“Nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn là yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng giảm phát của Hoa Kỳ”, nhà kinh tế học hàng đầu của Morgan Stanley, Stephen S. Roach, đã nói như vậy vào tháng 10/2002. Ngân hàng Thế giới cũng phụ hoạ theo rằng “Việc Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào khu vực thị trường ngoài nước sẽ “xuất khẩu” chính sự giảm phát của Trung Quốc ra phần còn lại của thế giới”.
Bây giờ thì tình trạng này đã kết thúc. Vào tháng Ba năm nay, lạm phát bắt đầu xuất hiện ở Hoa Kỳ. Bộ Lao động Mỹ báo cáo rằng trong quý Một năm nay, giá hàng tiêu dùng đã tăng lên với tốc độ 5,1%. Nhưng mặc dù tình hình giá cả đã đảo ngược nhưng có một điều vẫn giữ nguyên, đó là: Trung Quốc vẫn chịu trách nhiệm một phần của tình thế này.
Tuần trước, nhà kinh tế hàng đầu của High Frequency Economics, ông Carl B. Weinberg, viết cho các nhà đầu tư rằng “sự đổ bộ ồ ạt của Trung Quốc vào các thị trường hàng hoá trên thế giới sẽ đẩy mạnh lạm phát tại tất cả các nền kinh tế trên thế giới trong một thời gian dài trừ phi tốc độ tăng trưởng của đất nước này bị chặn lại”. Do sự phục hồi không lấy gì làm chắc chắn trên thị trường lao động và thâm hụt thương mại gây nên tình trạng kinh tế bất ổn kéo dài tại Mỹ, nên triển vọng Trung Quốc nổi lên như một đối thủ cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng khiến các nhà kinh tế, các nhà kinh doanh và chính trị gia đổ tất cả các tai hoạ kinh tế cho đất nước này.
Dường như tất cả các chính trị gia đều phiền muộn vì nỗi lực lượng lao động dồi dào của Trung Quốc chiếm công ăn việc làm của toàn thế giới. Một số cảm thấy bực bội vì thị trường tiêu dùng của Trung Quốc quá lớn, khiến cho Trung Quốc được quyền ra điều kiện cho các nhà kinh doanh và chính trị gia của Mỹ.
Một số điều lo lắng đó là chính xác. Tốc độ phát triển nhanh chóng của Trung Quốc là yếu tố chính đẩy giá hàng hoá lên cao. Năm ngoái, đất nước này đã chiếm tới một nửa sản lượng bê tông, một phần tư sản lượng sắt, một phần năm sản lượng đồng và khoảng 40% sản lượng than của toàn thế giới. Hơn nữa, việc Trung Quốc xâm nhập vào một số thị trường, từ đồ chơi đến áo phông, đã tiêu diệt các nhà sản xuất khác.
Tuy nhiên, theo một số nhà kinh tế khác, dường như Trung Quốc đã khoá tay các doanh nghiệp Mỹ bằng một miếng đòn cung-fu hiểm hóc. Trong một nghiên cứu gần đây, John H. Makin thuộc Viện American Enterprise cho rằng Trung Quốc đang bóp nghẹt lợi nhuận của các công ty Mỹ do việc đất nước này đói nguyên liệu đầu vào khiến giá nguyên liệu thô tăng lên, đồng thời sức lao động dồi dào tại đó khiến cho giá thành phẩm giảm xuống. Ông Makin cho rằng mặc dù lấy đi việc làm trong ngành chế tạo của toàn thế giới, nhưng công nhân Trung Quốc không đi mua sắm mà gửi tiền lương vào tài khoản tiết kiệm, vì thế tạo nên trạng thái mất cân bằng giữa cung tăng vọt và cầu yếu.
Quốc hội Mỹ đang cố gắng tìm phương thuốc cho tình trạng này. Vào tháng Hai, một nhóm thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng đã lập luận rằng đồng tiền giá thấp của Trung Quốc đóng “vài trò chủ chốt” dẫn đến hậu quả Mỹ mất 2,6 triệu việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo, và đệ trình dự luật để dựng lên một hàng rào thuế nhằm chặn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nhưng nhiều nhà kinh tế, trong đó có ông Bhagwati, lập luận rằng Trung Quốc đang bị kết tội oan: “Ảnh hưởng của Trung Quốc đến nền kinh tế Mỹ nhỏ hơn chũng ta tưởng”.
