Tình hình xuất khẩu gạo thế giới tháng 11/2007:
Tại Thái Lan: Giá gạo xuất khẩu Thái Lan tăng mạnh trong tháng 11/07, thêm khoảng 10-15 USD/tấn trong bối cảnh Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, còn Việt Nam tiếp tục cấm ký hợp đồng xuất khẩu mới. So với cùng kỳ năm trước, giá gạo của Thái Lan hiện đã tăng 28-31 USD/tấn, của Việt Nam tăng 35-37 USD/tấn. Nhu cầu lúc này dồn vào Thái Lan. Khách hàng Trung Quốc tích cực mua gạo Hương nhài, trong khi Iran tìm mua gạo 100% B và 5% tấm, còn Nigeria, Senegal và nhiều nước châu Phi tích cực mua gạo đồ và 25% tấm. Xuất khẩu gạo đồ Thái Lan sang châu Phi có thể đạt 3 triệu tấn vào 2008, tăng mạnh so với dự kiến 2,5 triệu tấn năm 2007, và càng cao hơn so với 1,8 triệu tấn/năm gần đây.
Các nhà xuất khẩu Thái Lan đang tranh thủ xuất khẩu gạo khi nhu cầu mạnh và giá cao. Hiện họ đang bận rộn hoàn tất những hợp đồng đã ký, không thể ký thêm hợp đồng giao trong năm nay. Nhiều nhà xuất khẩu đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo 5% tấm với giá 330 USD/tấn, mà nay giá lên tới 342-352 USD/tấn, mà thậm chí vẫn khó thu gom gạo ngay cả với giá cao như vậy, bởi nguồn cung khan hiếm. Thái Lan bắt đầu bước vào mùa thu hoạch gạo mới, song phải đến giữa tháng 12 mới có gạo mới bán ra thị trường. Hiện hầu hết các nhà cung cấp Thái Lan đã nhận đơn đặt hàng tới tận đầu năm tới, do vậy họ chỉ có thể ký thêm hợp đồng nếu không thiếu tàu chuyên chở gạo. Thiếu tàu thuỷ khiến khách hàng phải chuyên chở gạo bằng container. Vậy nếu mua 2000 tấn, họ sẽ cần rất nhiều containers.
Bên cạnh đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo phi-basmati, trong đó có cả gạo đồ, khiến khách hàng, nhất là châu Phi, buộc phải tìm đến với Thái Lan - nguồn cung gạo đồ duy nhất trong khu vực lúc này. Điều đó đã làm cho giá xuất khẩu gạo đồ Thái Lan đã tăng mạnh một cách bất thường. Thường thì giá gạo đồ không cao hơn so với giá gạo trắng, rẻ hơn khoảng 5% so với gạo 100% B. Vậy mà hiện nay, giá gạo đồ lên tới 374 USD/tấn, FOB Bangkok, trong khi gạo 100% B chào giá 350 USD/tấn.
Tại Ấn Độ: Ấn Độ đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo phi – basmati, đầu tiên là cho phép xuất khẩu gạo chất lượng cao có giá trên 425 USD/tấn, theo kiến nghị của nông dân và các nhà xuất khẩu, để tận dụng cơ hội giá gạo tăng cao trên thị trường thế giới, và tiếp đến là cho phép xuất khẩu gạo giá dưới 400 USD/tấn sang Bănglađét vì mục đích nhân đạo, sau khi Bănglađét bị bão lụt trầm trọng. Ấn Độ là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới tính theo khối lượng. Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo đã làm gia tăng sức cạnh tranh cho nước láng giềng Pakistan và cho cả Thái Lan. Một số nước châu Phi phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung gạo Ấn Độ.
Tại Việt Nam: Các nhà xuất khẩu Việt Nam tiếp tục thực hiện những hợp đồng đã ký, trong bối cảnh nguồn cung không dồi dào và giá tăng mạnh trên thị trường nội địa.
Tại Trung Quốc: Trung tâm Giao dịch Dầu và Ngũ cốc Quốc gia dự báo giá gạo nước này sẽ tiếp tục cao từ nay đến hết năm do lạm phát và chi phí sản xuất dự báo sẽ tăng lên. Giá gạo chất lượng trung bình hiện giá 1.600-1.800 NDT/tấn. Tuy nhiên, khả năng giá tăng hơn nữa bị hạn chế bởi sản lượng gạo trong nước năm nay sẽ tăng so với năm ngoái. Sản lượng gạo vụ sớm năm nay đạt 31,96 triệu tấn, gần như mức năm ngoái. Tổng sản lượng gạo hai vụ giữa và muộn, dự báo sẽ đạt 147,25 triệu tấn, tăng 1,9 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Gạo vụ giữa và muộn ở 16 khu vực chiếm khoảng 94% tổng sản lượng gạo cả năm.
Theo dự báo mới nhất của Uỷ ban Ngũ cốc Quốc tế (IGC), mậu dịch gạo toàn cầu sẽ tăng 1% trong năm 2008, lên 29,6 triệu tấn, so với 29,3 triệu tấn năm 2007. IGC dự báo nhập khẩu gạo vào Viễn đông Á sẽ giảm 200.000 tấn xuống 8,4 triệu tấn trong năm 2008, do dự trữ gạo quốc gia và sản lượng thóc đều tăng ở Indonexia - một thị trường tiêu thụ lớn. Nhập khẩu vào Indonexia dự kiến sẽ giảm 200.000 tấn xuống 1,2 triệu tấn, trong khi nhập khẩu vào châu Phi sẽ giảm 100.000 tấn xuống 9,1 triệu tấn bởi triển vọng nguồn cung ở châu lục này sẽ tăng lên. Tuy nhiên bù lại, nhập khẩu vào Trung Quốc (Chủ yếu là gạo thơm) và một số nước khác sẽ tăng lên. Nhập khẩu vào Irắc và Arập Xêút dự báo sẽ hồi phục nhẹ, trong khi nhập vào Cuba, Mỹ, Braxin và Nga sẽ tăng nhẹ.
