Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Vua” cotton của thế giới
22 | 07 | 2008
Nổi tiếng với kỳ tích là ông chủ đầu tiên thực hiện thành công 8 dự án dệt khổng lồ tại Đan Mạch, Bỉ, Pháp, Anh và Mỹ, Roger Milliken còn là một trong những doanh nhân kiểu mẫu, một niềm kiêu hãnh của xứ sở khi ông khởi xướng và thực hiện thành công các chương trình cải tổ, thu hút đầu tư nước ngoài cho ngành công nghiệp dệt của Nam Corolina, Mỹ.
Sau hơn 6 thập kỷ kế thừa và phát triển thành công “đế chế” dệt may Milliken & Co., “ông vua” ngành dệt may thế giới - Roger Milliken cũng tạo lập được cho mình khối tài sản cá nhân lên tới hơn 1 tỷ USD, vươn lên vị trí là một trong những người giàu nhất hành tinh.

Sự nghiệp của Roger Milliken luôn gắn liền với doanh nghiệp dệt của dòng họ Milliken. Từ khi nắm quyền điều hành Milliken & Co, bằng những bước đi táo bạo, quyết đoán nhưng cũng không kém phần sáng tạo, Roger Milliken đã thổi một luồng sinh khí mới vào công ty.

Tới thời điểm hiện nay, Milliken & Co trở thành một thế lực hùng mạnh nhất trong lĩnh vực dệt may của Mỹ và thế giới với hơn 60 nhà máy dệt có khả năng sản xuất hàng chục nghìn loại sản phẩm dệt may đặt tại 6 bang của Mỹ, 11 quốc gia trong và ngoài khu vực.

Niềm kiêu hãnh không chỉ của khu vực Nam Corolina

Bất cứ ai, kể cả những doanh nhân tài năng, danh tiếng nhất của thế giới khi được mục sở thị danh sách giải thưởng ghi nhận chuỗi thành công của Roger Milliken sẽ đều phải gật đầu “tâm phục khẩu phục”.

Không ngừng nỗ lực trong lĩnh vực dệt may, Roger Milliken được mệnh danh là nhà tiên phong trong đổi mới công nghệ và phương pháp quản lý của ngành công nghiệp dệt may; kết hợp chặt chẽ giữa kinh doanh với vấn đề bảo vệ môi trường sống, và biến doanh nghiệp dệt may Milliken & Co của gia đình thành một đế chế dệt may hàng đầu thế giới.

Roger Milliken từng được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước trao tặng những giải thưởng danh giá. Với uy tín và tài năng đã được khẳng định, ngành công nghiệp dệt may của Mỹ đã lấy tên ông đặt tên cho giải thưởng Roger Milliken Medal of Quality Award dành cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực dệt may của Mỹ.

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, Milliken & Co hiện cũng là một trong số ít những doanh nghiệp luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Sở hữu gần 100 chi nhánh hoạt động trên nhiều quốc gia, Milliken & Co đồng nghĩa với việc vận hành một hệ thống sản xuất khổng lồ và vô cùng phức tạp.

Cùng với những nguồn sản phẩm đầu vào là bông và sợi được lấy từ thiên nhiên, các sản phẩm của Milliken & Co sử dụng không ít những loại hóa chất trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, với quan điểm “sản xuất phải vì môi trường sống của cộng đồng” nên ngay từ rất sớm, Roger Milliken đã tiến hành thành công hàng loạt các dự án xử lý chất thải công nghiệp và các chương trình bảo vệ môi trường sống.

Chỉ với một khẩu hiệu rất đơn giản “Trees for all”- “Cây xanh cho cuộc sống của tất cả mọi người”, trong suốt 40 năm lãnh đạo doanh nghiệp, Roger Milliken luôn cổ động cho phong trào trồng cây xanh, bảo vệ môi trường sống bằng những chiến lược cụ thể và hiệu quả.

Ý thức về bảo vệ môi trường sống, gây mầm và trồng cây xanh của Roger Milliken lớn tới mức, ngay khi chuyển công ty tới Nam Corolina, ông đã biến trụ sở tại đây thành một khu vườn ươm cây giống rộng tới 600 mẫu, đồng thời thành lập nên quỹ ươm trồng cây xanh Noble Tree Foundation. Tại bất cứ đâu, dự án kinh doanh nào của Roger Milliken cũng đi đôi với các chương trình bảo vệ môi trường và trồng cây gây rừng.

Tới thời điểm hiện nay, với số lượng hàng triệu cây xanh được trồng trong các chương trình phát triển dự án kéo dài từ Georgia, New York, Carolina cho tới Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Nhật, Anh quốc và Tây Ban Nha, Công ty Milliken & Co đã vinh dự có mặt trong danh sách “100 doanh nghiệp kiểu mẫu” của thế giới do tạp chí nổi danh Fortune bình chọn, được Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ Environmental Protection Agency and McGraw Hill coi là “một trong 21 doanh nghiệp xuất sắc nhất về bảo vệ môi trường”.

Cùng với đó, Roger Milliken cũng được tôn vinh rộng rãi là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới vấn đề bảo vệ môi trường sống của thế giới.

“Kiến trúc sư” thông minh của Deering-Milliken & Co.

Những thành công ngày nay của Roger Milliken được phát triển từ nền tảng ban đầu do ông nội và bố Roger Millken để lại. Được thành lập năm 1856 bởi Seth Milliken- ông nội của Roger Milliken, “đế chế” dệt may Milliken & Co (tên ban đầu là Deering-Milliken & Co) đặt trụ sở tại Portland, Maine, Mỹ.

Tới năm 1920, Seth Milliken qua đời và để lại quyền thừa kế Deering-Milliken & Co cho người con trai Gerrish Milliken. Sau đúng 27 năm điều hành, Gerrish Milliken đã chính thức chuyển giao doanh nghiệp dệt Deering-Milliken & Co cho Roger Milliken.

Dưới thời ông nội và cha của Roger Milliken, Deering-Milliken & Co đã có được những bước phát triển khá ổn định và trở thành một doanh nghiệp hạng trung trong lĩnh vực dệt. Bên cạnh một số quan hệ với các đối tác quan trọng Deering-Milliken & Co cũng đã bước đầu tạo dựng được uy tín và tầm ảnh hưởng ra thị trường khu vực phía Nam của Mỹ.

Sinh ngày 24 tháng 10 năm 1915 tại New York, Mỹ, ngay từ khi còn nhỏ, Roger Milliken đã có được những điều kiện thuận lợi trong cuộc sống và con đường học tập. Dưới sự định hướng của gia đình, sau khi tốt nghiệp trung học tại trường Groton School, năm 1933, Roger Milliken tiếp tục theo học chương trình đại học tại Trường đại học Yale của Mỹ. Năm 1937, tốt nghiệp, Roger Milliken quay về làm việc cho doanh nghiệp dệt Deering- Milliken & Co của gia đình.

Là người ham học hỏi, cần mẫn và có tố chất thông minh bẩm sinh, Roger Milliken nhanh chóng làm quen với công việc sản xuất, kinh doanh của công ty và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu từ người cha, cũng như con đường kinh doanh của ông. Năm 1947, sau khi ông Seth Milliken qua đời vì bệnh tim, Roger Milliken chính thức nhận quyền thừa kế Deering-Milliken & Co và bắt đầu cho “cuộc vạn lý trường chinh” chinh phục đỉnh cao của ngành công nghiệp dệt.

Sau khi nắm quyền lãnh đạo, Roger Milliken đã chuyển trụ sở của công ty Deering-Milliken & Co tới Nam Corolina. Tới năm 1956, Deering-Milliken & Co được đổi tên thành Milliken & Co. Là thế hệ thứ 3 kế thừa truyền thống kinh doanh của gia đình, đối với Roger Milliken, đây là một niềm vinh dự nhưng cũng lại là một trọng trách vô cùng nặng nề.

Và sự thực sau đó đã chứng minh, trong nửa cuối thập niên 40, đầu thập niên 50, do thị trường tiêu thụ hàng dệt may tụt giảm nghiêm trọng, hàng loạt các doanh nghiệp dệt lớn trong ngành công nghiệp dệt của Mỹ như Baileys của gia đình Clinton Mills, Montgomerys của Spartan Mills và Dents của Mayfair Mills đã nhanh chóng phải đóng cửa và tuyên bố phá sản.

Theo quy luật tự nhiên, doanh nghiệp Milliken & Co cũng phải đối mặt với nguy cơ tương tự. Không ít người, trong đó phần lớn là những doanh nhân của ngành dệt đã lắc đầu ngao ngán: “Tôi không muốn biết và cũng không muốn nói tới tương lai của Milliken & Co nữa”. Nhưng cuối cùng, điều thần kỳ đã đến, trong thời khắc khó khăn đó, không ai khác, chính Roger Milliken là cứu tinh của doanh nghiệp Milliken & Co.

Nhằm bảo vệ nguồn lực cho doanh nghiệp, Roger Killiken đã lập tức cho Milliken & Co rút khỏi khu vực thị trường đang suy thoái, chủ động đàm phán và liên kết với đối thủ Springs Industries và chuyển sang khai thác thị trường Brazil. Bước liên kết tạm thời này mặc dù không tạo ra được sự phát triển của Milliken & Co nhưng cũng là quá đủ khi giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong thời điểm đó.

