Theo ông Nguyễn Văn Sáu-Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính)-đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo Quyết định này, cơ chế tín dụng đối với vùng khó khăn thời gian qua đã bộc lộ nhiều nhược điểm lớn. Bao cấp tín dụng còn tràn lan, gây tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các cơ chế tín dụng chưa đồng bộ, nguồn vốn cho vay còn phân tán, chưa phân định được đối tượng cho vay cụ thể của các tổ chức tín dụng và các NHCS...
Khắc phục những hạn chế này, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng về tín dụng đối với hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về địa bàn được vay vốn, mục đích cho vay, đối tượng vay, mức cho vay và lãi suất cho vay....
Lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, đối tượng được vay vốn quy định như trong dự thảo vẫn còn "bó hẹp" chỉ là các hộ gia đình, mà chưa đề cập đến một đối tượng cần được khuyến khích cho vay vốn là các chủ trang trại, trang trại; trong khi đây lại chính là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Thêm vào đó, "tên gọi của Quyết định cũng phải được quy định rõ ràng là các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để tránh gây khó khăn đối với người vay và không tạo kẽ hở.
Về mức cho vay, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định tối đa mức 20 triệu đồng/hộ như trong dự thảo là quá thấp, không thực tế. Theo nhiều đại biểu, nên nghiên cứu và tính toán mức cho vay theo từng chương trình, dự án cụ thể và mức cho vay giới hạn tối đa từ 70-80% tổng mức đầu tư của dự án. Thời hạn vay cũng cần phải được cân nhắc trên cơ sở của các dự án để xác định cho vay ngắn hạn, trùn hạn hay dài hạn, chứ không chỉ giới hạn ở mức 5 năm như dự thảo.
Bên cạnh đó, việc xác định mức lãi suất cho vay cũng phải được tính toán sao cho gần sát với mức lãi suất cho vay thương mại (cao hơn lãi suất cho vay hộ nghèo), tránh tình trạng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây. Cũng có ý kiến cho rằng, chỉ nên áp dụng một mức lãi suất đối với cả vùng II (miền núi) và vùng III (miền núi, hải đảo, vùng đồng bào Khơme tập trung và các xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135) bởi mức độ chênh lệch về khó khăn giữa các vùng này cũng không lớn đồng thời đảm bảo cho việc quản lý được thuận tiện.
Ngay sau khi thống nhất ý kiến cho dự thảo, Bộ Tài chính sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ để sớm có thể áp dụng cơ chế tín dụng mới đối với các vùng khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và kéo gần khoảng cách giữa các vùng, miền trên cả nước./.