Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nộp thuế: những sửa đổi liệu có khả thi?
26 | 05 | 2008
Môi trường thuế ở nước ta kém phần minh bạch, bị doanh nghiệp phàn nàn, bị quốc tế xếp hạng khá thấp so với các nước trên thế giới chủ yếu vì biện pháp hành thu chứ không phải vì chủ trương chính sách.

Trong khi những vướng mắc về biện pháp tuy đã có những tháo gỡ, thì những trường hợp phức tạp mới lại đang manh nha trong dự luật sửa đổi thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang được Quốc hội xem xét và sẽ thông qua trong kỳ họp này.

Muốn doanh nghiệp nộp thuế ở các địa phương thì trước tiên phải tính được số thuế phải nộp của các đơn vị phụ thuộc ở từng địa phương. Điều này là bất khả. Nếu làm được thì các đơn vị phụ thuộc đó đã được tổ chức thành những đơn vị độc lập của doanh nghiệp rồi.
Trường hợp thứ nhất: trong dự luật sửa đổi thuế giá trị gia tăng, thủ tục khấu trừ và hoàn thuế được bổ sung thêm điều kiện “thanh toán qua ngân hàng”. Tất nhiên tác giả sáng kiến này có lý lẽ của mình, nhưng vấn đề quan trọng hơn lại là tính khả thi của quy định này, khi kinh tế tiền mặt còn khá phổ biến.

Thêm nữa, hình như các tác giả sáng kiến này vô tình hay hữu ý bỏ qua hiện thực giao lưu kinh tế là việc mua bán và việc thanh toán không phải lúc nào cũng diễn ra đồng thời, luôn “tiền trao cháo múc”, mà luôn có gối đầu. Có thể trả tiền trước, nhận hàng sau. Có thể nhận hàng trước, trả tiền sau. Có thể một lần trả cho nhiều chuyến hàng, có thể một chuyến hàng trả bằng nhiều lần. Với thực tế mua bán và thanh toán đan chéo như thế, việc kê khai, chứng từ và sự kiểm soát của cơ quan thuế thế nào?

Trường hợp thứ hai: trong dự luật sửa đổi thuế TNDN, nơi nộp thuế được sửa đổi như sau: trong trường hợp doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc ở các tỉnh (thành) khác nơi đặt trụ sở chính, số thuế phải nộp được phân bổ giữa nơi kinh doanh và nơi đặt trụ sở. Một công ty xây dựng đóng trụ sở tại TPHCM, nhưng lại có nhiều đội thi công phụ thuộc ở các tỉnh khác nữa. Hiện nay công ty nộp thuế TNDN tập trung ở TPHCM, rồi đây sẽ phải chia ra nộp ở tất cả các địa phương có công trình thi công.

Tác giả sáng kiến này chắc chắn cũng có lý lẽ của mình khi lồng công việc phân chia nguồn thu của ngân sách nhà nước cho ngân sách địa phương, vốn là công việc của cơ quan tài chính, vào công việc nộp thuế của doanh nghiệp. Nhưng lại thực hiện khiên cưỡng bằng quyền lực nhà nước, tạo ra sự lộn xộn về chức năng trong guồng máy kinh tế - xã hội: việc của Nhà nước bắt doanh nghiệp làm, việc của cơ quan tài chính bắt cơ quan thuế làm. Nhưng rối hơn lại là xử lý các vấn đề nghiệp vụ - kỹ thuật.

Muốn doanh nghiệp nộp thuế ở các địa phương thì trước tiên phải tính được số thuế phải nộp của các đơn vị phụ thuộc ở từng địa phương. Điều này là bất khả. Nếu làm được thì các đơn vị phụ thuộc đó đã được tổ chức thành những đơn vị độc lập của doanh nghiệp rồi. Và mặc nhiên họ sẽ đăng ký, kê khai và nộp thuế ở địa phương hoạt động. Đối với những đơn vị này quy định trên trở thành vô nghĩa.

Tiếp nữa, chỉ có cơ quan tài chính mới có quyền quyết định mức độ và phải kiểm soát tình hình phân chia thuế cho từng địa phương, nhưng doanh nghiệp phải biết để tính và nộp thuế cho từng địa phương, cơ quan thuế cũng phải biết để theo dõi, kiểm tra, trong đó có yêu cầu cập nhật vì những thông số liên quan tới việc phân chia này chắc chắn sẽ luôn có những điều chỉnh. Rồi còn việc tạm nộp bốn lần mỗi năm, mà nộp phân tán khắp nơi, việc quyết toán và thanh toán thuế cuối cùng theo quyết toán cả năm. Biết bao rắc rối, phức tạp, tốn thời gian, công sức của doanh nghiệp, mà lại không phải là việc thuộc chức năng của họ.

Một phức tạp khác: hiện nay doanh nghiệp nộp thuế TNDN tập trung, có nghĩa là nộp theo kết quả kinh doanh của toàn doanh nghiệp, trong đó tất nhiên bao hàm sự bù trừ kết quả hoạt động của tất cả các đơn vị trực thuộc. Việc nộp và thanh quyết toán thuế tập trung ở một nơi là rất thuận tiện. Thực tế bao năm nay chúng ta đã làm như thế. Nay nếu việc nộp phân tán được thông qua, công việc thanh quyết toán sẽ rất nhiêu khê, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp phải nộp bổ sung hay đã tạm nộp thừa.

Cần thấy rằng số thuế tạm nộp không bao giờ khớp với số thuế phải nộp theo quyết toán. Nhưng số chênh lệch này phải chờ cơ quan thuế kiểm tra quyết toán mới xác định được. Mà thời gian chờ này thường rất dài, phải tính bằng vài năm! Và khi đã xác định được con số phải nộp bổ sung hoặc con số đã nộp thừa, thì vấn đề phân chia với các địa phương có còn phải làm tiếp hay không và nếu còn phải làm thì làm thế nào? 



Nguồn: TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường