Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Luật và vấn đề xung đột lợi ích
01 | 08 | 2007
Minh bạch trong quy trình làm luật là bảo đảm rằng việc ra các quyết định của cơ quan làm luật là kết quả sự cân nhắc giữa các ý kiến trái ngược dựa trên các chuẩn mực có giá trị phổ quát, gọi chung là lẽ phải.

Xung đột lợi ích là trường hợp hai hoặc nhiều nhóm lợi ích trái ngược cạnh tranh để tồn tại. Khi đứng trước yêu cầu giải quyết xung đột giữa các lợi ích hợp pháp trong quá trình xây dựng một quy tắc pháp lý, người làm luật phải lựa chọn giữa hai phương án: hoặc hy sinh hẳn một lợi ích (tất nhiên là với điều kiện bồi thường thỏa đáng) để bảo toàn lợi ích còn lại; hoặc dung hòa bằng cách cắt giảm mỗi lợi ích một chút, để cả hai tiếp tục cùng tồn tại hòa bình trong một ngôi nhà chung.

Đâu là căn cứ khoa học, đạo lý để quyết định hy sinh một lợi ích hoặc dung hòa các lợi ích trái ngược ? Điều chắc chắn là không thể để mặc cho người soạn thảo văn bản luật tự mình cân phân, đánh giá và quyết định phương án giải quyết vấn đề nhạy cảm này. Lý do là bản thân người soạn thảo văn bản luật cũng có những lợi ích của riêng mình và không loại trừ trường hợp lợi ích mà người soạn thảo luật nhắm tới cũng là lợi ích đang tham gia vào cuộc xung đột ấy.

Ngay nếu như các lợi ích liên quan là của người khác, thì những người có lợi ích thường không ngồi yên để chờ đợi quyết định của người làm luật, mà chủ động tìm cách tác động, chi phối ý chí của người soạn thảo văn bản luật, nhằm thúc đẩy việc cho ra đời các luật có lợi cho mình. Khi đó, người soạn thảo luật có thể đứng trước những cám dỗ; và nếu đứng một mình, không bị ai tò mò theo dõi, giám sát, thì việc người soạn thảo luật xiêu lòng trước cám dỗ và đưa ra những phương án lập pháp, lập quy thiên lệch, thậm chí bất công, là điều không nằm ngoài dự kiến.

Nói rõ hơn, việc xây dựng pháp luật nhằm giải quyết xung đột lợi ích phải được đặt trong một cơ chế chặt chẽ, nghiêm ngặt, nhắm đến mục tiêu cho ra đời các quy tắc thỏa mãn các tiêu chí công bằng. Tính chặt chẽ, nghiêm ngặt của cơ chế, đến lượt mình, thể hiện thành hai tính chất cần thiết và là hai yêu cầu cơ bản đối với một quy trình làm luật gọi là có chất lượng nhân văn: tính dân chủ và tính minh bạch.

Dân chủ trong quy trình làm luật là bảo đảm rằng luật, trên nguyên tắc, là quy ước giữa các thành viên trong xã hội dân sự được Nhà nước xác nhận và bảo đảm thực hiện. Trong trường hợp xung đột lợi ích, người dân, thông qua vai trò trọng tài của Nhà nước, thỏa thuận về cách giải quyết xung đột và cam kết thực hiện thỏa thuận ấy. Bởi vậy, luật phải do cơ quan đại diện dân cử (cơ quan lập pháp) xem xét, thảo luận và thông qua. Vả lại, luật phải được áp dụng trực tiếp mà không cần sự hướng dẫn bằng các nghị định, thông tư của cơ quan hành pháp. Quyền lập quy của cơ quan hành pháp chỉ được thừa nhận trong chừng mực cần thiết cho việc thực hiện các chức năng quản lý kinh tế, quản lý trật tự và an sinh xã hội. Văn bản lập quy phải hợp pháp và người dân có quyền tham gia kiểm tra tính hợp pháp đó trong khuôn khổ một án kiện trước tòa án.

Minh bạch trong quy trình làm luật là bảo đảm rằng việc ra các quyết định của cơ quan làm luật là kết quả sự cân nhắc giữa các ý kiến trái ngược dựa trên các chuẩn mực có giá trị phổ quát, gọi chung là lẽ phải. Cần nhấn mạnh rằng việc những người có lợi ích liên quan vận động người làm luật ra những điều luật có lợi cho mình không nằm ngoài khuôn khổ các quyền tự do cơ bản của công dân. Thế nhưng, cần xây dựng một khung pháp lý cho việc vận động của các nhóm lợi ích đối với sự hình thành các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm ngăn chặn các cuộc vận động mang tính chất lách luật hoặc lạm dụng các quyền tự do của công dân, có thể dẫn đến việc cho ra đời các luật bất hợp lý, bất công. Trong điều kiện tất cả các lợi ích liên quan đều chính đáng, quy trình làm luật phải dự kiến việc tổ chức cho các nhóm lợi ích thực hiện tranh luận công khai, trực tiếp và đa phương cùng với người chủ trì dự án pháp luật, theo mô hình tranh luận trước tòa án trong khuôn khổ một xung đột tư pháp, để đi đến một giải pháp lập pháp, lập quy thể hiện sự cân bằng giữa các lợi ích trái ngược.

Ở Việt Nam, việc nhận thức về tầm quan trọng của một cơ chế bảo đảm chất lượng nhân văn của luật chưa được coi trọng. Cơ chế làm luật đang vận hành ở Việt Nam, về phần mình, có những khuyết tật.

Một mặt, việc phân bổ quyền hạn trong hoạt động xây dựng pháp luật tỏ ra mất cân đối rõ nét theo hướng có lợi cho cơ quan hành pháp. Theo một tập quán làm luật phù hợp với một bộ máy lập pháp không chuyên nghiệp, luật chỉ có những quy tắc chung chung và chỉ phát huy được tác dụng theo thể thức và điều kiện do cơ quan hành pháp ấn định trong các văn bản lập quy. Với một quyền lập quy rộng rãi, cơ quan hành pháp có điều kiện đặt hệ thống pháp luật trong tầm chi phối của mình.

Mặt khác, vấn đề đánh giá tính khách quan, vô tư của người làm luật trong việc lựa chọn phương án giải quyết xung đột lợi ích đang bị bỏ ngỏ. Trừ việc tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội đối với dự án luật, việc xử lý các ý kiến đóng góp của các chủ thể khác được thực hiện “tùy nghi”. Đặc biệt, không có bất kỳ một biện pháp nào được đặt ra nhằm kiểm soát sự tác động của các nhóm lợi ích trái ngược đối với quyết định của người làm luật trong quá trình xây dựng pháp luật.

Những khuyết tật của cơ chế làm luật khiến cho hệ thống pháp luật lệ thuộc hẳn vào ý chí của cơ quan hành pháp; sự hình thành ý chí đó, về phần mình, nằm ngoài khả năng kiểm soát của người dân. Không ai biết được trong quá trình xây dựng các quy tắc giải quyết xung đột lợi ích, người làm luật đã cân nhắc dựa vào hệ thống chuẩn mực nào, chịu sự tác động của ai, ở mức độ nào. Chẳng hạn, với các quyết định gần đây liên quan đến giá xăng dầu, đến mức thuế áp dụng đối với ô tô cũ nhập khẩu, cơ quan hành pháp có vẻ nhắm đến việc bảo vệ lợi ích cục bộ của các công ty xăng dầu, các doanh nghiệp lắp ráp ô tô, hơn là lợi ích của người tiêu dùng, của nền kinh tế. Còn tại sao lại như thế, thì có trời biết.

Điều đáng chú ý nữa là: người làm luật ở Việt Nam, khi đứng về một phía trong cuộc xung đột lợi ích, có thể chịu sự công kích xã hội của nhóm có lợi ích bị hy sinh, nhưng không sợ sự công kích pháp lý của bất kỳ ai. Trong khung cảnh của luật hiện hành, công dân không có quyền kiện người làm luật trước tòa án về việc ra một văn bản lập quy trái với các nguyên tắc của luật, một văn bản luật trái với quy định của hiến pháp.

Đã đến lúc xây dựng mới cơ chế làm luật, coi trọng nguyên tắc dân chủ và minh bạch trong việc xây dựng pháp luật nhằm giải quyết xung đột lợi ích, nếu chúng ta thực sự nghiêm túc với việc theo đuổi mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền.



(Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Báo cáo phân tích thị trường