Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm giải pháp tiêu thụ cá tra
04 | 06 | 2008
Tại hội nghị trực tuyến về tình hình sản xuất và tiêu thụ các tra, ba sa ở các tỉnh ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm 1-6, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đề nghị doanh nghiệp mua cá tra đến kỳ thu hoạch của nông dân với sự hỗ trợ của ngân hàng.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát, nguyên nhân của tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa gặp khó khăn trong thời gian qua là do lượng cung – cầu mất cân đối.

Mặt khác, còn một bộ phận hộ dân nuôi tự phát, không theo quy hoạch, trình độ kỹ thuật thấp, thiếu kinh nghiệm, không tuân theo quy định điều kiện sản xuất, vì thế môi trường có xu hướng bị ô nhiễm, cá thu hoạch không bảo đảm chất lượng cho xuất khẩu, mức độ rủi ro cao.

Sau khi giá cá tra nguyên liệu nhích lên trên mức 15.000 đồng/kg trong tháng 4, thì sang tháng 5 giá cá tra lại giảm. Hiện cá loại tốt nhất cũng chỉ còn khoảng 14.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn thủy sản lại tăng cao. Mặt khác, do người nuôi cá không được vay vốn ngân hàng để mua thức ăn, buộc phải bán cá đồng loạt làm giá cá càng thêm sụt giảm.

Những hộ neo cá lại càng khó khăn hơn vì hiện nay cá đã quá lứa, cần bán nhưng loại cá này lại khó tiêu thụ do quá kích cỡ và trọng lượng (trên 1,3 kg/con). Theo hạch toán, cứ mỗi kí lô cá thu hoạch, người nuôi phải lỗ khoảng 2.000 đồng/kg.

Hiện các tỉnh ĐBSCL còn khoảng 300.000 tấn cá nguyên liệu còn tồn đọng trong ao với cỡ lớn hơn 1 kg/con; khoảng 20% diện tích ao đìa chưa thả giống và có nguy cơ bỏ không (gọi là hiện tượng “treo hầm”).

Tại tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi cá tra đã giảm 113 héc ta so với cùng kỳ. Đây là điều rất đáng lo ngại, vì sẽ tác động mạnh đến các nhà máy chế biến trong tỉnh khi không đủ nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có tám nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động với công suất thiết kế 240.000 tấn nguyên liệu/năm, gần bằng với sản lượng cá nuôi trong tỉnh, nhưng đến cuối năm nay, số lượng nhà máy đi vào hoạt động sẽ tăng gấp đôi. Thế nhưng, tình hình nuôi cá tra ở Đồng Tháp đang giảm sút chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các nhà máy chế biến trong thời gian tới.

Trước tình hình giá cá tra sụt giảm, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có giải pháp cho nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu. Tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho nới rộng biên độ tỷ giá ngoại tệ và dành một nguồn vốn ưu đãi cho vay mua dự trữ, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp mua lượng cá đã đến kỳ thu hoạch còn tồn đọng trong dân, nhằm giảm bớt thiệt hại cho người nuôi.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương sớm quy hoạch tổng thể phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản và vùng nuôi cá tra khu vực ĐBSCL cả về diện tích, sản lượng, mùa vụ và ban hành quy chuẩn nuôi cá sạch theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Vĩnh Long, giá cá tra thịt trắng hiện đứng ở mức 14.500 đồng/kg, giảm từ 700 đến 1.000 đồng so với cùng thời điểm tháng trước. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Vĩnh Long, đến cuối tháng 5-2008, toàn tỉnh còn tồn trên 13.500 tấn cá tra thương phẩm đã đến kỳ thu hoạch chưa tiêu thụ. Với giá bán hiện nay, các doanh nghiệp chế biến ở Vĩnh Long cần gần 200 tỉ đồng để thu mua nguyên liệu nhưng các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay vốn tín dụng ngân hàng nên thiếu nguồn tiền mặt để mua.

Công ty TNHH thủy sản Vĩnh Long - một trong những doanh nghiệp nuôi cá tra quy mô lớn của tỉnh, đã liên hệ với các doanh nghiệp chế biến cá tra trong tỉnh và tỉnh An Giang nhưng vẫn chưa tìm được đầu ra hoặc doanh nghiệp chỉ mua nhỏ giọt. Nhiều hộ nuôi cá với sản lượng lớn đến kỳ thu họach nhưng chưa tiêu thụ được, người nuôi phải tiếp tục đầu tư thêm thức ăn, thuốc thú y nhưng khó vay vốn tín dụng ngân hàng, các đại lý thức ăn thủy sản lại hạn chế hình thức bán trả chậm nên người nuôi càng gặp khó khăn.

Vĩnh Long hiện có 334 héc ta mặt nước ao nuôi cá tra trong đó diện tích đang nuôi 291 héc ta, chuẩn bị nuôi 43 héc ta, dự kiến năm nay sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 127.000 tấn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chưa có đơn vị nào ký hợp đồng tiêu thụ hàng hóa với hộ sản xuất mà chỉ tổ chức mua khi có nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết ngay trong đầu tuần này, mỗi tỉnh trong vùng ĐBSCL đề xuất với Ngân hàng Nhà nước một-hai doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, ba sa có uy tín và năng lực lớn, để ngân hàng bàn bạc, thống nhất phương án hỗ trợ về tài chính thu mua cá nguyên liệu. Đây là giải pháp tình thế, nhằm giảm bớt thiệt hại cho người nuôi.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng các địa phương cần có những nhóm giải pháp thật thiết thực và hiệu quả. Về lâu dài, phải quy hoạch vùng chăn nuôi theo hướng chủ động, đảm bảo chức năng vùng sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phó thủ tướng giao cho Bộ NN-PTNT tiến hành rà soát, quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi, nhất là vịêc xây dựng mô hình nuôi cá tra dựa trên cơ sở quản lý cộng đồng để giảm công lao động, phòng ngừa dịch bệnh, tăng năng suất; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và điều kiện sản xuất kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, hóa chất chế phẩm sinh học dùng trong cải tạo môi trường ao nuôi.

Đối với các nhóm giải pháp trước mắt, Phó thủ tướng đề nghi thu mua, tiêu thụ hết sản phẩm của người nuôi cá tra, ba sa; các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát những doanh nghiệp, cơ sở chế biến xuất khẩu có dấu hiện vi phạm, gian lận thương mại và phải nghiêm túc xử lý những trường hợp vi phạm.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường