Để thu hút được khách hàng trong bối cảnh trên đòi hỏi các CTCK phải có sự đầu tư, đổi mới cơ sở và công nghệ, thay vì thực hiện theo các thao tác thủ công như trước. Trong đó, đáng chú ý là phương pháp giao dịch trực tuyến qua Internet.
Theo các chuyên gia CK, đối với một thị trường đang phát triển, có nhiều thay đổi mang tính cạnh tranh, thách thức và hạn chế. Như vậy, để thành công, điều trước tiên phải làm đối với CTCK là đổi mới công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT trong giao dịch mua bán CK, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch.
Trong khi đó, hiện các CTCK tham gia thị trường vẫn chưa có sự đầu tư kỹ lưỡng về công nghệ thông tin. Các thao tác nhập và chuyển lệnh vẫn được làm bằng thủ công. Muốn mua bán CK, hầu hết NĐT phải trực tiếp đến sàn, ảnh hưởng đến công việc và hao tốn chi phí cho việc đi lại.
Các chuyên gia CK cho rằng, điểm mấu chốt là hiểu và biết chiến lược phục vụ khách hàng. CTCK phải chọn một giải pháp phần mềm cho phép thực hiện chiến lược trên, đồng thời đảm bảo giải pháp đó khả thi trong những điều kiện thực tế mà Cty hoạt động.
Nắm bắt được cơ hội này và nhận thấy được điểm yếu vì gia nhập thị trường muộn hơn, gần đây các CTCK mới ra đời đã nhanh chóng bỏ vốn đầu tư công nghệ bằng cách mua phần mềm hiện đại từ nước ngoài.
Trước xu thế trên, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ trong ngành CK từ các nước trên thế giới đã đổ xô đến VN để sớm tiếp cận CTCK cung cấp giải pháp công nghệ trị giá lên đến hàng triệu USD.
Đơn cử như DST International (DSTi) - Cty 100% thuộc quyền sở hữu của DST Systems (Mỹ), gần đây đã tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng tại thị trường VN. Cụ thể là CTCK SBS, WSS. Vừa mới tham gia thị trường cuối năm 2007, nhưng CTCK Phố Wall (WSS) đã hợp tác với DSTi triển khai giải pháp giao dịch CK đã được bản địa hóa phù hợp với TTCKVN.
WSS cho biết, tổng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ dự kiến khoảng 1,5 - 2 triệu USD. Phần mềm của DSTi sẽ giúp WSS nhanh chóng triển khai phương thức giao dịch trực tuyến, vì có phần mềm kết nối tốt với HoSE và HaSTC.
Theo Ông Anurug Ruangrob, TGĐ DSTi, lợi ích của DSTi's Trading Solutions là hỗ trợ trong giao dịch CP, giao dịch các công cụ phái sinh và giao dịch thông qua Internet. Chính vì vậy, giải pháp này đã giành được thành công tại TTCK Thái Lan, với việc nắm giữ hơn 50% thị phần quản lý giao dịch. Còn ở VN, tính đến thời điểm cuối năm 2007, DSTi đã có một số lượng các khách hàng tên tuổi như VinaCapital, Dragon Capital, HoSE.
Bên cạnh DSTi, mới đây Calgie Vietnam, chi nhánh của Calgie International (Mỹ) đã giới thiệu giải pháp phần mềm toàn diện đến các CTCK và quản lý quỹ VN bao gồm: iProfile Brokerage, iProfile Portfolio Management, iProfile Accounting, InfoCentrix Call Center. Đặc biệt, Calgie Vietnam còn cung cấp giải pháp an ninh cho giao dịch điện tử khi xu hướng mua bán CK qua mạng tại VN dự báo sẽ bùng nổ trong tương lai...
Đặc trưng của quy trình giao dịch hiện nay tại các CTCK VN là mức độ xử lý bằng tay cao. Quá trình thanh toán bù trừ hiện nay cũng gần như được làm hoàn toàn bằng thủ công. Trong chu trình T+3, các Cty giao dịch CK phải nhập và báo cáo thông tin thanh toán bù trừ từ các sở giao dịch, NH thanh toán và đối chiếu nó với các lệnh của họ.
Vì vậy, theo các chuyên gia trong ngành công nghệ, cần có các giao diện độc quyền cho HoSE và HaSTC để phát hiện giá và cho kết quả giao dịch cùng lúc với các quy trình trên. Đây chính là cơ hội cho các nhà cung cấp giải pháp phần mềm trong ngành CK đến từ các nước trên thế giới.