nước EU cũng sẽ thực hiện theo. Trong khi đó, trên 60% cơ sở chế biến của VN chưa đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm mà Mỹ đặt ra.
Khan hiếm lao động hiện đang là vấn đề nan giải khác, đe dọa đến sự hoạt động ổn định của các nhà máy. Chế biến hạt điều là ngành sử dụng rất nhiều lao động (hiện nay là trên 300.000 người). Nhưng khi kinh tế phát triển, nhiều khu công nghiệp các tỉnh mọc lên, thu hút một lượng lớn lao động ngành điều sang lĩnh vực khác. Để có đủ nhân công cho chế biến, nhà máy phải nâng lương làm chi phí tăng hơn 10% so với trước kia và còn phải tiếp tục tăng để có thể giữ chân người lao động. Tuy vậy, các nhà máy chỉ có thể hoạt động 50%-60% công suất do khan hiếm nhân công. Với tình hình này, nguồn cung lao động sẽ càng khó khăn thêm trong những năm tới.
Theo các doanh nghiệp, có 2 phương án cho bài toán này: tăng lương cho công nhân hoặc phải thay đổi công nghệ bóc tách vỏ hạt điều (ít sử dụng lao động). Nhưng đường nào cũng khó vì sẽ làm giá thành đội lên. Theo những người am hiểu, VN chiếm ngôi vị số 1 do Ấn Độ cũng lâm vào tình trạng khan hiếm lao động khiến lượng chế biến xuất khẩu bị giảm mạnh. VN rồi sẽ rơi vào tình trạng này nếu không kịp thời làm một cuộc “cách mạng” thứ hai về đổi mới công nghệ, sau khi đã thành công lần thứ nhất cách nay trên 10 năm (dùng công nghệ VN để chế biến điều nhân thay vì xuất khẩu điều thô).
Hiện nay, nhiều nhà máy đã nhập máy bóc vỏ lụa của Ý, lên đến hàng trăm ngàn USD/máy, nhưng cũng chỉ giảm được khoảng 20-30 lao động/máy, nếu đáp ứng đủ công suất thì chi phí này lên đến cả triệu USD. Nhiều người cho rằng, nếu công nghệ VN được nghiên cứu cải tiến chi phí có thể chỉ bằng từ 1/5 so với thiết bị ngoại nhập, nhưng chính sách hỗ trợ về nghiên cứu công nghệ cho những mặt hàng chủ lực xuất khẩu như cây điều, gặp nhiều khó khăn trong quá trình xem xét nên đến nay chưa tiến triển nhiều. Những khó khăn này đang thách thức vị trí xuất khẩu số 1 của ngành điều VN.