IGC cho rằng tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường gạo sẽ còn tiếp diễn trong năm tới, đồng thời nêu ra những chính sách hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ và Vịêt nam – hai trong số những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, những chính sách này sẽ được điều chỉnh vào quý I/2008. Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2008 dự báo sẽ hồi phục lên 4,7 triệu tấn, so với 4,55 triệu tấn năm nay, trong khi của Ấn Độ có thể giảm 100.000 tấn xuống 4,1 triệu tấn.
Dự báo Thái Lan sẽ vẫn là nguồn cung cấp chính cho nhu cầu nhập khẩu tăng trong năm 2008 nhờ lượng dự trữ quốc gia còn nhiều, 2 triệu đến 2,5 triệu tấn. Được hỗ trợ bởi nhu cầu gạo tấm mạnh, cộng với việc tăng cường xuất khẩu gạo thơm, nhất là sang Trung Quốc, xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2008 sẽ đạt 9 triệu tấn.
Giá gạo xuất khẩu trên thị trường châu Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục vững đến tăng từ nay tới cuối năm, trong bối cảnh nguồn cung tăng lên khi Thái Lan thu hoạch vụ mới, song nhu cầu rất mạnh, khi nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, tích cực mua gạo chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Thái Lan tiếp tục điều khiển thị trường xuất khẩu gạo châu Á trong những tuần tới, và xuất khẩu gạo nước này năm nay khả năng sẽ đạt 8,5-9 triệu tấn.
Tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam tháng 11/2007:
Sau khi tăng mạnh về lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu trong những tháng trước, tình hình xuất khẩu gạo trong tháng 11/2007 diễn ra vô cùng trầm lắng với lượng gạo xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhấp trong vòng nhiều tháng trở lại đây. Nguyên nhân chính do mục tiêu xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo trong năm 2007 đã tiến gần về đích. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2007, các doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu vẻn vẹn 70,1 nghìn tấn gạo, trị giá 23,2 triệu USD, giảm 78% về lượng và 79% về kim ngạch so với tháng 10/07; giảm 63% về lượng và 57% về kim ngạch so với tháng 11/06. Như vậy, kết thúc 11 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,435 tỷ USD với lượng xuất khẩu đạt xấp xỉ 4,4 triệu tấn, mặc dù giảm nhẹ 4% về lượng nhưng vẫn tăng 14% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2006.
Dự báo trong tháng cuối cùng của năm 2007, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục được giá với kim ngạch đạt khoảng 30 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này trong năm 2007 đạt xấp xỉ 1,47 tỷ USD, vượt xa so với cùng kỳ năm trước khoảng 16%, vững chắc ở vị trí thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới.
Với mức tăng trưởng đạt kết quả khả quan như vậy, có thể nói, 2007 thực sự là năm thắng lợi của xuất khẩu gạo Việt Nam mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn cung do những ảnh hưởng về thiên tai và sâu bệnh.
Từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu gạo Việt Nam luôn ở mức cao. Tính đến thời điểm này, xuất khẩu gạo trong tháng 10/07 được giá nhất với 352 USD/tấn – mức cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, sang tháng 11/07, giá xuất khẩu giảm 22 USD xuống còn 330 USD/tấn, cao hơn 41 USD/tấn so với tháng 11/06. Kết thúc 11 tháng đầu năm 2007, bình quân giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 326 USD/tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 52 USD/tấn. Đáng chú ý, lần đầu tiên giá gạo Việt Nam xuất khẩu ngang bằng với gạo Thái Lan cùng cấp các loại. Thậm chí có những thời điểm giá gạo loại 25% tấm của Việt Nam đã trúng thầu cao hơn gạo Thái Lan 8 USD/tấn. Xuất khẩu gạo được giá đã tác động mạnh đến giá thu mua gạo trong nước. Điều này đã giúp làm tăng thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo năm 2007 cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết là việc thu mua gạo vẫn gặp nhiều khó khăn do giá gạo trong nước tăng cao cùng với nguồn cung vẫn bị hạn chế bởi nhiều yếu tố. Do vậy, khó khăn trong công tác điều hành và kế hoạch xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong năm tới là phải cân đối giữa lượng gạo xuất khẩu cũng như giá thu mua ở mức cao nhưng không quá tác động tới giá cả trong nước. Bên cạnh đó, trong năm 2007, chi phí vận chuyển cũng đã tăng tới 60-70%, nhiều doanh nghiệp không thuê được tàu để vận chuyển. Điều này làm giảm hiệu quả xuất khẩu của các doanh nghiệp do thời gian giao hàng kéo dài, chi phí tăng lên và doanh nghiệp có thể không đảm bảo thời gian giao hàng với các đối tác.
Theo Tổ điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương, trong năm 2008 giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục ở mức cao, gạo 25% tấm có thể đạt trên 320 USD/tấn, gạo 5% tấm cũng có thể ở mức 340 USD/tấn trở lên.
Dự kiến, XK gạo năm 2008 có thể đạt 4,5 triệu tấn. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo chi phí sản xuất tăng, giá phân bón tăng... nên chi phí sản xuất lúa trong vụ đông xuân năm 2008 có thể lên tới 1.800 đồng/kg. Vì thế, giá lúa thu mua cho nông dân cũng có thể lên tới 3.600-3.700 đồng đồng/kg.