Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Điều được giá nhưng mất mùa
10 | 03 | 2008
Đồng Nai đang vào vụ thu hoạch điều với giá điều tăng cao, vượt ngưỡng 16.000 đồng/kg hạt. Tuy hạt điều tăng giá nhưng đa số người trồng điều trong tỉnh lại không vui, vì thời tiết lạnh kéo dài, kèm theo mưa nghịch vụ vào đúng thời điểm điều ra bông dẫn đến tình trạng khô bông, khô trái hàng loạt, khiến sản lượng thu hoạch chỉ bằng 2/3 so với năm trước.

* Khổ vì thời tiết

Mùa khô 2007-2008, thời tiết tương đối khắc nghiệt, ngày nắng nóng, đêm lạnh và sáng sớm có sương mù kèm theo mưa trái vụ đã làm gần 9 ngàn hécta điều trong tỉnh bị bọ xít muỗi đỏ, bọ trĩ và nhiễm bệnh thán thư dẫn đến tình trạng khô bông, khô trái hàng loạt. Huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh có đến trên 2 ngàn hécta điều bị khô bông, khô trái với tỷ lệ từ 10-18% làm giảm năng suất khoảng 30 - 60%.

Ông Đặng Quốc Hòa ở ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường (Xuân Lộc) cho biết: "Tôi có khoảng 6 hécta điều, năm 2007 tôi thu 1,8 tấn/hécta nhưng năm nay có lẽ chỉ đạt 0,8 tấn/hécta. Cũng may giá tăng cao nên trừ chi phí đầu vào, công chăm sóc và công thu hoạch, chắc chỉ huề vốn". Còn ông Nguyễn Văn Thuận ở ấp 3, xã Xuân Hòa cho hay: "Năm nay phân bón, dầu đều tăng cao, do vậy thấy điều tăng giá bà con trồng điều tụi tôi ai cũng mừng. Nhưng không may gặp thời tiết khắc nghiệt, vụ điều này nhiều người bị thất thu. Nhà tôi có 1 hécta điều năm thứ 14, vụ trước thu hoạch được gần 1 tấn hạt nhưng năm nay có lẽ chỉ được khoảng 6 tạ hạt là cao".

Bà Nguyễn Thị Dịu, Trưởng trạm bảo vệ thực vật Long Khánh - Xuân Lộc, cho hay ở những vùng đất pha cát đen có tỷ lệ điều bị bệnh khô bông, khô trái cao hơn. TX. Long Khánh tỷ lệ khô bông, khô trái chỉ khoảng 10% diện tích, còn ở huyện Xuân Lộc có vườn tỷ lệ lên đến 18%. Cũng may ngay từ đầu vụ, Trạm đã đồng loạt mở các lớp hội thảo về chăm sóc cây điều cho nông dân ở các xã có diện tích điều lớn nên bà con cũng ý thức được việc chăm sóc cây điều tốt để tăng sức đề kháng giảm tỷ lệ nhiễm bệnh. Bà Dịu cho biết hầu hết các xã trồng điều đều bị tình trạng khô bông, khô trái, những xã bị nhiều là Suối Cao, Xuân Hưng, Xuân Hòa, Xuân Trường (huyện Xuân Lộc); xã Hàng Gòn, Bảo Quang, Bảo Vinh (TX. Long Khánh).

* Để khống chế dịch hại trên cây điều

Kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Phương Chi, cán bộ Phòng Kỹ thuật của Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, nói hiện tượng khô bông, khô trái trên cây điều là do bọ xít muỗi, bọ trĩ chích hút nhựa chồi non, bông, trái non và bệnh thán thư gây ra. Thời kỳ cây điều ra hoa đậu trái từ tháng 12 đến tháng 3, khoảng thời gian đó nếu hoa có biểu hiện yếu và thời tiết không thuận lợi như mưa bất chợt, sương nhiều, không khí ẩm thấp, ít nắng, ít gió thì bà con nông dân nên kết hợp phun thuốc trừ sâu và bệnh. Trường hợp xảy ra mưa bất thường vào thời kỳ cây ra bông kết trái thì sau cơn mưa phun thuốc trừ bệnh ngay. Khi phun thuốc, chú ý chỉ phun ướt đều tán lá, chùm hoa, chùm trái non.

Để vườn điều ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao, theo khuyến cáo của Chi cục BVTV tỉnh, nông dân nên thực hiện biện pháp phòng là chính. Sau khi thu hoạch điều từ tháng 4 - 5, bà con nên dọn vườn, cắt tỉa cành tạo thông thoáng cho vườn và đốt các cành bị sâu bệnh để ngăn chặn mầm bệnh phát triển. Cần phải áp dụng một số biện pháp khoa học kỹ thuật để điều ra bông sớm, đồng loạt trước khoảng 20-30 ngày sẽ ít bị bệnh bọ trĩ và thán thư. Nếu vậy, vào tháng 10 bà con nông dân nên bón thêm phân kali đỏ với liều lượng khoảng 300g/cây; phun thuốc thúc lá già nhanh để sớm ra tược mới, sẽ phun tiếp thuốc kích thích cho hoa ra nhanh, nhiều và đồng loạt nhằm tăng cường khả năng đậu trái.



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường