Sau một thời gian khá dài ảm đạm, sáng nay không khí hồ hởi đã trở lại với các sàn chứng khoán. Ngay từ khi mở cửa thị trường, các lệnh đặt mua với khối lượng lớn đã ồ ạt đổ vào hệ thống.
Kết thúc đợt khớp lệnh mở cửa, chỉ số Vn-Index tăng một mạch 33,34 điểm (tương đương 4,1%) lên sát ngưỡng 850 điểm. Khối lượng giao dịch trong đợt này cũng tăng rất mạnh lên mức 3 triệu đơn vị, giá trị giao dịch tương ứng đạt 264,8 tỷ đồng.
Các công ty chứng khoán được phen bận túi bụi bởi suốt từ đợt 1 cho đến giữa đợt khớp lệnh liên tục, các lệnh đặt mua, đặt bán và lệnh hủy, sửa liên tục được đẩy vào hệ thống. Tuy nhiên, đến cuối đợt hai, không khí dần ổn định trở lại. Kết thúc thời gian khớp lệnh này, chỉ số Vn-Index tăng tới 37,07 điểm (tương ứng mức tăng 4,56%).
Hơn 10 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được chuyển nhượng trong đợt khớp lệnh thứ hai, giá trị lên tới 834,8 tỷ đồng - cao hơn giá trị giao dịch của cả phiên hôm qua.
Đến cuối phiên, chỉ số Vn-Index tăng chậm lại, ở mức 31,49 điểm (3,87%) lên 843,1 điểm. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thông qua khớp lệnh toàn phiên vọt lên 12,2 triệu đơn vị, trị giá 1.005,1 tỷ đồng.
Bảng chứng khoán điện tử phủ đậm một màu xanh, với 143 mã tăng giá. Màu đỏ chỉ le lói trên 3 mã là SAF, VHG và VNM.
Một loạt tin tốt được tung ra trong một thời gian ngắn khiến bên mua hôm nay không thể chần chừ. Trong khi đó, những nhà đầu tư trung và dài hạn cho biết, với Vn-Index ở mức dưới 900 điểm như hiện nay, họ vẫn lỗ khoảng 30% nên chưa vội bán ra. Những người đẩy hàng đi hôm nay chủ yếu là các tay lướt sóng, mua được hàng giá rẻ trong thời gian thị trường điều chỉnh sâu.
Cung không nhiều trong khi cầu lớn nên để mua được hàng, nhà đầu tư sẵn sàng đặt giá kịch trần. Bất kỳ lệnh bán nào tung ra đều được bên mua vét sạch tới đó. Tính chung cả phiên có tới 137 mã "đụng trần", trong đó có rất nhiều cổ phiếu bluechip. Dư bán của đa số các mã chỉ còn bằng 0.
Trong số 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất thị trường, chỉ có VNM của Vinamilk giảm giá, còn lại đều tăng kịch trần.
Cụ thể, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank tăng 3.000 đồng lên 64.500 đồng; DPM của Đạm Phú Mỹ tăng 3.000 đồng lên 68.000 đồng; FPT của Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT tăng 9.000 đồng lên 200.000 đồng; PPC của Nhiệt điện Phả Lại tăng 2.500 đồng lên 57.500 đồng; SSI của Chứng khoán Sài Gòn tăng 6.000 đồng lên 144.000 đồng.
Diễn biến của VNM sáng nay khá bất ngờ. Ở hai đợt khớp lệnh đầu tiên, cổ phiếu này vẫn tăng trần, song đúng vào những giây phút cuối cùng của đợt 3, một lệnh bán bất ngờ được tung ra khiến cổ phiếu này phải "đo sàn" ở mức 136.000 đồng.
Như vậy, hôm nay là phiên thứ 4 liên tiếp thị trường đi lên. Theo nhận định của giới chuyên gia, khi thị trường đi lên liên tiếp trong vòng 4 phiên và giá trị giao dịch cũng tăng dần thì thị trường chắc chắn sẽ hình thành xu thế tăng giá. Mặc dù vậy, rất có thể trong phiên giao dịch ngày thứ 5 hoặc thứ 6 tới, thị trường sẽ điều chỉnh nhẹ, sau đó, qua Tết Nguyên đán mới tăng mạnh mẽ.
Sàn Hà Nội cũng trải qua một phiên giao dịch cực kỳ sôi động sáng nay với đa số cổ phiếu lên điểm mạnh mẽ. Đóng cửa thị trường, chỉ số Hastc-Index tăng tới 18,07 điểm (tương ứng 6,49%).
Khối lượng và giá trị giao dịch cũng tăng rất mạnh, từ mức 4,5 triệu đơn vị phiên trước lên mức 6,5 triệu. Giá trị cũng tăng từ 344,6 tỷ đồng lên mức 527,9 tỷ đồng.
Quyết định sửa chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước là nguyên nhân chính tác động tới diễn biến của thị trường sáng nay. Hôm qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (SBV) Nguyễn Đồng Tiến cho biết, SBV sẽ điều chỉnh chỉ thị này theo hướng không áp dụng tỷ lệ cố định mà để cho các tổ chức tài chính tín dụng cho vay theo năng lực và khả năng của mình.
Đáng chú ý, dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán sẽ tăng lên mức 15-20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ông Tiến cũng nhấn mạnh, tỷ lệ này sẽ không áp dụng cứng nhắc mà sẽ áp dụng linh hoạt cho từng ngân hàng tùy theo khả năng của họ.