Các nhà phê bình ở Mỹ chỉ ra con số thâm hụt thương mại năm ngoái với Trung Quốc là $124 tỷ như một bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang làm mất ổn định nền kinh tế toàn cầu bằng cách làm cầu tăng quá nhiều và cung quá ít. Nhưng thặng dư thương mại thế giới của Trung Quốc năm ngoái chỉ đạt $16 tỷ - tuy rằng tình trạng này còn khá hơn nhiều so với thâm hụt thương mại thế giới $517 tỷ của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, theo Clyde V. Prestowitz, một cố vấn thương mại của chính quyền Reagan, nay là giám đốc Viện Chiến lược Kinh tế, thì “phần lớn thâm hụt trong thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc là phần chuyển từ thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Hàn Quốc và Đài Loan sang. Hầu hết những gì mà Trung Quốc bán sang cho Mỹ đều là những hàng hoá mà Mỹ đã thôi không sản xuất nữa từ những năm 1970 và 1980.”
Các nhà kinh tế khác cũng cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đến giá cả đã bị thổi phồng. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà kinh tế thuộc Cục Dữ trữ Liên bang đã cố gắng tính mức độ xuất khẩu lạm phát hoặc giảm phát thực sự của Trung Quốc sang các bạn hàng. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng Trung Quốc quá nhỏ để có thể làm được điều này: “Trung Quốc chỉ chiếm 5% giá trị hàng xuất khẩu thế giới và tổng thu nhập quốc nội thế giới; và ảnh hưởng của kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đối với giá hàng hoá thế giới mặc dù có nhưng rất nhỏ”.
Nỗi sợ về hiểm hoạ châu Á đã đến và đã qua đi. Cuộc suy thoái đầu thập niên 90 đã dấy lên nỗi lo rằng Nhật Bản sẽ trở thành cường quốc kinh tế số Một thế giới, đã mở đầu một thời kỳ chống Nhật khiến cho những chiếc Toyota đã phải chịu sự tấn công dữ dội của chính sách Mỹ.
Lý do lớn nhất khiến người dân Mỹ lo lắng về Trung Quốc không phải là ảnh hưởng kinh tế của đất nước này tại thời điểm hiện nay mà là trong tương lai kia. Theo Goldman Sachs, nền kinh tế Trung Quốc sẽ mạnh hơn nền kinh tế Mỹ vào khoảng năm 2041. Ông Prestowitz của Viện Chiến lượng Kinh tế nói: “Trung Quốc có khả năng thay thế vị trí số Một của Hoa Kỳ”.
Ô ng Weinberg cũng thuộc High Frequency nói rằng người Mỹ sẽ thôi không lo ngại về hiểm hoạ châu Á nữa khi họ cảm thấy dễ chịu hơn về nền kinh tế của chính nước mình. Ông nói: “Nếu chúng ta tạo ra được thêm 200,000 việc làm nữa thì chẳng ai còn lo lắng về Trung Quốc nữa”. Khi đó có lẽ Hoa Kỳ sẽ coi là Trung Quốc tạo nên các ảnh hưởng tích cực: là người cung cấp các sản phẩm chế tạo rẻ và góp phần giữ cho giá tiêu dùng của Mỹ ở mức thấp; là một thị trường xuất khẩu quan trọng; và góp phần vào sự phục hồi nền kinh tế Mỹ bằng cách giữ mức lãi suất thấp.
Và trên thực tế thì ngay khi mối lo giảm phát vừa tiêu tan, ông Roach thuộc Morgan Stanley đã có cách nhìn nhận lạc quan hơn về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới khi ông phát biểu vào tháng trước rằng : “Chúng ta cần phải cảm ơn người Trung Quốc vì đợt lạm phát này”.
Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn
Xem tin gốc tại:
http://www.camnangdoanhnghiep.com/apm/modules.php?name=News&file=article&sid=1501