Tìm điểm yếu của doanh nghiệp để tiến hành cải tổ

Trên cương vị là người điều hành doanh nghiệp, Roger Milliken đặc biệt tập trung vào nghiên cứu để tìm ra những điểm yếu của doanh nghiệp và tiến hành cải tổ. Chương trình đầu tiên được Roger Milliken triển khai là sắp xếp lại nhân sự, thắt chặt quản lý và hướng các nhà máy đi sâu vào sản xuất từng mặt hàng cụ thể. Cùng với đó, chương trình mở rộng hệ thống các nhà máy cũng được đồng loạt tiến hành. Trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến năm 1953, có tổng cộng tới 8 nhà máy dệt mới với quy mô lớn được xây dựng.

Tổng số nhân viên làm việc trong các nhà máy của Milliken & Co đã lên tới 19.000 người. Trong hầu hết các bước, các khâu cải tổ, Roger Milliken đều giữ vai trò là người trực tiếp chỉ đạo và giám sát. Nhờ đó, Roger Milliken vừa xây dựng cho Milliken & Co một cơ cấu quản lý và hoạt động chặt chẽ và có tính thống nhất cao ngay từ đầu, vừa mở rộng tầm hoạt động ra các khu vực để chuẩn bị cho chiến lược xâm chiếm thị trường dệt quốc tế.

Bước vào thập niên 60, thị trường hàng dệt may bắt đầu sôi động trở lại và cùng với đó, sức ép cạnh tranh từ các đối thủ như Burlington Industries Inc.; E. I. du Pont de Nemours and Company và Shaw Industries Inc. cũng lớn hơn.

Đứng trước thách thức đó, Roger Milliken đưa ra chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Mục tiêu cụ thể được chính Roger Milliken đưa ra là “phải sản xuất được những sản phẩm hàng dệt may tốt nhất để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nếu đối thủ có được sản phẩm tốt thì Milliken & Co phải có được những sản phẩm tốt hơn”.

Trên cơ sở những tính toán đó, thông qua mối quan hệ kinh doanh với một số nhà sản xuất công nghệ dệt của Nhật Bản, Pháp và Bỉ, Roger Milliken đầu tư những khoản tài chính lớn và nhập về những loại thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại nhất vào thời điểm đó cho các nhà máy của Milliken & Co. Bằng những bước đi chiến lược và khôn ngoan, Roger Milliken đã giúp Milliken & Co trở thành một trong những công ty dệt đầu tiên của Mỹ và thế giới chế tạo được loại vải dệt có kết cấu sợi kép.

Chính nhờ dòng sản phẩm mới này, tới năm 1965, Milliken & Co bắt đầu tiến ra thị trường Anh, Pháp, Bỉ và thành các văn phòng đại diện và nhà máy sản xuất tại đây. Từ thập niên 80 cho tới nay, Milliken & Co luôn đạt tốc độ phát triển bùng nổ trên các thị trường và từng được Tạp chí Fortune bình chọn vào “tốp đầu trong danh sách 100 doanh nghiệp dệt tư nhân lớn nhất của thế giới”.

Từng được đào tạo bài bản và chuyên sâu về kinh tế, Roger Milliken luôn coi khâu đào tạo cho nhân viên, đặc biệt là những người giữ vai trò quản lý và nhân viên nghiên cứu sản phẩm mới là chìa khóa thành công của doanh nghiệp.

Do đó, ngay từ giai đoạn đầu điều hành doanh nghiệp, Roger Milliken đã liên kết với các trung tâm và viện nghiên cứu để đào tạo và nâng cao tay nghề cho nhân viên. Cùng với đó, phòng thí nghiệm của Milliken & Co cũng được đầu tư những loại máy móc, trang thiết bị hiện đại nhất. Nhờ đó, các loại sản phẩm mới như dầu lửa, sơn, nhựa và hàng nghìn loại vải liên tục được Milliken & Co nghiên cứu và đưa vào sản xuất thành công.

Cho tới thời điểm hiện nay, Milliken & Co không còn chỉ được biết tới là một doanh nghiệp dệt hàng đầu thế giới, mà còn được mệnh danh là “một viện nghiên cứu về dệt may” lớn nhất thế giới với hơn 1.900 bằng sáng chế được thế giới công nhận.

Với cá nhân Roger Milliken, sau những gì đã làm được cho doanh nghiệp Milliken & Co và ngành công nghiệp dệt may của Mỹ, ông đã được tôn vinh là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với lĩnh vực dệt may của thế giới trong thế kỷ 20.



Nguồn: vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường