Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ảnh hưởng của việc Trung Quốc hội nhập WTO đến các nước khác
18 | 09 | 2007
Đối với Mỹ, nơi mà giới kinh doanh rất quan tâm đến thị trường Trung Quốc, hiện nay các công ty của Mỹ có thể bán một khối lượng hàng lớn trên thị trường Trung Quốc. Ngược lại, về phần mình, việc gia nhập vào WTO giúp Trung Quốc có thể xuất khẩu một lượng hàng hoá khổng lồ ra các thị trường quốc tế để thu ngoại tệ nhập khẩu lại các mặt hàng khác.
Hiện tại Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, nhất là hàng may mặc. Từ trước tới nay, hàng may mặc xuất khẩu của Trung Quốc bị hạn chế bởi hệ thống hạn ngạch của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là EU. Tuy nhiên, dự kiến chỉ trong vòng hai năm tới tình trạng này sẽ thay đổi. Khi đó, Trung Quốc có cơ hội mở rộng khối lượng hàng may mặc sản xuất và xuất khẩu. Hiện nay, Trung Quốc là nước có ưu thế lớn về sản xuất hàng may mặc so với các nước khác. Thị phần xuất khẩu của các nước Đông Nam Á như Philipin, Thái Lan và Malaysia có thể sẽ rơi vào tay Trung Quốc. Ngay cả Mêhicô cũng có nguy cơ bị chiếm mất thị trường. Với việc gia nhập NAFTA và lợi thế về địa lý gần với Mỹ, thị phần của Mêhicô đã tăng đáng kể, tuy nhiên, Mêhicô khó có thể giữ được thị phần khi hệ thống hạn ngạch bị dỡ bỏ.

Thách thức đối với các nước phương Tây là phải chuẩn bị tinh thần chấp nhận hàng hoá của Trung Quốc tràn vào thị trường của mình nhiều hơn. Hiện nay, người tiêu dùng các nước phương Tây chuyển sang mua rất nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, chẳng hạn như giày da, đồ chơi và sắp tới có thể là hàng may mặc, các đồ dùng điện tử, không lâu nữa là máy tính và các sản phẩm công nghệ thông tin. Trong thời gian vừa qua, cán cân thương mại của Tây Âu và Mỹ với Trung Quốc đã thâm hụt mạnh. Năm 2001, lần đầu tiên, thâm hụt thương mại của Tây Âu và Mỹ đối với Trung Quốc cao hơn so với Nhật Bản. Trong hơn một thập kỷ, thương mại giữa các nước Tây Âu và Mỹ với Nhật Bản luôn ở mức thâm hụt. Tuy nhiên, hiện nay, vị trí này đã được thay thế bằng Trung Quốc và chắc chắn khi thực thi các điều khoản của WTO tình trạng này còn tiếp tục tiếp diễn.

Một trong những mối lo ngại của các nước, đặc biệt là các nước Đông Nam á, là dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chảy mạnh vào Trung Quốc. Đầu thập kỷ 1990, có đến 80% vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào các nước Đông và Đông Nam á, trừ Nhật Bản, còn Trung Quốc chỉ chiếm 20%. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng này đã đảo ngược, 80% thậm chí hơn 80% vốn đầu tư nước ngoài được rót vào Trung Quốc, và chỉ một phần rất nhỏ là vào Đông Nam á. Khi Trung Quốc thực hiện tự do hoá các lĩnh vực viễn thông, tài chính, dịch vụ, vốn là những lĩnh vực vô cùng hấp dẫn và béo bở, đầu tư nước ngoài sẽ càng chảy mạnh vào Trung Quốc. Vì vậy, các nước trong khu vực Đông Nam á cần phải đẩy mạnh công cuộc cải tổ hoặc tìm ra biện pháp tận dụng hết hiệu quả và thu hút thêm nguồn vốn đầu tư này.

Tóm lại, Trung Quốc đang trên đường trở thành một cường quốc kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù có rất nhiều rủi ro trong hệ thống tài chính, sự yếu kém của doanh nghiệp nhà nước, thất nghiệp, duy trì ổn định chính trị, song nếu vượt qua được những trở ngại này, trong 10 năm tới, chắc chắn Trung Quốc sẽ nổi lên là một trong số những nước sản xuất công nghệ thông tin hàng đầu thế giới và là nước có hoạt động thương mại lớn thứ hai trên thế giới.

Trung Quốc đã có một bước tiến rất mạnh, là một nước xếp thứ 17 vào cuối thập kỷ 1970, hiện nay, Trung Quốc đã đứng thứ 7 về thương mại. Dự kiến, trong vòng 4-5 năm nữa, Trung Quốc sẽ vươn lên thứ 4 và sau đó vượt Đức, Nhật Bản để trở thành nước lớn thứ hai về thương mại trên thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, nhất là trong thời gian ngắn, Trung Quốc cần phải giải quyết được những trở ngại trên, đặc biệt phải duy trì được sự ổn định chính trị trong khi tình trạng thất nghiệp tăng lên, nhất là những năm gần đây khi Trung Quốc tiến hành thuyên chuyển lao động từ những lĩnh vực không có khả năng cạnh tranh sang các lĩnh vực mới. Một trở ngại lớn nữa là cần phát triển một hệ thống tài chính hiện đại, định hướng thị trường.

Nhìn chung, quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế đều chứa đựng nhiều rủi ro và hết sức mạo hiểm nếu các nước như Mỹ, Nhật Bản và các nước phát triển khác tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ. Khi đó, Trung Quốc sẽ ít có cơ hội mở rộng các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động bởi tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh tương ứng với sức ép cạnh tranh của nước ngoài lên các ngành sản xuất nội địa như nông nghiệp và công nghiệp nặng. Và điều này có thể dẫn tới khả năng Trung Quốc sẽ đi ngược với những gì đã cam kết với WTO.


Nguồn: www.vietnamchinalink
Báo cáo phân tích thị trường