Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chương trình 135 được kéo dài thêm 5 năm
23 | 09 | 2007
Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm vừa phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (gọi tắt là 135) giai đoạn 2006-2010. Nguồn kinh phí thực hiện sẽ do ngân sách nhà nước, địa phương và huy động đóng góp tự nguyện, dự kiến 12.000 tỷ đồng.

Chương trình này nhằm thực hiện 4 mục tiêu. Trong đó, quan trọng nhất là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc, phấn đấu trên 70% số hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 3,5 triệu đồng/năm vào năm 2010. Kế đó là phát triển cơ sở hạ tầng, trên 80% xã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm xã đến tất cả thôn bản; 100% xã có đủ trường, lớp học kiên cố; 80% thôn, bản có điện ở cụm dân cư; 100% xã có trạm y tế kiên cố.

Nâng cao đời sống văn hóa đồng bào dân tộc cũng là một mục tiêu quan trọng của chương trình. Theo đó, đến năm 2010, có trên 95% số học sinh tiểu học, 75% học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường; trên 95% người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý được giúp đỡ pháp luật miễn phí. Cán bộ, công chức cấp xã và trưởng thôn, bản được bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, về quản lý đầu tư.

Chương trình 135 được triển khai tại 2.410 xã vùng đồng bào dân tộc và miền núi khó khăn. Hằng năm mỗi xã được cấp 500 triệu đồng để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Chương trình 135 được bắt tay vào thực hiện từ năm 1998. Dự án mô hình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2002-2004 đã xây dựng 2 mô hình chính. Một là liên kết giữa doanh nghiệp với hộ, xã phát triển vùng nguyên liệu xóa đói giảm nghèo. Tùy theo điều kiện cụ thể, doanh nghiệp hỗ trợ người dân từ khâu ứng trước về giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, sơ chế bảo quản đến bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ xã cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Hai là mô hình xóa đói giảm nghèo ở xã đặc thù thuộc các vùng sinh thái gồm các mô hình nhỏ như: Phát triển ruộng bậc thang giúp đồng bào dân tộc làm quen với sản xuất lúa nước; phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp với chế biến ở xác xã bãi ngang ven biển; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và xóa nhà tạm ở vùng lũ ngập sâu thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 3 năm, dự án đã triển khai ở 83 xã thuộc 20 tỉnh với tổng vốn đầu tư 174 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 16 tỷ đồng. Vốn hỗ trợ trực tiếp cho hộ phát triển sản xuất là 123 tỷ đồng, vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển vùng nguyên liệu cho xã là 47 tỷ đồng. Dự án đã giúp 38.470 hộ nông dân có vốn phát triển sản xuất, trong đó trên 52% hộ nghèo. Về phía các tổng công ty, vùng nguyên liệu được quy hoạch ổn định, diện tích gieo trồng hằng năm tăng trung bình 3-10%, sản lượng nguyên liệu tăng.



Báo cáo phân tích thị trường